Giai đoạn Hiến pháp 1992 đến nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước pptx (Trang 71 - 77)

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để được

2.1.1.4. Giai đoạn Hiến pháp 1992 đến nay

Về nội dung: pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính đã bao quát cơ bản về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính cả về nghĩa vụ thực thi nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu và cả về trách nhiệm trước nhà nước khi vi phạm pháp luật với cương vị là người đứng đầu. Một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 1992 đó là:

Những quy định mới của Hiến pháp năm 1992 bảo đảm vị trí độc lập tương đối của Chính phủ và xác định trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ.

Thành tựu quan trọng nhất về mặt thể chế là những quy định mới của Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa, bổ sung đổi năm 2001) về vị trí, vai trò của Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy cải cách Chính phủ theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bước vào thực hiện cơ chế thị trường, yêu cầu về nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trở nên ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Chính phủ. Cơ quan hành pháp phải có đủ quyền lực và có khả năng sử dụng quyền lực một cách linh hoạt, nhanh nhạy để đối phó có hiệu quả với diễn biến của tình hình thực tế. Điều 109 Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”. Quy định rất quan trọng này của Hiến pháp năm 1992, một mặt tuân thủ yêu cầu của nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất và nguyên tắc phân công, phối hợp quyền lực, mối quan hệ giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp, mặt khác, bảo đảm tính độc lập tương đối của quyền hành pháp trong quan hệ với quyền lập pháp, quyền tư pháp, vai trò của hành pháp được nâng cao. Điều đó, tạo cơ sở cho Chính phủ quyền

độc lập và chủ động, linh hoạt, nhanh nhạy trong quản lý, điều hành có hiệu lực, hiệu quả mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc xác định lại vị trí của Chính phủ là kết quả của việc nhận thức đúng đắn về phân công, phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong mối quan hệ quyền lực nhà nước thống nhất phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta. Điều này tạo sự tương đồng với các quan niệm, cũng như quy định về Chính phủ ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ, Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ đã định ra ba nguyên tắc then chốt cho hoạt động của Chính phủ phù hợp với quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Đó là các nguyên tắc: Chính phủ “là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, “những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số”. Thủ tướng Chính phủ “lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, UBND các cấp”. “Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước”. Đây là một trong những thay đổi quan trọng nhất của Hiến pháp năm 1992 là đổi mới cơ chế hoạt động của Chính phủ theo hướng đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật Tổ chức Chính phủ, về nguyên tắc, Chính phủ có hai cơ chế hoạt động khác nhau: cơ chế lãnh đạo của tập thể Chính phủ đối với những vấn đề mang tính chất chính sách và những loại nhiệm vụ quan trọng đã được quy định bởi Hiến pháp và luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà Tập thể Chính phủ quyết định theo đa số; và cơ chế thủ trưởng, bảo đảm vai trò chỉ đạo điều hành chung và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động của hệ thống hành pháp và hành chính nhà nước, để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và các quyết định của Chính phủ. Thủ tướng có toàn quyền quyết định đối với những vấn đề được Hiến pháp và pháp luật quy định thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng không phụ thuộc vào Tập thể Chính phủ. Hai cơ chế này có mối quan hệ tác động qua lại, liên quan chặt chẽ với nhau làm cho hoạt động của Chính phủ trở nên linh

hoạt, mềm dẻo, nhanh nhạy hơn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm trật tự hiến pháp: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Các nguyên tắc nói trên đã tạo cơ sở cho việc phân định và tách bạch giữa chức năng xây dựng, hoạch định chính sách với chức năng tổ chức thực hiện chính sách trong hoạt động quản lý nhà nước của hệ thống hành chính. Theo đó, chức năng của Chính phủ là hoạch định và điều hành các chính sách quốc gia theo định hướng chính trị được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các đạo luật, còn việc tổ chức thực hiện chính sách, thể chế sẽ do các bộ và chính quyền địa phương đảm nhiệm. Bộ trở thành cơ quan điều hành, cơ quan chính thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quyết định những vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền của bộ được tăng cường. Bộ trưởng trở thành người đứng đầu bộ máy hành chính về lĩnh vực mà ngành mình phụ trách. Còn Thủ tướng là người lãnh đạo và điều phối các hoạt động của Chính phủ, là người bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực thi quyền hành pháp và hành chính nhà nước, bảo đảm trật tự, kỷ cương, tính thông suốt trong hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

So sánh với các quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính theo Hiến pháp 1992 với các quy định của Hiến pháp 1980 cho thấy:

Về ưu điểm: Trước hết, các quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ được đặt trong yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta giai đoạn hiện nay. Việc quy định nhiều quyền hạn hơn cho Thủ tướng Chính phủ Chính phủ trong Hiến pháp 1992 (Sửa đổi, bổ sung 2001) so với Hiến pháp 1980 có những ưu điểm sau:

