I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÀNH CHÍNH 1 Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh
b) Đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính
Ngoài những đặc trưng chung như các quan hệ pháp luật khác, các quan hệ pháp luật hành chyính còn có những đặc trưng riêng. Những đặc trưng này xuất phát từ tính chất của hoạt động quản lý hành chính. Trong đó, có những đặc điểm chủ yếu là:
- Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính của các bên tham gia quan hệ đó. Quyền và nghĩa vụ của một bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính luôn gắn liền với hoạt động chấp hành, điều hành của quản lí nhà nước. Các quyền và nghĩa vụ này chỉ phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước ở các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. - Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh theo yêu cầu hợp pháp của bất kỳ một bên chủ thể nào (cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân công dân).
- Trong quan hệ pháp luật hành chính bao giờ cũng có ít nhất một chủ thể mang quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước và để thực hiện quyền lực nhà nước. Đây là chủ thể bắt buộc phải có mà thiếu nó thì không thể hình thành quan hệ pháp luật hành chính.
- Bên vi phạm trong quan hệ pháp luật hành chính phải chịu trách nhiệm pháp lý trước nhà nước chứ không phải trước bên kia, bởi vì bản chất của sự vi phạm đó bao giờ cũng là vi phạm trật tự quản lý nhà nước nói chung.
- Phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính. Nếu một chủ thể không đồng ý với quyết định hành chính của một chủ thể quản lý nào đó thì có quyền khiếu nại và chủ thể quản lý có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có một số
tranh chấp hành chính theo quy định của pháp luật được giải quyết bằng cách kết hợp thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng hành chính.