Những cải cách trong tổ chức, quản lý tập đoàn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện khung pháp luật về cổ phần hóa tổng công ty nhà nước ở Việt Nam pdf (Trang 62 - 65)

Quá trình hình thành và phát triển tập đoàn của Hàn Quốc gắn với quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Thời kỳ đầu, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp này mở rộng kinh doanh ngành nghề khác. Đặc biệt là vào những năm 80, Chính phủ đã tăng cường đầu tư thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp này vay vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh vào các ngành nghề khác để hình thành các tập đoàn. Như vậy, Chính phủ Hàn Quốc không chỉ cấp phép mà còn hỗ trợ tài chính để một số doanh nghiệp xuất khẩu giỏi hình thành các tập đoàn;

các công ty trong tập đoàn liên kết chủ yếu thông qua quan hệ góp vốn theo cách đan chéo nhau hoặc vòng tròn rất phức tạp, mỗi tập đoàn có một số công ty có vị thế nòng cốt (kinh doanh sản phẩm chính của tập đoàn, nắm phần vốn chi phối một số công ty khác trong tập đoàn); hầu hết các tập đoàn không có bộ máy quản lý toàn bộ tập đoàn; Hàn Quốc không có luật riêng về tập đoàn (Chính phủ kiểm soát hoạt động của tập đoàn thông qua Luật Thương mại công bằng và quy định về kiểm soát 30 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc), các công ty trong tập đoàn đều có tư cách pháp nhân độc lập và hoạt động theo quy định của Luật Công ty. Các tập đoàn này dần đã chiếm vị thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực, tập trung quá nhiều vốn, hoạt động của chúng đan chéo khó kiểm soát và khả năng cạnh tranh chưa cao. Hơn nữa, các tập đoàn ở Hàn Quốc chủ yếu hoạt động bằng vốn vay, nợ rất nhiều, lãi cho vay cao nên tất yếu dẫn đến hoạt động khó khăn và lệ thuộc nhiều vào thị trường tài chính. Chính vì vậy, từ sau khủng hoảng tài chính năm 1997 Chính phủ Hàn Quốc đã phải đề ra một số hướng cải cách quản lý tập đoàn như sau:

* Về tổ chức quản lý trong nội bộ tập đoàn

- Tất cả các doanh nghiệp quy mô lớn hoặc tập đoàn đều phải có thành viên hội đồng quản trị là giám đốc độc lập không điều hành (tên tiếng Anh "Non-executive

Director") để đảm bảo việc giám sát, đánh giá khách quan về tình trạng hoạt động kinh

doanh và tình trạng tài chính của tập đoàn.

- Phải có ít nhất 25% thành viên ban điều hành các công ty con là người ngoài tập đoàn, riêng đối với những tập đoàn có tài sản trên 2 triệu Won thì phải có ít nhất 50% thành viên ban điều hành công ty là người ngoài tập đoàn. Các tập đoàn phải thành lập hội đồng phê duyệt người ngoài tham gia làm giám đốc. Chủ tịch tập đoàn và đại diện các giám đốc được lựa chọn trong số các giám đốc là người trong tập đoàn. Trước kia, chủ tịch tập đoàn không kiêm chủ tịch hội đồng quản trị vì tránh trách nhiệm. Đến nay quy định chủ tịch tập đoàn cũng phải chịu trách nhiệm như thành viên hội đồng quản trị. Tập đoàn hiện nay phổ cập chế độ bầu cử biểu quyết theo hệ thống lựa chọn người từ bên ngoài.

- Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy bản thân các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Chính phủ rất trì trệ, khó chấp nhận cải cách, không muốn tự đổi mới dù Chính phủ ép

buộc nên cần phải tạo thêm sức ép từ phía các cổ đông khác. Khi các cổ đông này tham gia quản lý, tạo áp lực đối với bộ máy quản lý tập đoàn thì sự đổi mới sẽ diễn ra mau lẹ và hiệu quả hơn. Vì vậy, trong tập đoàn phải thực hiện nguyên tắc bảo vệ sự an toàn tối đa phần vốn góp của tất cả các nhà đầu tư (lớn hoặc nhỏ); tạo điều kiện để các cổ đông tham gia, thúc đẩy cải cách quản lý và nâng cao hiệu quả của các tập đoàn; cho phép cổ đông có quyền đề nghị cơ quan kiểm toán kiểm toán tập đoàn; hội đồng quản trị có quyền kiện và yêu cầu chủ tịch tập đoàn phải bồi thường tới mức 75 triệu USD.

