Hình thức quản lý hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 72 - 74)

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH 1 Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh

a)Hình thức quản lý hành chính nhà nước

Trong thực tiễn hoạt động quản lý (hoạt động chấp hành và điều hành) các chủ thể quản lý sử dụng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau được gọi là các hình thức và phương pháp quản lý hành chính nhà nước. Các hình thức và phương pháp này rất đa dạng, phụ thuộc vào tính chất từng nhiệm vụ cụ thể mà cơ quan đó phải thực hiện.

Hình thức quản lý hành chính nhà nước là sự biểu hiện ra bên ngoài của những hoạt động quản lý trong những hành động cụ thể.

Hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện có tính tổ chức-quản lý của những hoạt động cụ thể cùng loại của chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Các hình thức quản lý nhà nước được phân loại như sau:

* Thứ nhất: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đây là hình thức quan trọng nhất trong hoạt động của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Thông qua hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật hành chính. Các chủ thể của quản lý nhà nước ấn định những quy tắc xử sự trong quản lý nhà nước (ban hành những quy định có tính chất chung hoặc ngành, liên ngành); quy định những nhiệm vụ cụ thể, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia quản lý, quy định những hạn chế và những điều cấm…

* Thứ hai: Ban hành các văn bản áp dụng pháp luật

Đây là hình thức hoạt động chủ yếu của các cơ quan hành chính nhà nước. Nội dung của nó là áp dụng một hay nhiều quy phạm pháp luật vào một trường hợp cụ thể, trong những điều kiện cụ thể. Việc ban hành văn bản áp dụng pháp luật sẽ làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.

* Thứ ba: Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý

Đây là hình thức pháp lý quan trọng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Hình thức hoạt động này được tiến hành khi phát sinh những điều kiện tương ứng được định trước trong quy phạm pháp luật nhưng không cần ban hành văn bản áp dụng pháp luật. Ví dụ như các hoạt động tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, các hoạt động ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật như: kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra đăng kí tạm trú, tạm vắng, đăng ký những sự kiện nhất định như khai sinh, khai tử, lập và cấp một số giấy tờ nhất định như biên bản vi phạm hành chính, cấp giấy phép lái xe,…

Đây là những hoạt động sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng thành tựu của khoa học-kỹ thuật vào quá trình quản lý hành chính nhà nước. Những hoạt động này hết sức đa dạng như: chuẩn bị tài liệu cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật, cho việc tiến hành những biện pháp tổ chức, làm báo cáo, lưu trữ hồ sơ,…

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 72 - 74)