II. MỘT SỐ CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN CỦA LUẬT HÌNH SỰ 1 Tội phạm
c) Các dấu hiệu đặc trưng của một tội phạm
* Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Đây là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Hành vi nào đó sở dĩ bị quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự vì nó có tính nguy hiểm cho xã hội. Sự nguy hiểm của hành vi phạm tội được biểu hiện ở mức độ thiệt hại đáng kể về vật chất và tinh thần. Ví dụ hành vi gây thương tích làm suy giảm sức khỏe con người từ 11% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội còn xem xét đến các yếu tố khác như công cụ, phương tiện, địa điểm, động cơ, mục đích phạm tội…tức là xem xét cái gì đã thúc đẩy họ đi vào con đường phạm tội.
* Tính trái pháp luật hình sự của hành vi
Chỉ người nào phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Không thể coi một hành vi nào đó là tội phạm nếu hành vi đó không được bộ luật hình sự quy định.
* Tính có lỗi của chủ thể phạm tội
Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý.
Người bị coi là có lỗi khi người đó thực hiện hành vi gây thiệt hai cho xã hội nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện quyết định thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Tính có lỗi của chủ thể phạm tội được thể hiện dưới hai dạng: cố ý phạm tội và vô ý phạm tội.
- Cố ý phạm tội xảy ra hai trường hợp:
+ rường hợp thứ nhất: người phạm tội nhận thức rõ ràng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
+ Trường hợp thứ hai: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thẩy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Vô ý phạm tội là những trường hợp sau đây:
+ Thứ nhất: người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình
có thể gây hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Thứ hai: người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
* Tính phải chịu hình phạt
Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước, nghiêm khắc nhất là hình phạt.