Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc những ngành đòi hỏi không nhiều vốn nhưng sử dụng nhiều lao động với trình độ công nghệ vừa phải và sử dụng nguyên liệu tại chỗ được coi là nhân tố chủ yếu để tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Đặc biệt hiện nay ở Hà Tĩnh đang triển khai các dự án lớn: Khu kinh tế Vũng áng, mỏ sắt Thạch Khê, khu Liên hiệp luyện thép... với một hệ thống chính sách ưu đãi đã tạo
ra nền tảng và cơ hội phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, giữ vai trò vệ tinh cung cấp nguyên, vật liệu, lao động, dịch vụ, thương mại cho các trung tâm kinh tế. Trong giai đoạn từ 2005 - 2010, Hà Tĩnh tập trung ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về cả số lượng và chất lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống khơi dậy tính sáng tạo và phát huy truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển một số công ty đủ mạnh trên một số lĩnh vực như: công nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông thủy lợi, thủy sản để vừa làm đối tượng liên kết, liên doanh trong và ngoài nước, tạo cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cần tập trung phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Tĩnh theo những hướng sau: - Rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với thực tế và xu thế phát triển. Công bố quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư có thông tin đầy đủ và chính xác nhất.
- Xây dựng, thành lập và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các quỹ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho các doanh gnhiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi, tổ chức tín dụng quốc tế, các tổ chức thuê mua tài chính; hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng lập được những dự án khả thi để thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cùng góp vốn để hình thành các quỹ trợ giúp nhau.
- Bồi dưỡng kiến thức, năng lực tổ chức quản lý và phát triển doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý và những người có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Chấn chỉnh bộ máy cơ quan đăng ký kinh doanh từ huyện, thị; xây dựng phương án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực để thống nhất đăng ký kinh doanh tất cả các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
- Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, phổ biến thông tin kỹ thuật, công nghệ tới các doanh nghiệp và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc xác định, lựa chọn và thích ứng với công nghệ.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết ngành ở mọi cấp và hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong hội nhập và cạnh tranh.
- Thực hiện trợ giúp có trọng điểm về tăng cường khả năng cạnh tranh của một số ngành hàng mà tỉnh có lợi thế so với địa phương khác. Đặc biệt ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, hải sản, hàng xuất khẩu, các ngành nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.