Phát triển kinh tế hộ gia đình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Việc làm cho người lao động ở nông thôn Hà Tĩnh docx (Trang 87 - 88)

Kinh tế hộ gia đình không phải là một thành phần kinh tế nhưng nó là một loại hình để phân biệt với các hình thức tổ chức kinh tế khác. Trong kinh tế thị trường, kinh tế hộ phát triển hết sức linh hoạt, thích ứng nhanh, góp phần phát triển sản xuất, tạo mở nhiều việc làm phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ của người lao động. Phát triển kinh tế hộ gia đình sẽ tận dụng được các nguồn lực về đất đai, lao động dư thừa, huy động nguồn vốn nhà rỗi trong dân cư, kinh nghiệm quản lý và ngành nghề nông thôn.

Trong những năm tới, khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển ở Hà Tĩnh cần tập trung vào những hướng sau:

- Tập trung khai thác những vùng đất mới ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, thượng Đức Thọ, thượng Can Lộc, thượng Thạch Hà, Kỳ Anh, hướng mạnh ra khơi và nuôi trồng thủy sản... Đẩy mạnh hình thức thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp nhằm tạo lập các hộ sản xuất trẻ trong tương lai.

- Khuyến khích các hộ gia đình khai hoang phục hóa bằng các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ con giống, cây trồng và kỹ thuật để các hộ nhanh chóng phát triển sản xuất nhất là các hộ kinh tế mới.

- Tạo nguồn vốn, cho vay vốn để các hộ có điều kiện phát triển sản xuất. Trong đó, cần phân loại các loại hình hộ theo trình độ phát triển để có chủ trương, định hướng phát triển phù hợp. Đảm bảo đủ nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ khó khăn vay để phát triển sản xuất. Phấn đấu tăng tổng nguồn vốn cho hộ nghèo bình quân mỗi năm là 50.000 triệu đồng. Cùng với việc cho vay vốn phải hướng dẫn bà con cách làm ăn kinh doanh, chi tiêu tiết kiệm để không tái nghèo.

- Tăng cường công tác đào tạo nghề, phổ cập kỹ thuật cấp tốc để các hộ tiến hành sản xuất có hiệu quả. Cần mở rộng tuyên truyền những mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn có hiệu quả, thu nhập cao phù hợp với điều kiện cảu từng vùng để nhân rộng mô hình. Ví dụ: mô hình: cá - lúa - vịt, lúa - lợn - vịt... ở đồng bằng; mô hình: cam - bò - gió trầm, cam- vải - gia cầm ở miền núi hay mô hình khai thác vật liệu xây dựng... đạt hiệu quả kinh tế cao để các hộ học tập, vận dụng vào sản xuất.

- Tăng cường công tác dịch vụ sản xuất như: cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy y, chuyển giao khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho hộ gia đình.

- Tạo hành lang pháp lý cho kinh tế hộ gia đình phát triển.

Những giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình ở Hà Tĩnh phát triển, thu hút được mọi loại đối tượng lao động trong gia đình: phụ nữ, trẻ em, lao động lớn tuổi lao động có trình độ văn hóa và chuyên môn thấp, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động ở nông thôn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Việc làm cho người lao động ở nông thôn Hà Tĩnh docx (Trang 87 - 88)