Hình thức hợp đồng dân sự

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 111 - 112)

II. MỘT SỐ CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN CỦA LUẬT DÂN SỰ

b)Hình thức hợp đồng dân sự

Hình thức của hợp đồng là phương thức để các chủ thể ghi nhận những nội dung đã thỏa thuận. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói (hợp đồng miệng), bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

- Hợp đồng miệng: thường áp dụng trong những trường hợp các bên có độ tin tưởng lẫn nhau. Ở hình thức này, các bên giao kết trong hợp đồng chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau nội dung cơ bản của hợp đồng hoặc mặc nhiên thực hiện những hành vi nhất định đối với nhau. Hợp đồng miệng có hiệu lực tại thời điểm các bên trực tiếp thỏa thuận với nhau về nội dung của hợp đồng.

- Hợp đồng bằng văn bản: là văn bản mà các bên ghi nhận những nội dung trong giao kết hợp đồng và cùng ký tên xác nhận vào văn bản đó. Căn cứ vào các nội dung ghi trong hợp đồng các bên cùng nhau thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với bên kia. Khi có tranh chấp, hợp đồng văn bản sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết các

tranh chấp. Hợp đồng được lập thành nhiều bản, mỗi bên tham gia hợp đồng giữ một bản như một bằng chứng chứng minh quyền dân sự của mình.

Đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp, đặc biệt đối với những hợp đồng mà đối tượng là tài sản có giá trị lớn hoặc những tài sản mà nhà nước cần quản lý, kiểm soát khi chuyển dịch từ chủ thể này sang chủ thể khác thì các bên phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Hợp đồng bằng văn bản thường có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hợp đồng. Trường hợp hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép. Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên tự thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng hoặc trong trường hợp pháp luật quy định cụ thể.

Một phần của tài liệu giáo trình giáo dục pháp luật (Trang 111 - 112)