Nội dung quyền sở hữu

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 103 - 105)

II. MỘT SỐ CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN CỦA LUẬT DÂN SỰ

b)Nội dung quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản. Người có đủ cả ba quyền này mới là chủ sở hữu tài sản. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác.

* Quyền chiếm hữu

Là quyền năng của chủ sở hữu tự mình nắm giữ và quản lý tài sản thuộc sở hữu (Điều 182, bộ luật dân sự).

Đó cũng là quyền kiểm soát, làm chủ và chi phối vật đó theo ý muốn mà không bị hạn chế và gián đoạn về thời gian. Có hai loại chiếm hữu là chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

- Chiếm hữu có căn cứ pháp luật (chiếm hữu hợp pháp): là hình thức chiếm hữu tài sản một cách hợp pháp của chủ sở hữu và chiếm hữu trên cơ sở được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu. Ví dụ: thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản…hoặc do pháp luật quy định. Các trường hợp do pháp luật quy định như: chiếm hữu trên cơ sở mệnh lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan công an có quyền thu giữ tang vật trong quá trình điều tra) hoặc do pháp luật quy định có quyền đương nhiên chiếm hữu vật (phát hiện và giữ các tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định).

- Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (chiếm hữu bất hợp pháp): là việc chiếm hữu đối với tài sản mà không dựa trên cơ sở pháp luật. Người chiếm hữu tài sản nhưng không phải là chủ sở hữu hoặc không chiếm hữu theo những căn cứ do bộ luật dân sự quy định.

Về nguyên tắc, pháp luật dân sự chỉ bảo vệ việc chiếm hữu của chủ sở hữu và quyền của người chiếm hữu hợp pháp.

* Quyền sử dụng

Là một quyền năng mà pháp luật quy định cho chủ sở hữu (hoặc người chiếm hữu hợp pháp) được phép sử dụng các tài sản của mình nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hoặc sản xuất kinh doanh.

Trong phạm vi pháp luật cho phép, chủ sở hữu có toàn quyền khai thác công dụng, khai thác lợi ích vật chất từ tài sản theo ý chí của mình. Người không phải là chủ sở hữu chỉ được quyền sử dụng tài sản khi có căn cứ hợp pháp như được nhà nước giao, được chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng thông qua hợp đồng thuê, mượn tài sản…Khi chuyển quyền sử dụng tài sản phải chuyển cả quyền chiếm hữu tài sản.

* Quyền định đoạt

Là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

- Định đoạt về số phận thực tế của vật: tức làm cho vật đó không còn nữa như: tiêu dùng hết, hủy bỏ, vứt đi (từ bỏ quyền sở hữu ) - Định đoạt về số phận pháp lý của vật: là việc chuyển giao các quyền thuộc quyền sở hữu đối với vật. Việc định đoạt về số phận pháp lý của vật thực hiện thông qua các giao dịch như: bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho vay, để thừa kế…

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt cả tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 103 - 105)