* Quản lý của nhà nước

Chính phủ Hàn Quốc thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các tập đoàn như sau:

- Thành lập ủy ban Công bằng Thương mại có trách nhiệm chuyên trách theo dõi hoạt động của các tập đoàn, công ty lớn để kiểm soát độc quyền. ủy ban này hoạt động độc lập với các bộ và các cơ quan khác của Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang kiểm soát hoạt động của 30 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

- Quy định các tập đoàn phải thực hiện các hoạt động của mình như trước khi tư nhân hóa. Chính phủ sẽ bù phần lỗ do việc thực hiện những nhiệm vụ công ích khi được Chính phủ giao thực hiện.

- Quy định cụ thể quy chế kế toán và kiểm toán đối với tập đoàn; thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với các tập đoàn, công ty có giá trị tài sản trên 1,7 tỷ USD (khoảng 2200 tỷ Won). ủy ban Kiểm toán phải có ít nhất 2/3 thành viên là người bên ngoài tập đoàn. Các tập đoàn có nhiều công ty con phải lập báo cáo tổng hợp hoạt động tài chính của toàn tập đoàn (trước khủng hoảng tài chính chỉ có các công ty con lập báo cáo tài chính, không có báo cáo tổng hợp của toàn tập đoàn). Mỗi công ty con trong tập đoàn (công ty mẹ) phải có báo cáo về các mối quan hệ kinh tế với các công ty khác nhằm làm rõ về quan hệ nội bộ trong một tập đoàn và giữa các tập đoàn. Trên cơ sở đó nhà nước quản lý và điều chỉnh được các biến động khi xảy ra, đồng thời tạo khả năng phòng, chống các nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra.

- Giảm bớt phạm vi hoạt động của tập đoàn, thiết lập qui chế về điều chỉnh hành vi kinh doanh và hiệu quả của các tập đoàn. Qui định tỷ lệ nợ/tổng tài sản của công ty (tập đoàn) không được vượt quá 200% vốn tự có. Cấm các công ty trong cùng một tập đoàn đầu tư lẫn nhau hoặc bảo lãnh cho nhau.

- Công tác kiểm tra hoạt động tài chính phải được tiến hành rất cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng kiểm tra qua loa trước đây. Hàng năm, Chính phủ thuê các chuyên gia kiểm toán, tư vấn đến từng tập đoàn đã đa dạng hóa sở hữu để đánh giá hiệu quả quản lý và kinh doanh cũng như việc thực hiện các cam kết trước khi đa dạng hóa sở hữu.

- Bãi bỏ qui định hạn mức tối đa mua cổ phần đối với các nhà đầu tư nước ngoài (trước đây chỉ cho phép mua tối đa 14% tổng số cổ phần của công ty nhằm tránh tình trạng lũng đoạn về tài chính, nay có thể mua tới 100% cổ phần, trừ lĩnh vực truyền hình).

- Nghiêm cấm tình trạng 2 công ty liên kết với nhau để mua cổ phần của 1 công ty khác để tránh dẫn tới độc quyền.

- Các giao dịch giữa các tập đoàn, công ty được qui định chặt chẽ nhằm tránh tình trạng bán rẻ cổ phần cho nhau và sau đó bán ra ngoài với giá đắt hơn hưởng chênh lệch.

Thực tiễn cũng cho thấy một số khó khăn gặp phải trong quá trình cải cách các tập đoàn là: phần lớn cán bộ quản lý chưa thay đổi được các thói quen cũ, chưa kịp thích nghi với các qui định mới về quản trị tập đoàn; những qui định mới về quản lý tập đoàn vẫn chưa đủ chặt chẽ để phòng ngừa một số tác động xấu có thể xảy ra như những khuyết tật do tính quản lý nhóm, tập thể đối với các nhà đầu tư (cổ đông). Đồng thời, cùng với cải cách các tập đoàn thì cũng cần phải cải cách hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng chuyển từ việc cho vay theo chỉ định của nhà nước (chịu ảnh hưởng, áp lực từ phía Chính phủ) sang tự quyết định cho vay hoặc đầu tư vào doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện khung pháp luật về cổ phần hóa tổng công ty nhà nước ở Việt Nam pdf (Trang 62 - 65)