Bảng1 Kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua các năm cải cách thủ tục hành chính Hải quan
2.2.5.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hải quan
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, những tiến bộ của công nghệ thông tin và ứng dụng của nó đã tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy mạnh mẽ sự
tăng trưởng kinh tế và hợp tác phát triển giữa các quốc gia, tổ chức. Nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như trong quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan, đặc biệt là trong các hoạt động nghiệp vụ, quản lý và điều hành của các cấp lãnh đạo ngành Hải quan.
Năm 1992, được sự giúp đỡ của Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Tổng cục Hải quan đã xây dựng và tiến hành đề án tin học SYDONIA (Hệ thống tự động hóa Hải quan).
Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị BCH TW ra Chỉ thị 58-CT-TW về việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi được thành lập, Trung tâm Tin học và Thống kê và sau đó là Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan đã chủ động đề xuất giải pháp, chủ trì nhiều đề án, dự án phát triển phần mềm, từng bước xây dựng phát triển mạng máy tính, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị công nghệ thông tin, đảm bảo triển khai, duy trì hoạt động các ứng dụng ổn định, từng bước có hiệu quả.
Để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành một cách thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả, năm 2000, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2001-2005.
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Hải quan Việt Nam còn triển khai: “Dự án xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi về tin học hóa Hải quan” do Cơ quan Phát triển Thương mại Hoa Kỳ và UNISYS tài trợ với kinh phí 200.000USD; Ban thư ký ASEAN hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ dự án cho các nước thành viên của ASEAN về “Nghiên cứu khả thi ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ Hải quan và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin”. Đặc biệt, hiện nay Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị Dự án Hiện đại hóa Hải quan theo nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí khoảng 70 triệu USD, trong đó phần lớn là đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ Hải quan.
Nhìn chung, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đã có tác động tích cực vào quá trình thực hiện những cải cách hành chính của ngành Hải quan, đặc biệt trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Hải quan. Hệ thống các phần mềm hiện nay đã từng bước được ứng dụng vào các loại hình quản lý Hải quan, tạo cơ sở tiến tới tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Việc ứng dụng các phần mềm này đã giảm được đáng kể thời gian làm thủ tục Hải quan và thông quan hàng hóa. Đồng thời, giúp nâng cao tính chính xác của thông tin và dữ liệu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của lãnh đạo ngành và ở quy mô quốc gia.
Mặt khác, ứng dụng tin học vào công tác nghiệp vụ Hải quan góp phần thay đổi tư duy, phong cách làm việc từ môi trường làm việc thủ công sang môi trường làm việc có công nghệ thông tin hỗ trợ. Các bộ phận nghiệp vụ được liên kết chặt chẽ hơn trong quy trình nghiệp vụ và tác nghiệp, do đó tạo sự nhất quán trong việc áp dụng quy trình nghiệp vụ tại các điểm làm thủ tục Hải quan trên toàn quốc.