Chương 3: ĐỀ XUẤT HƯỚNG VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP TRONG D ẠY HỌC NGỮ VĂN
3.1.2. Tích hợp dọc trong từng phân môn
Tích hợp dọc được hiểu là tích hợp đồng tâm, tích hợp theo từng vấn đề, trong từng phân môn. Cụ thể đó là hướng tích hợp theo mối liên hệ giữa các vấn đề trong cùng một phân môn, giữa các bài học với nhau trong cùng một lớp, giữa lớp trước và lớp sau, thậm chí giữa cấp học này với cấp học khác. Nếu tích hợp trong từng thời điểm (tích hợp ngang) chú ý khai thác mối quan hệ giữa văn bản đang dạy với những vấn đề của các phân môn khác (như từ văn bản đang học cần chú ý tới kiến thức nào, dùng kĩ năng, phương pháp nào của Làm văn, Tiếng Việt đang học và ngược lại ở giờ Tiếng Việt, Làm văn sử dụng ngữ liệu nào cho phù hợp) thì tích hợp theo từng vấn đề còn tập trung khai thác sâu rộng về mối quan hệ giữa nội dung đang dạy với các nội dung đã dạy hoặc sẽ dạy ở hai phân môn còn lại hay với chính phân môn đang dạy. Nghĩa là ôn cũ, lấy cũ để cũng cố, phát triển, nâng cao, giúp HS hiểu sâu sắc và nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống. Hướng tích hợp theo từng vấn đề tôn trọng tính chuyên môn hóa, tính độc lập của mỗi phân môn. Kiến thức có sự kế thừa và phát triển, cái cũ đặt nền móng cho cái mới đang dạy, cái mới đang dạy chuẩn bị cho sự tiếp thu
cái mới tiếp theo. Đây không phải là một cách dạy mới, bởi từ trước đến nay, GV vẫn có sự liên hệ giữa kiến thức cũ với kiến thức mới, chỉ có điều việc làm này diễn ra lẻ tẻ, chưa mang tính chất thường xuyên của người dạy và người học.
Tích hợp dọc tạo điều kiện thuận lợi cho GV trong việc đưa ra những vấn đề mang tính liên thông, tổng quát, đồng thời giúp HS biết liên hệ kiến thức, rèn luyện tư duy khái quát, tổng hợp và có năng lực chiếm lĩnh tri thức một cách hệ thống từ cũ đến mới, từ cái đã biết đến cái sẽ biết.