- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để được
1.3.2.3. Đảm bảo về pháp lý
Pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước chỉ được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật thống nhất, đầy đủ, toàn diện. Cụ thể, các đảm bảo về mặt pháp lý phải thể hiện trên các phương diện và nội dung như sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật đồng bộ trong đó quy định cụ thể về các nguyên tắc và cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Nhà nước pháp quyền XHCN muốn tồn tại và
phát triển đòi hỏi phải dựa trên cơ sở của một hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ. Trong đó, bên cạnh việc quy định các quyền cơ bản của công dân thì việc xác định các hệ thống quyền và nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là một việc làm hết sức cần thiết. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cần phải được ghi nhận cụ thể và bảo đảm thực hiện. Quyền hạn của người đứng đầu luôn gắn liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm. Trong hệ thống các quyền hạn, trách nhiệm đó, nếu quyền hạn và trách nhiệm càng được xác định rõ ràng càng thể hiện tính công khai, minh bạch, tính dân chủ của của Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước nếu được luật hóa cụ thể sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn cho cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan Nhà nước thực hiện các thẩm quyền hành chính của mình, đồng thời, thiết lập chế độ trách nhiệm để tránh các hiện tượng lộng quyền, lạm quyền đang xảy ra ở các cơ quan hành chính nhà nước. Trên cơ sở các đạo luật đó, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức và cá nhân có thẩm quyền được xác định cụ thể. Từ đó, nhân dân, cán bộ cấp dưới có cơ sở để yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm đã được quy định trong luật.
Bên cạnh việc ghi nhận trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cần xác định rõ ràng phạm vi trách nhiệm và cách thức, thủ tục thực hiện các trách nhiệm đó. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng đòi hỏi Nhà nước pháp quyền XHCN phải định ra được hoạt động nào cần phải công khai, hoạt động nào cần phải bí mật. Việc đánh giá mức độ đảm bảo pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước sẽ phụ thuộc vào tính chính xác, rõ ràng của các quy định pháp luật, thời gian, địa điểm thực hiện chế độ công vụ và các quy trình thủ tục thực hiện rõ ràng chế độ trách nhiệm đó. Nếu danh mục các trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không tương ứng với các trình tự, thủ tục và không được điều chỉnh bằng pháp luật, hoặc điều chỉnh một cách không rõ ràng thì sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này đi ngược với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN đó là Nhà nước hạn chế sự tùy tiện. Bên cạnh đó, pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước sẽ hạn chế việc lấy lý do của đặc thù công việc thuộc lĩnh vực hành chính để người đứng
đầu cơ quan hành chính nhà nước tự cho mình có quyền tối thượng trong cơ quan để áp đặt mệnh lệnh cho các đối tượng dưới quyền của mình. Điều này đòi hỏi pháp luật phải là một đại lượng công bằng nhất, phân định quyền hạn của cán bộ, công chức dưới quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ hai, pháp luật phải tạo cơ sở xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cách công khai, minh bạch gắn với hoạt động của cơ quan Nhà nước đó. Vai trò của pháp luật với tư cách là một đảm bảo pháp lý đòi hỏi phải tạo ra được một hệ cơ sở xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong đó đưa ra các tiêu chí như đảm bảo hoàn thành các chức năng và nhiệm vụ của cơ quan, lợi ích của cơ quan và mức độ công khai các tiêu chí đó. Cũng cần phải thấy rằng, tiêu chí xác định sự hoàn thành công việc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước luôn luôn tỷ lệ thuận với khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan. Tuy nhiên, không phải thủ trưởng cơ quan hành chính nào cũng giống nhau, do đó, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ trở nên bị động nếu pháp luật không xác định được trách nhiệm của từng loại cơ quan hành chính. Theo đó, tương ứng với từng chế độ công vụ có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với những tiêu chí riêng, vừa đảm bảo được tính đặc thù của cơ quan nhà nước đó, vừa phản ánh được tính phổ biến của trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan Nhà nước cơ bản là giống nhau.
