Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ trước thời kỳ thuộc Anh là nền tảng cho sự

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 104 - 107)

B. NỘI DUNG

3.1. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ trước thời kỳ thuộc Anh là nền tảng cho sự

sự thành lập cộng đồng người Ấn trên bán đảo Malaya

Nhờ vào nhiều con đường và bằng những cách thức khác nhau, người ta nhận thấy, có một khoảng thời gian gần như đồng nhất – từ những thế kỷ đầu Công nguyên, nền văn minh Ấn Độ bao phủ lên toàn bộ bán đảo Malaya cũng như khắp nơi ở khu vực Đông Nam Á. Không dừng lại ở đó, quá trình tác động và tiếp biến giữa nền văn minh Ấn Độ và nền văn hóa bản địa diễn ra liên tục và kéo dài hơn mười thế kỷ sau đó, cho đến trước khi có sự xâm nhập của Hồi giáo vào khu vực.

Những người Ấn đầu tiên tới bán đảo Mã Lai là thương nhân và giáo sĩ Ấn giáo và Phật giáo. Một số người Ấn chọn nơi đây để định cư và kết hôn với phụ nữ bản xứ. Điều đó giải thích ảnh hưởng của Ấn Độ không chỉ mở rộng mà còn ăn sâu, bám rễ trên toàn bộ bán đảo Malaya, tạo nên một đặc trưng điển hình của nền văn hóa này – nền văn hóa mang bóng dáng của văn minh Ấn Độ.

Những người Ấn Độ không hề tiến hành chinh phục quân sự và thôn tính sáp nhập nhân dân một quốc gia hay một mẫu quốc, và những vương quốc Ấn Độ được thành lập trong vùng ngoại Ấn vào những thế kỷ đầu Công nguyên chỉ có những mối liên hệ về truyền thống với các vương triều trị vì ở Ấn Độ chính quốc, mà không có sự phụ thuộc chính trị. Những nhà sử học đã nhất trí thừa nhận rằng, dưới một lớp sơn phủ Ấn Độ, xã hội ở những nơi này vẫn giữ được những nét cốt yếu của những đặc trưng riêng của mình [12; 71].

Nếu so sánh ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung, thì người ta sẽ nhận thấy trong đó có sự khác biệt rất lớn. Nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ mục đích truyền bá khác nhau của mỗi nền văn minh. Người Ấn dùng nền văn minh của mình phục vụ chủ yếu cho mục đích thương mại và mở rộng ảnh hưởng của tôn giáo. Ngược lại, người Trung Hoa xem văn minh của mình là một công cụ để phục vụ cho quá trình xâm lược và bành

trướng khu vực. Vì vậy, không khó để giải thích rằng, tại sao trong khi “các dân tộc ở Nam bán đảo Trung – Ấn và ngoài hải đảo tiếp thụ các yếu tố văn hóa Ấn để dần dần hoàn thiện tổ chức xã hội của mình (dựng), thì các dân tộc ở Bắc bán đảo Trung – Ấn – mà chủ yếu là người Việt – phải đương đầu chống lại sự Hán hóa (giữ), mặc dù vẫn phải tiếp thu văn hóa Hán…. Không phải ngẫu nhiên mà vào khoảng thế kỷ VI sau công nguyên, tình thế đã diễn ra là trong khi hầu khắp trên Đông Nam Á, nhiều dân tộc sau một quá trình tìm tòi tiếp thụ có chọn lọc văn hóa Ấn, đã thể nghiệm dựng nên được những nhà nước có tính dân tộc bản địa như Chân Lạp, Dvaravati, Haripunjaya, Thaton, Pegu, Palembang, Kalinga,… thì trong địa bàn của mình, người Việt đã phải cam go đương đầu với cuộc tấn công toàn diện của phong kiến phương Bắc” [10; 50].

Như vậy, cũng như các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, quá trình văn hóa Ấn truyền bá và ảnh hưởng đến bán đảo Malaya hoàn toàn mang tính chất hòa bình. Do đó, nó như một dòng chảy, thẩm thấu và làm tăng thêm tính đa dạng, phong phú cho nền văn hóa toàn khu vực.