- Thứ nhất, tăng cường quyền lực cho Thủ tướng Chính phủ tức là nâng cao chế độ trách nhiệm cá nhân trong tổ chức hoạt động của Cơ quan Hành pháp. Trước đó, trong Hiến pháp năm 1980, Chính phủ có tên là Hội đồng Bộ trưởng, làm việc theo chế độ trách nhiệm tập thể. Các quy định này phù hợp với điều kiện quản lý đất nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định, khi chuyển đổi sang phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN yêu cầu thích ứng của nền hành chính đòi hỏi các cơ quan hành chính

phải nhanh chóng, nhạy bén, kịp thời và sáng tạo trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời khi quy kết trách nhiệm cũng rất khó khăn. Vì vậy, với việc quy định nhiều quyền hạn hơn cho Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, nâng cao chế độ trách nhiệm cá nhân, đã giải quyết được vấn đề này. Kết hợp hài hòa giữa chế độ trách nhiệm tập thể và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta giai đoạn hiện nay.

- Thứ hai, cùng với việc quy định lại vị trí, tính chất của Chính phủ so với Hội đồng Bộ trưởng trong Hiến pháp 1980, việc quy định nhiều quyền hạn hơn cho Thủ tướng Chính phủ cũng góp phần tăng cường thực quyền cho cơ quan hành chính, Bảo đảm sự phân công phân nhiệm rõ nét hơn giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Những quy định mới của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) trên cơ sở đó đựoc cụ thể hoá trong Luật Tổ chức Chính phủ, các Nghị định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đã tiếp tục khẳng định và quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong hoạt động quản lý điều hành lĩnh vực Bộ quản lý.

Luật Tổ chức HĐND và UBND tiếp tục được sửa đổi, bổ sung thể hiện rõ yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo hướng phân công, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta thời kỳ đổi mới.

Luật Tổ chức HĐND và UBND 1994 quy định:

“Chủ tịch UBND là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tại Điều 52 của Luật này, cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan Nhà nước cấp trên.

Chủ tịch UBND phân công công tác cho Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND; người được phân công phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND.

Mỗi thành viên của UBND chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước HĐND, UBND cùng cấp và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập

thể về hoạt động của UBND trước HĐND cấp mình và trước cơ quan Nhà nước cấp trên.

Chủ tịch UBND có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Lãnh đạo công tác của UBND, các thành viên của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND:

a) Đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và UBND cấp dưới trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND cùng cấp;

b) Quyết định về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của của UBND cấp mình, trừ các vấn đề quy định tại Điều 49 của Luật này;

c) áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc; quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả; ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong cơ quan, cán bộ, viên chức Nhà nước và trong bộ máy chính quyền địa phương;

d) Tổ chức việc tiếp dân; xét và giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo quy định của pháp luật;

2- Triệu tập và chủ toạ các phiên họp của UBND.

3- Phê chuẩn kết quả bầu các thành viên của UBND cấp dưới trực tiếp; điều động, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của UBND cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức Nhà nước theo sự phân cấp quản lý.

4- Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và những văn bản sai trái của UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới.

5- Đình chỉ việc thi hành nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới trực tiếp và đề nghị HĐND cấp mình bãi bỏ.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương và bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp mình, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước UBND và cơ quan chuyên môn cấp trên và khi cần thiết thì báo cáo công tác trước HĐND”.

Các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 tiếp tục xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp. Trong đó việc quy định: “Chủ tịch UBND ở mỗi đơn vị hành chính không giữ chức vụ đó quá hai nhiệm kỳ liên tục”. “Uỷ ban nhân dân cấp dưới chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp trên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của Chính phủ”. (Điều 7)

Cùng với Hiến pháp và các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, trong giai đoạn này, thể thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là NĐĐCCQHCNN, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn; sự phân công, phân nhiệm, uỷ quyền cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành và về những vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của mình. Cụ thể như: Luật cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực 01-01-2009; Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 (từ Điều 54 đến Điều 58 quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có hiệu lực từ ngày 01/6/2006; Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối

với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; Thông tư số 08/2007/TT-BNV ngày 01/10/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.v.v...

Nhận xét chung:

Những văn bản qui phạm pháp luật trên đây với những qui định trực tiếp điều chỉnh các quan hệ phát sinh đối với người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cho thấy: không chỉ tăng về số lượng và văn bản; mà còn khẳng định rõ việc đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên nhiều phương diện khác nhau. (mục 2.12). Những điều đó, bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước về trách nhiệm theo nghĩa vụ thực thi công vụ và trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu khi vi phạm pháp luật trên cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Các quy định pháp luật trên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong điều kiện đổi mới ở nước ta giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước pptx (Trang 71 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)