Thứ ba, pháp luật phải tạo ra trình tự, thủ tục để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiệm vụ một cách dễ dàng, không bị mất thời gian cũng như các điều kiện về vật chất khác. Các quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước về trình tự, thủ tục là một trong những đảm bảo có hiệu quả nhất trong hệ thống các đảm bảo pháp lý. Bởi lẽ, nếu chỉ là những ghi nhận về quyền và nghĩa vụ mà không có các phương thức và cách thức thực hiện theo các giai đoạn cụ thể, rõ ràng thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước mới chỉ dừng lại trên giấy mà không thể đi được vào cuộc sống. Do đó, trình tự, thủ tục thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước phải được pháp luật hóa. Chỉ bằng pháp luật, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ dưới quyền mới có sự sự cam kết không tùy tiện trong việc thực hiện các quyền của
mình trong quản lý hành chính Nhà nước và phải tuân thủ đúng cách thức thực hiện quyền và trách nhiệm trong thực tiễn đời sống hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, pháp luật phải tạo ra các thiết chế giám sát đa dạng, làm cơ sở đảm bảo cho pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước được triển khai trong thực tiễn. Để đảm bảo pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước được triển khai trong thực tiễn, đòi hỏi pháp luật phải xác định trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát là người đứng đầu cơ quan Nhà nước và chính hoạt động của cơ quan đó. Việc thiết lập các quy định về giám sát đối với hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước phụ thuộc vào hoạt động lập pháp của Quốc hội. Chỉ khi nào cơ quan lập pháp thấy được vai trò của của các thiết chế giám sát và cụ thể hóa vai trò đó thành các quy phạm pháp luật thì khi đó, pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước mới thực sự là cơ sở pháp lý cho sự đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình giám sát mà pháp luật đã quy định vào thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước cách nghiêm minh, chính xác và tự giác của các chủ thể có chức năng giám sát sẽ tạo nên sức sống của các quy định pháp luật về hoạt động giám sát việc thực hiện và đảm bảo pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước.
Thứ năm, pháp luật cần cụ thể hóa các biện pháp chế tài đối với cơ quan Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Chế tài là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước có hành vi vi phạm các quy định pháp luật. Hệ thống các chế tài được xác định dựa trên các dấu hiệu cụ thể và phải được pháp luật quy định một cách rõ ràng, dễ áp dụng thì mục đích điều chỉnh của pháp luật mới có hiệu quả trên thực tiễn. Trong lĩnh vực này, chế tài đối với cơ quan Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước là những hậu quả bất lợi cho những chủ thể này khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Nó bao gồm tổng thể các biện pháp như bắt buộc thực hiện đúng các
nghĩa vụ phải thực hiện nhưng đã không thực hiện. Cụ thể hơn nữa, các biện pháp chế tài đối với các cơ quan Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước còn là TNKL nếu không làm đúng chức trách và TNVC để bồi thường các tổn thất cho các cá nhân và tổ chức khác. Các biện pháp chế tài này thông thường được xác định trong Luật bồi thường Nhà nước. Ngoài ra, trong pháp luật hình sự, các chế tài hình sự cũng sẽ là biện pháp cứng rắn nhất, thể hiện thái độ của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực cung cấp thông tin. Như vậy, các biện pháp chế tài nếu được quy định bằng một hệ thống pháp luật đồng bộ và thống nhất sẽ tạo ra những bảo đảm pháp lý chắc chắn nhất cho việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước khi chế độ trách nhiệm đã được xác định một cách công khai, minh bạch.
Thứ sáu, pháp luật cần tạo ra hệ thống đảm bảo cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện ra tòa khi người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước vi phạm pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Đồng thời xác định sự vào cuộc của các cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Giải quyết các khiếu nại và xét xử đối với các khiếu kiện của cá nhân là trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức, thẩm phán có thẩm quyền. Việc giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật về nội dung và thời hạn cũng như tuân thủ về thủ tục pháp lý thể hiện được tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước chỉ được khẳng định là được đảm bảo khi các xung đột về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với cấp dưới, với công dân bằng các con đường giải quyết chính thống. Thông qua giải quyết các khiếu nại và xét xử khiếu kiện, Nhà nước nắm được nhu cầu và bức xúc của công dân đối với chính sách pháp luật, đối với hành vi công vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước để trên cơ sở đó, có các biện pháp sửa đổi pháp luật, chấn chỉnh hoạt động công vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có hành vi vi phạm nhằm thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đó với các chủ thể khác.