Cổ phần hóa được thực hiện từ việc bán cổ phần nội bộ (cổ phần hóa khép kín) nay được chuyển sang bán cổ phần công khai hoặc thông qua niêm yết

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện khung pháp luật về cổ phần hóa tổng công ty nhà nước ở Việt Nam pdf (Trang 25 - 27)

khép kín) nay được chuyển sang bán cổ phần công khai hoặc thông qua niêm yết

Trong các văn bản pháp luật về cổ phần hóa như Nghị định 28/CP ngày 7/5/1996, Nghị định 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998; Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa đều được thực hiện theo hình thức khép kín tại doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là cổ phần bán ra của doanh nghiệp chỉ bán trong nội bộ của doanh nghiệp nghĩa là bán cho những người quản lý và những người lao động tại doanh nghiệp, không có bất kỳ cổ phần nào được bán ra bên ngoài. Điều này là không phù hợp với mục tiêu của cổ phần hóa. Đó là đa dạng hóa sở hữu của doanh nghiệp thông qua việc thu hút vốn của công chúng đồng thời cũng thu hút được sự tham gia của các cổ đông

có năng lực và kinh nghiệm tham gia vào công tác quản lý của doanh nghiệp. Lý do của việc cổ phần hóa khép kín này có thể xác định như sau:

+ Những nhà quản lý hiện tại ở doanh nghiệp lo ngại rằng khi có sự tham gia của các cổ đông bên ngoài doanh nghiệp sẽ phức tạp trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

+ Sự hình thành các tổ chức tài chính trung gian như các công ty chứng khoán, công ty tư vấn trong thời gian qua ở Việt Nam còn hạn chế. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải tự làm tất cả các công việc có liên quan đến công tác cổ phần hóa trong đó có việc tổ chức bán cổ phần.

+ Các trung tâm giao dịch chứng khoán chưa được hình thành ở Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng nhiều đến việc bán cổ phần của doanh nghiệp. Nếu muốn bán ra ngoài, họ không biết tổ chức bán ở đâu, cơ chế bán thế nào? Do đó, tốt nhất đối với các nhà quản lý doanh nghiệp là bán ngay tại doanh nghiệp, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm được chi phí.

+ Trong thời gian này, công chúng còn do dự về hiệu quả của công tác cổ phần hóa doanh nghiệp và lợi ích của họ thu được từ việc mua cổ phần. Do vậy, trong trường hợp bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp thậm chí không có người mua.

Việc bán cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp hay nói cách khác là cổ phần hóa khép kín là một trong những nguyên nhân làm cản trở tiến trình cổ phần hóa. Một số nhược điểm của việc cổ phần hóa nội bộ doanh nghiệp có thể nhận thấy như sau:

+ Việc bán cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp không giúp cho doanh nghiệp thu hút các cổ đông có năng lực tài chính, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý tham gia điều hành doanh nghiệp. Nếu những người quản lý và lao động trong doanh nghiệp mua toàn bộ cổ phần phát hành của doanh nghiệp thì việc cổ phần hóa chỉ là hình thức. Có người còn gọi là cổ phần hóa trong trường hợp này là "bình mới - rượu cũ". Nếu cổ phần hóa được thực hiện như vậy thì doanh nghiệp sẽ không thể có được sự thay đổi căn bản về chất trong công tác quản lý và điều hành doanh nghiệp.

+ Khả năng tài chính của những người quản lý và người lao động trong doanh nghiệp rất hạn chế. Họ không có khả năng thanh toán ngay phần giá trị thực tế mà họ đã đăng ký mua. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa còn để lại một số lượng lớn cổ phần chưa phát hành được chỉ vì những người trong nội bộ doanh nghiệp không có khả năng mua mặc dù đã có cam kết.

+ Cổ phần hóa khép kín làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu và không góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán.

Nhận thức được những nhược điểm và hạn chế của việc cổ phần hóa khép kín, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương (khóa IX) về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, tháng 2/2002 đã chỉ rõ: "Việc mua bán cổ phiếu phải công khai trên thị trường,

khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp" [32].

Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phù hợp với yêu cầu công tác cổ phần hóa, đặc biệt là hạn chế của việc cổ phần hóa khép kín, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành CTCP thay thế Nghị định số 64/2002/NĐ-CP. Nghị định 187/2004/NĐ-CP đã quy định rõ việc bán cổ phần phát hành của doanh nghiệp phải thông qua tổ chức tài chính trung gian (nếu giá trị bán từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng) và bán tại trung tâm giao dịch chứng khoán (nếu giá trị cổ phần bán trên 10 tỷ đồng). Như vậy, theo quy định của Nghị định này thì việc bán cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp đã hoàn toàn bị xóa bỏ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện khung pháp luật về cổ phần hóa tổng công ty nhà nước ở Việt Nam pdf (Trang 25 - 27)