Trong một thời gian dài, với việc độc tôn Hinđu giáo và sự tồn tại dai dẳng của chế độ đẳng cấp Varna, văn minh Ấn Độ như một bức màn khép kín với bên ngoài. Tuy nhiên, sự ra đời của Phật giáo đã phá vỡ sự ngăn cách đó, đưa văn minh Ấn Độ lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới, mà ảnh hưởng sâu đậm nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia này không chỉ tiếp thu những giá trị của nền văn minh Ấn Độ, mà thậm chí, người Việt ở phía Bắc bán đảo Trung - Ấn còn sử dụng nó làm công cụ đấu tranh chống lại sự thống trị của người Hán.

Nhưng thực tế cho thấy, Phật giáo chỉ như yếu tố dẫn đường cho hàng loạt các giá trị văn minh khác của Ấn Độ đến với Malaya cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung. Khi đặt chân đến vùng đất mới, nó đi sâu vào đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng lại không thể trở thành một thứ quyền lực cho giai cấp thống trị. Bởi lẽ, mọi giáo lý của Phật giáo đều mang tính nhu, từ bi, hỉ xả, yêu thương con người và công bằng, bình đẳng.

Vào những thế kỷ đầu công nguyên, đồ sắt trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á nói chung. Các dân tộc bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ tan rã của xã hội nguyên thủy và hình thành xã hội có giai cấp. Nhiều thủ lĩnh các bộ tộc ở đây đã nhanh chóng tiếp thu cách thức tổ chức và cai quản nhà nước của Ấn Độ. Tuy nhiên, để tổ chức được một nhà nước vương quyền như Ấn Độ, người ta không thể không chú ý đến vai trò của tôn giáo. Nhưng Phật giáo thì không làm được điều đó. Vì vậy, Hinđu giáo với quan niệm Vua – Thần và chế độ đẳng cấp sẵn có, đã trở thành công cụ đắc lực nhất giúp cho quá trình thâu tóm quyền lực được thực hiện một cách dễ dàng hơn. Và khi xây dựng nhà nước, các tầng lớp trên trong xã hội cũng tiếp thu cả những thành tựu văn hóa khác để phục vụ cho việc thiết lập và củng cố vương quyền.

Rõ ràng, những ảnh hưởng của Ấn Độ, nhất là tôn giáo, đã có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hóa xã hội, hình thành những nhà nước cổ đại và góp phần không nhỏ vào việc tạo nên bản sắc văn hóa Đông Nam Á nói chung, văn hóa Malaya nói riêng. Đúng như Coedes đã nói về sự ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á nói chung, đó là “sự truyền bá một nền văn hóa có tổ chức được xây dựng trên quan niệm của Ấn Độ về vương quyền, có đặc trưng là những lễ thức thờ cúng Hindu hoặc Phật giáo, thần thoại trong Puranas, sự tuân thủ giáo luật Dharmacastras và có phương tiện biểu đạt là ngôn ngữ Phạn” [12; 52].

Người ta đã tìm thấy những ảnh hưởng của Ấn Độ hầu như trên tất cả các lĩnh vực của văn minh Malaya, từ tôn giáo, tín ngưỡng, đến các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, ca múa; từ ngôn ngữ, chữ viết đến văn học, thậm chí cả những thiết chế chính trị - xã hội cũng không tách rời chế độ vương quyền và sự phân chia thành các đẳng cấp, mặc dù nó không thực sự rõ nét như nền văn minh Ấn Độ.

Khắp nơi trên bán đảo Malaya, từ các tiểu quốc ở phía Bắc tiếp giáp với Thái Lan ngày nay như Kedah, Perak, cho đến Trengganu ở miền Đông, hay Johore và Tumasic ở cực Nam bán đảo, không nơi nào mà văn minh Ấn Độ không để lại những dấu ấn riêng của mình. Ngoài văn tự, những công trình kiến trúc và điêu khắc, tôn giáo, đặc biệt là Hinđu giáo trở thành yếu tố điển hình trong mọi tầng lớp

xã hội của Malaya, cả về đối tượng sùng bái, thờ cúng, cho đến trang phục, lễ hội hay những phong tục tôn giáo khác.

Nhìn chung, ở giai đoạn trước thời kỳ thuộc Anh, nền văn minh Ấn Độ đã ảnh hưởng một cách sâu đậm lên bán đảo Malaya. Vì vậy, giai đoạn này được coi là tiền đề cho sự hình thành của cộng đồng người Ấn trên bán đảo Malaya sau khi thực dân Anh xâm lược và thống trị nơi đây.

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 104 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w