Miền ý niệm sông nước trong ca từ tiếng Việt

Một phần của tài liệu Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt (Trang 84 - 91)

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật vô cùng gần gũi với đời sống nhân loại từ cổ chí kim, người Việt chúng ta cũng không nằm ngoài vòng phổ biến rộng khắp của nó. Một thành phần quan trọng làm nên âm nhạc (có lời) là ca từ, có ca từ đẹp sẽ tạo nên âm hưởng mỹ miều cho ca khúc, đem mỹ cảm cho người thưởng thức. Thế nhưng, hình như trong Ngôn ngữ học, chúng ta đã khá thờ ơ với việc trau chuốc cho ca từ hay định hướng cho âm nhạc một cách chọn lọc từ ngữ “thông minh” để đưa vào nghệ thuật.

Với đề tài “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt”, chúng tôi chưa thể kham nổi nhiệm vụ “bắt cầu” cho ngôn ngữ với âm nhạc mà chỉ có thể gợi ý và phát tưởng một số thiên kiến về sự liên kết này, trên cơ sở nhận diện tư duy sông nước trong ca từ nhạc Việt.

Có thể nhận thấy, ca từ cũng xuất phát từ vốn từ ngữ dân tộc, nếu vốn từ ngữ đã mang tâm thức sông nước thì ca từ cũng sẽ theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra một điều lý thú rằng: Tri nhận về MYNSN trong tư duy ngôn ngữ người Việt ở mảng ca từ vừa có tính cố định vừa có tính độc lập. Khi tước bỏ làn điệu đi, chúng ta nghiên cứu ca từ thuần ở gốc độ ngôn ngữ sẽ thấy: không như lời nói, ca từ được lưu lại cố định trong bản nhạc; không như thành – tục ngữ, ca từ có cách lựa chọn miền Đích rất khác lạ để chuyển tải ý nguyện tác giả. Vì vậy, bỏ quên mảng ca từ trong nghiên cứu ngôn ngữ và đặc biệt là NNHTN, với chúng tôi là một thiếu sót.

Việc tìm hiểu sẽ bắt đầu từ dân ca – một thể loại ca hát lâu đời nhất của mọi dân tộc. Nếu ngôn ngữ Việt với tính đơn lập và đa thanh vượt qua mọi thử thách để trở thành thứ tiếng liên kết toàn dân Việt Nam qua mấy ngàn năm nay, thì dân ca chính là loại nhạc của đại chúng giữ được nguyên khí tính dân tộc ấy. Một điều hiển nhiên là, dân ca chủ yếu phát

xuất từ môi trường nông ngư nghiệp ở thôn làng, đình bản (trên nền chính là ca dao). Từ môi trường nông ngư nghiệp đó – mà sông nước là thân thiện bậc nhất, dân ca có nhiều chức năng trong các sinh hoạt của cuộc sống, như hỗ trợ các thao tác lao động dưới nước (tát nước, chèo thuyền, đẩy ghe, kéo lưới...) lẫn trên cạn (ru trẻ, xay lúa, giã gạo, nện vôi, dệt vải, kéo gỗ...) và đặc biệt thỏa mãn chức năng giải trí, giao tiếp, thông tin, giáo hóa, tỏ bày…

Vì xuất phát từ môi trường sống mang đậm tính sông nước, dân ca có thể gọi là đứa con của sông nước, mà cũng chính từ đó làm cho tâm thức sông nước không ngừng chảy dài trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Chúng ta thử lượt xem ba bài dân ca phổ biến từ ba miền khác nhau của đất nước:

…Chiếc thuyền anh vắng le the đợi nàng.Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng,

dừng chèo anh hát cô nàng ấy nghe (…) Chiếc thuyền anh vắng le the đợi nàng. Gió đánh cành bàng, gió đập cành bàng. Dừng chèo em hát anh chàng ấy nghe. Gió đánh đò đưa, gió đập đò đưa. Mưa chiều ướt áo anh đưa em về thuyền. Gió đánh mạn thuyền gió đập mạn thuyền … (Gió đánh đò đưa – Dân ca Bắc bộ).

…Chim ăn bể bắc (là hù là khoan), anh tìm bể đông (Bớ hò bớ hụi. Bớ hụi hát hụi hò khoan.) (…) Tình em (hù là khoan), như nước dòng sông (hù là khoan)…(Hò hụi – Dân ca

Trung bộ).

