Chương 3: ĐỀ XUẤT HƯỚNG VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP TRONG D ẠY HỌC NGỮ VĂN
3.1.2.3. Tích hợp kiến thức chính khóa với hoạt động ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa văn học theo quan niệm đổi mới phương pháp dạy học là một hình thức tự học tích cực, bổ ích và có hiệu quả, nối liền bục giảng với thực tiễn đời sống, mở rộng, kéo dài trường suy tưởng thẩm định về bài học cho HS. Phát huy tính chủ động tích cực sáng tạo của người học, kiểm tra lại chất lượng dạy học trong giờ chính khóa. Việc tích hợp kiến thức chính khóa với hoạt động ngoại khóa là cầu nối để kiến thức văn học đi vào đời sống của HS, đi vào các loại hình nghệ thuật khác và từ đó HS có thêm rất nhiều tri thức.
Hệ thống truyện ngụ ngôn trong SGK Ngữ văn 6 đa dạng phong phú GV có thể tổ chức ngoại khóa về truyện ngụ ngôn vì đây là loại truyện truyền giáo kinh nghiệm sống đúng, sống khôn ngoan cho người đời. Những truyện ngụ ngôn còn phê phán, giễu cợt cái lố bịch cái bất thường. Truyện ngụ ngôn khuyên nhủ con người phải biết mở rộng tầm hiểu biết của mình, đồng thời chế giễu thói sống chủ quan kiêu ngạo, huênh hoang của con ếch (trong
Ếch ngồi đáy giếng). Cũng như con người khi cần xem xét sự việc gì phải biết xem xét một cách toàn diện, đi liền với thái độ giễu cợt sự nói mò, nói dựa của các thầy bói (trong Thầy bói xem voi)…Hoặc là rút ra bài học về tính khả thi trong mọi dự định và kế hoạch, phải cân nhắc điều kiện và khả năng thực thi trước khi làm mọi việc đừng giống mấy chú chuột (trong
Đeo nhạc cho mèo). Vì vậy , khi dạy các truyện ngụ ngôn như thế GV cần khơi gợi định hướng để HS có thể chuyển thể các truyện như: Thầy bói xem voi, Đeo nhạc cho mèo…thành những màn kịch (mỗi lớp tập một đội tham gia thi diễn xuất trong các giờ ngoại khóa hoặc các hoạt động văn nghệ của trường).
Hoặc là một hoạt động ngoại khóa khác là giao việc cho các nhóm sưu tầm, thống kê tư liệu văn học, như các ngụ ngôn khác (trong và ngoài nước), những câu thành ngữ, tục ngữ gần gũi với các chủ đề ngụ ngôn mà các em vừa học để mở rộng vốn hiểu biết. Ngoại khóa này sẽ được thực hiện trong tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các đội chia nhau kể chuyện ngụ ngôn và sau đó đội khác sẽ phải rút ra câu châm ngôn, tục ngữ nói về câu chuyện ngụ ngôn đó. Đặc biệt cần liên hệ với các sự việc trong đời sống để nhận ra các hiện tượng tương tự với bài học ngụ ngôn, đó là cách gắn việc học ngụ ngôn với đời sống văn học và đời sống thực tế.
Tích hợp kiến thức chính khóa với hoạt động ngoại khóa ở đây chúng tôi thấy còn thực hiện được đối với bộ phận chương trình địa phương trong SGK Ngữ văn THCS nói chung, Ngữ văn 6 nói riêng. Đây là bộ phân phong phú mang lại kiến thức thiết thực cho từng HS ở từng địa phương. Gắn kết các kiến thức chương trình địa phương này với các hoạt động ngoại khóa cụ thể như:
Đối với Tiếng Việt, là sửa lỗi chính tả mang tính địa phương (lớp 6,7), bước đầu so sánh các từ ngữ địa phương (phương ngữ) với các từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân (lớp 8, 9).
Đối với Tập làm văn, là kể lại một câu chuyện dân gian hay giới thiệu một trò chơi dân gian địa phương, viết được một văn bản nhật dụng về một sự việc hiện tượng ở địa phương hoặc viết bản thuyết minh về một di tích, thắng cảnh ở địa phương…
Phần văn học địa phương, có thể sử dụng cho hoạt động ngoại khoá, tham quan quê nhà văn hoặc gặp gỡ các văn nghệ sĩ ở địa phương, gặp gỡ Hội văn học nghệ thuật…