Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên là 16 487,29km22 dân số là 3.003.000 người. Trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.477.687 người, đa số là lao động ở khu vực nông thôn với 1.335.743 người chiếm hơn 90% lực lượng lao động của tỉnh [40, tr.2].
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và việc làm cho người lao động ở nông thôn nói riêng là một trong những nội dung quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và địa phương.
Để thực hiện mục tiêu đó Sở Lao động thương binh và xã hội đã tham mưu tập trung xây dựng các chương trình, đề án, chính sách và giải quyết việc làm, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và phối hợp chỉ đạo đạt kết quả tốt. Từ năm 2001 - 2005, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế lồng ghép các chương trình dự án đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, trang trại, các tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế. Nghệ An đã tạo thêm việc làm cho trên 130.000 lao động (trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 2,6 đến 2,7 vạn người, trong đó tạo việc làm mới tập trung cho trên 30.000 lao động) và nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn
từ 73,93% năm 2001 lên 77,71% năm 2004. Để đạt kết quả đó, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ các chủ trương và biện pháp như sau:
- Công tác giải quyết việc làm đã được toàn tỉnh xác định là một trong những nội dung chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được các cấp các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
- Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể và các tầng lớp nhân nhân về lĩnh vực lao động việc làm, dạy nghề và xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến sâu sắc phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng phần nào yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH quê hương toàn tỉnh đã quán triệt và thực hiện tốt hơn chủ trương phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết việc làm, dạy nghề và xóa đói giảm nghèo trước yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn các phong trào, xây dựng phát triển các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm; Có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Nghệ An; Đồng thời xúc tiến đẩy nhanh tiến độ dạy nghề và xuất khẩu lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác giải quyết việc làm.
- Cụ thể, trong những năm qua Nghệ An đã thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động nhất là cho người lao động ở nông thôn trong các lĩnh vực sau:
+ Trong nông nghiệp tỉnh đã tiến hành chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư thâm canh, phát triển các vùng chuyên canh nguyên vật liệu cho công nghiệp chế biến như: dứa, sắn, mía, chè công nghiệp cây ăn quả... Phát triển các hình thức kinh tế trang trại, tổng đội thanh niên xung phong kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình để thu hút lao động, tạo nhiều việc làm. Bên cạnh đó tỉnh đã đầu tư phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, dịch vụ, du lịch phát triển vùng kinh tế ven biển giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ở khu vực này.
+ Khuyến khích, thu hút đầu tư tạo điều kiện thuận lợi về vốn, địa điểm, thủ tục đăng ký để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển có chính sách khuyến khích,
ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn, có chất lượng cao đầu tư vào Nghệ An. Hiện nay tỉnh đã thu hút đầu tư và phát triển trên 1.800 doanh nghiệp, tạo việc làm cho gần 15.000 lao động.
+ Trợ giúp về nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm để mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn. Hiện nay cả tỉnh có trên 100 làng nghề và 12 đơn vị được UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 4.000 lao động. Cơ cấu lao động của tỉnh đã được chuyển dịch theo hướng giảm lao động ở khu vực nông thôn, tăng lao động làm việc trong công nghiệp và dịch vụ. Năm 2001 tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực nông lâm ngư nghiệp là 77% đến năm 2005 đã giảm xuống còn 67,45%; Lao động trong công nghiệp và xây dựng cơ bản từ 9% năm 2001 tăng lên 12,5% năm 2005 và lao động trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng từ 14% năm 2001 lên 16,,8% năm 2005.
+ Tạo việc làm qua quĩ quốc gia hỗ trợ việc làm: Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2001 đến 2005, mỗi năm tỉnh đã triển khai trên 100 dự án cho vay giải quyết việc làm với số tiền trên 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 30.000 lao động [40, tr.3].
+ Công tác xuất khẩu lao động được chỉ đạo triển khai có hiệu quả. Bên cạnh việc áp dụng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo ngoại ngữ, giáo dục, định hướng cho vay vốn tín dụng, thực các chính sách khuyến khích, thu hút các đơn vị xuất khẩu lao động, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành thị, xây dựng được nhiều mô hình liên kết xuất khẩu lao động có hiệu quả giữa chính quyền xã phường, thị trấn với các doanh nghiệp và đơn vị cung ứng xuất khẩu lao động. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2004 trên địa bàn tỉnh đã có 38 đơn vị xuất khẩu lao động, gần 20.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thành quả do xuất khẩu lao động mang cho các gia đình lao động ở nông thôn ở Nghệ An nói riêng và cho toàn tỉnh nói chung là vô cùng to lớn, góp phần giải quyết việc làm và đưa lại nguồn thu nhập từ ngoại tệ cho tỉnh.
+ Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn, miền núi. Hiện nay tỉnh đã có 13 trường, 24 trung tâm dạy nghề công lập và 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập với cơ cấu ngành nghề đa dạng phong phú phù hợp với
yêu cầu của cơ chế thị trường. Tỉnh đã có chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề tư nhân, ngoài công lập, các doanh nghiệp và các làng nghề, đa dạng hóa phương thức đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất trong từng khu vực kinh tế. Bên cạnh việc tuyển sinh đào tạo tập trung dài hạn, ngắn hạn, truyền nghề tại các làng nghề, hoạt động liên kết đào tạo nghề tại các cơ sở sản xuất, các vùng dân tộc cũng được quan tâm mở rộng. Nhờ vậy, qui mô đào tạo tăng nhanh, năm 2001 là 14.352 người đến năm 2005 đã tăng lên 29.520 người, nâng tổng số lao động được đào tạo nghề từ 2001 đến 2005 ở Nghệ An lên 105.520 người. Chất lượng dạy nghề của tỉnh đã phần nào đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và thị trường lao động. Hơn 80% học sinh sau học nghề đều có việc làm và tự tạo được việc làm ổn định [40].
Từ thực tiễn giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn của hai tỉnh Thái Bình và Nghệ An, rút ra một số bài học có thể vận dụng vào giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động ở nông thôn Hà Tĩnh và các tỉnh khác có điều kiện tương đồng:
Một là, cần phải tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân ở nông thôn.
Hai là, đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân nông thôn.
Ba là, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động một cách bài bản, hiệu quả.
Bốn là, sử dụng và quản lý tốt Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Chương 2
Thực trạng giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn Hà Tĩnh