Nông nghiệp, nông thôn là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Toàn tỉnh hiện có gần 90% dân số sống ở nông thôn. Tỉ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm hơn 80% lực lượng lao động toàn tỉnh. Năm 2004 tổng sản phẩm ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.234 tỉ đồng, chiếm 43,9% GDP toàn tỉnh. Trong những năm qua kinh tế nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh có bước tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được chú trọng xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, xét trên bình diện cả nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ còn chậm. Sản xuất chủ yếu là tự cấp tự túc, kinh tế trang trại chậm được hình thành, kinh tế tư nhân chậm được phát triển, kinh tế hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác thấp, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (21/25 triệu đồng /ha/năm). Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho hàng hoá sản xuất ra còn khó khăn, các dịch vụ thương mại chưa phát triển... Tất cả những vấn đề trên đã hạn chế sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh. Người lao động sản xuất trong ngành nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn, lao động vất vả nhưng thu nhập thấp, khiến nhiều người phải rời quê hương đi tìm việc làm nơi khác.
Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, tạo nhiều việc làm, huy động hết tiềm năng nguồn lao động, kinh tế nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh phải được chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Hà Tĩnh phải đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội trong tỉnh nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, nguồn vốn, tăng giá trị và giá trị lợi nhuận trên diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình nông dân.
Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Hà Tĩnh phải gắn với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, sản xuất các loại sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả kinh tế cao, coi trọng hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái và phát huy vai trò tích cực của các thành phần kinh tế, kết hợp hài hoà lợi ích giữa nông dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2010, cơ cấu giá trị sản phẩm ngành trồng trọt giảm từ 63,02% năm 2004 xuống còn 56%; ngành chăn nuôi từ 33,25% tăng lên 40% và ngành dịch vụ từ 3,7% lên 4,0%.
Muốn đạt được mục tiêu đó, tỉnh Hà Tĩnh phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt coi trọng công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Chọn lọc đưa nhanh các loại cây giống, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nhân giống cây trồng vật nuôi bằng công nghệ sinh học; Kết hợp việc lưu giữ quĩ gen con giống, cây trồng quí hiếm với việc lai tạo giống mới. ở Hà Tĩnh hiện nay có hai giống cây quí hiếm đó là: cam bù Hương Sơn và bưởi Phúc Trạch, cần lưu giữ gen hai giống cây này, phát triển sản xuất và tạo thương hiệu cho những đặc sản đó. Đồng thời tỉnh phải tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với các cơ sở sản xuất cung ứng giống trên địa bàn; chọn khâu giống là khâu đột phá để ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cần thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đến từng hộ gia đình, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đến từng cơ sở.
Cung cấp đầy đủ thông tin về khoa học công nghệ cho người sản xuất, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân lựa chon công nghệ phù hợp với các điều kiện sản xuất của địa phương với giá cả hợp lý, tránh mua phải công nghệ lạc hậu.
Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động tích cực ứng dụng công nghệ mới. Nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường, khoa học công nghệ có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, là sự sống còn của sản phẩm, của người lao động và doanh nghiệp.
Hai là, làm tốt công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với yêu cầu hoạt động của công nghệ. Không có kết cấu hạ tầng thích hợp với công nghệ thì không thể duy trì hoạt động hay hoạt động không có hiệu quả.
Hiện nay, Hà Tĩnh cần tập trung thu hút đầu tư thực hiện các dự án như nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, nâng cấp theo hướng hiện đại hoá các công trình thuỷ lợi đã có và xây dựng các công trình mới như: Xuân Hoa, Sông Nghèn, Ngàn Trươi, Cẩm Trang, nâng cấp các trạm giống, nâng cấp trường trung học kỹ thuật nông nghiệp, đồng thời xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.
Ba là, rà soát quĩ đất cho phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời lập dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Diện tích 1 vụ lúa trên chân đất trũng gần 1500ha, tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Chuyển đất 2 vụ lúa có chủ động tưới tiêu sang đất 3 vụ: lúa đông xuân, lúa hè thu và màu, ngô đông. Loại đất này có khoảng 15 đến 20 ngàn ha, chủ yếu ở các huyện đồng bằng: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Đồng thời, chuyển đất 1 vụ lúa ở chân cao hay bị khô hạn và một phần đất trồng khoai sang trồng lạc, trồng vừng. Loại đất này khoảng 5 đến 6 ngàn ha. Qui hoạch đất trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò, trâu... trồng cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng ở những xã vùng núi, mở rộng vốn rừng, trồng cây phân tán, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Dự kiến đến năm 2010 ngành trồng trọt sẽ giải quyết việc làm cho 288.672 người lao động ở nông thôn.
Bốn là, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại sản xuất hàng hoá tập trung, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung nuôi lợn siêu nạc, nuôi trồng thuỷ sản và đặc biệt là chăn nuôi bò theo hướng công nghiệp lấy thịt, lấy sữa, liên kết cung cấp sữa bò cho nhà máy chế biến sữa bò ở Nghệ An sắp đi vào hoạt động.
Năm là, phát triển công nghiệp nhỏ, công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông nghiệp, nông thôn: Nâng cấp nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, ép dứa, xây dựng nhà máy ép dầu thực vật, hàng năm tiêu thụ hơn 7.000 tấn nguyên liệu (lạc, vừng, đậu tương) thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu và tận dụng phế liệu để chế biến thức ăn gia súc và nước chấm.
Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Từ nay đến 2010, Hà Tĩnh phấn đấu xây dựng 44 làng nghề đạt tiêu chí qui định, tăng giá trị sản lượng hàng hoá ngành nghề nông thôn ước tính là 1.350 tỉ đồng và tạo việc làm cho 75.000 lao động (trong đó có 42.500 lao động chuyên).
Sáu là, tăng cường xúc tiến hoạt động thương mại, dịch vụ trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ phục vụ sản xuất như: Cung ứng vật tư kỹ thuật, vận tải, sơ chế hải sản, đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường cho sản xuất nông nghiệp, từng bước làm tốt công tác dự tính, dự báo thị trường. Phấn đấu đến năm 2010, tỉ trọng dịch vụ trong nông nghiệp đạt 4,0%.
Những giải pháp chủ yếu trên sẽ tác động thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh tạo điều kiện có thêm nhiều việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp.