Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ có diện tích tự nhiên là 1.535
km2 Với dân số 1,85 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm đến 59% dân số
(1 014 841 người) và tập trung chủ yếu ở nông thôn. Thái bình vốn là một tỉnh đất chật người đông. Từ trước đến nay người dân phải tìm mọi cách, đi mọi nơi để tìm kiếm việc làm. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn chiếm hơn 90% lực lượng lao động toàn tỉnh và hàng năm lại tiếp tục gia tăng làm cho sức ép về việc làm ngày càng lớn đối với khu vực này. Do vậy, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn luôn là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh [33].
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, tỉnh Thái bình đã có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Từ năm 2001 đến 2004, trung bình mỗi năm có khoảng 22 300 lao động được giải quyết việc làm. Trong thời gian này toàn tỉnh đã xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại chỗ cho 89 105 người và nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 79,18%. Để đạt được kết quả đó Thái bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, có thể đúc rút thành những bài học như sau:
- Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho nông dân:
Thái Bình có trên 90% lao động với số lượng 948 709 người sống ở nông thôn. Bình quân mỗi năm tỉnh có 22 000 học sinh bậc phổ thông ra trường trong số đó có khoảng 35% học tiếp lên các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, số còn lại rất cần học nghề để tự lập. Vì vậy, Thái bình đã tăng cường công tác đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho người lao động ở nông thôn. Hiện nay toàn tỉnh đã có 4 trường chuyên nghiệp đào tạo nghề và 19 trung tâm dịch vụ việc làm của các cơ quan đoàn thể và các trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp của các huyện, thành phố được đầu tư xây dựng với số vốn 23,2 tỉ đồng và có tổng qui mô đào tạo khoảng 700 học sinh.
Mục tiêu của công tác dạy nghề cho nông dân ở Thái bình là tạo ra đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng tạo việc làm, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật, có tay nghề để tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy kinh tế nông thôn và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh.
Năm 2001, tỉ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn của tỉnh mới đạt 4% nhưng đến năm 2004 đã tăng lên 16% [33].
Chương trình mục tiêu dạy nghề cho nông dân của tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội.
Hiện nay trong điều kiện hội nhập nhận thức rõ ràng khả năng cạnh tranh của khu vực trước hết là dựa vào chất lượng nguồn nhân lực, dựa vào tri thức khoa học công nghệ, nên tỉnh Thái bình xác định đẩy mạnh hơn nữa việc dạy nghề cho nông dân để cải thiện mạnh mẽ chất lượng cũng như nâng cao sức cạnh tranh về nguồn lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn. Toàn tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và hội nhập kinh tế.
- Đẩy mạnh chương trình phát triển nghề và làm nghề trong khắp các địa phương của tỉnh để tạo mở việc làm. Đến năm 2005 toàn tỉnh không còn xã trắng nghề. Những làng nghề như thêu ren xuất khẩu ở xã Minh Lãm, Vũ Thư; nghề chạm bạc nổi tiếng ở Đồng Xâm, nghề dệt chiếu cói ở Thái Thụy, Tiền Hải hay nghề mây tre đan ở hầu hết các huyện, thành phố... vừa phù hợp với điều kiện tay nghề của người lao động ở nông thôn, giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn và mang lại thu nhập cho người lao động. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 173 làng nghề, thu hút khoảng 25 vạn lao động, trong đó có việc làm thường xuyên là 15 vạn người.
Những năm qua Thái bình đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập và lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích đất sử dụng nông nghiệp. Thái bình là một trong những tỉnh đầu tiên đưa ra mô hình cánh đồng 50 triệu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm phong phú sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động và từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.
- Sử dụng có hiệu quả quĩ quốc gia hỗ trợ việc làm: Từ năm 2001 đến 2004 quĩ quốc gia hỗ trợ việc làm ở Thái bình đã cho vay trên 3 000 lượt dự án với doanh số hơn
95 tỉ đồng giải quyết việc làm cho 3,2 vạn lao động. Trong đó số người lao động có việc làm mới là 1,4 vạn người.
- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Thực hiện luật đầu tư nước ngoài vào Việt nam năm 2005 tỉnh đã có 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút 4 000 lao động. Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong tỉnh cũng được khuyến khích phát triển theo luật doanh nghiệp hiện tại toàn tỉnh có khoảng 1 025 doanh nghiệp, thu hút gần 36 000 lao động. Đây là một trong những hướng chính được tỉnh xác định nhằm kết hợp tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm cho người lao động nói chung và lao động ở khu vực nông thôn nói riêng [33, tr.8].