Ai ai đem ai đem mà con sáo i sang sang sang sông ai đem con sáo sang sông tình bằng mà sang sông í i tình bằng mà sang sông í i i…(Lý con sáo sang sông – Dân ca Nam

bộ).

Những ý niệm sông nước “thuyền”, “chèo”, “đò”, “mưa”, “ướt”, “mạn thuyền” (Gió đánh đò đưa); “bể”, “nước”, “dòng sông” (Hò hụi); “sông” (Lý con sáo sang sông) trong từng đoạn ca đã tham gia vào dựng nên không gian trữ tình giữa “chàng – nàng”, làm cái cớ rất duyên để bộc lộ mối tương tư của các chàng trai. Nếu như ở những chương trước, chúng tôi nói về MYNSN trên cơ sở kho tàng cứ liệu từ ngữ sông nước đã có sẵn thì đối với ba bài dân ca trên, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên. Và rõ ràng, có thể thấy MYNSN ngự trị trong mỗi ca từ (phần in đậm) thuộc từ toàn dân phổ biến, thông suốt.

Thông qua ba bài dân ca thì chưa thể kết luận được tâm thức sông nước trong tòan bộ ca từ cũng như tư duy ngôn ngữ người Việt, nhưng nếu làm một phép thử: đưa ra bài ca dao bất kỳ nào để mổ xẻ, thì rất nhiều phần trăm trong đó sẽ có nói đến MYNSN. Bởi dân ca là cuộc sống gắn với lao động mà môi trường lao động sông nước là môi trường gần gũi nhất đối với người Việt như đã lý giải từ đầu luận văn. Dân ca là nguồn tài sản vô giá về văn chương, về âm nhạc cho bất cứ người Việt Nam nào quan tâm đến nhạc, đến văn hóa dân tộc. Mặt ca từ của dân ca, có thể thấy âm hưởng sông nước cũng là một yếu tố tạo nên đặc trưng dân tộc trong loại hình nghệ thuật dân gian này. Tiếp nối tính dân tộc của dân ca, chúng ta có nhạc âm hưởng dân ca:

…Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi, mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa. Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều. Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều. Dẫu trải qua thăng trầm giông tố, qua bao cuộc bể dâu, mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam… (Bài ca đất

phương Nam).

Bến nước gió rét đò thưa khách sang. Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng. Đêm nay không gian chìm trong giá băng. Con đò sang ngang... (Tiếng còi trong sương đêm).

Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài, cho lòng nhớ ai… (Mưa trên phố Huế).

Có thể thấy, trích đoạn ba bài hát trên, những ý niệm về sông nước đã tạo nên một không gian nghệ thuật rất riêng đặc biệt với các cụm định danh “con tàu vỗ sóng bờ xa”, “bến nước gió rét”, “lau xanh ven sông”, “kiếp giang hồ”, “bến đợi” – những kết hợp mang đậm dấu ấn phong cách tác giả. Không gian ấy, dù nên thơ đến mức nào thì dường như cũng

mang nặng thoáng nét trầm hùng, ưu tư, buồn bã từ chất liệu sông nước.

Nếu ngồi góp nhặt ca từ trong từng ca khúc Việt Nam những ý niệm thuộc MYNSN, một điều dễ nhận ra là MYNSN phủ rộng khắp trong các sáng tác của các nhạc sĩ. Đó không phải là sự cố ý, cố gắng của tác giả mà chính là một âm hưởng rất tự nhiên, nó chứng minh MYNSN là một trường ý niệm bền vững và có khả năng lan tỏa từ ngôn ngữ âm nhạc bình dân đến nhạc điệu uyên bác, từ cổ truyền đến đương đại.

Tiếp nối dòng nhạc dân tộc, có ý kiến cho rằng âm nhạc hiện đại đã mất đi vẻ đẹp ban sơ và mang nhiều yếu tố ngoại lai. Theo chúng tôi, sự lai căn ấy có thể là về âm sắc, còn

hương hồn sông nước trong ca từ thì vẫn còn đó – tức vẫn có tinh thần dân tộc trong đó ngay

chính những bài hát mà tưởng rằng mang nhiều tính thụ động ảnh hưởng văn hóa phương Tây:

…Bờ bến lạ, bờ bến lạ người yêu đã sang bên kia đại dương. Bờ bến lạ, bờ bến lạ để anh bước đi quên hết yêu thương. Trong đêm tối không còn tiếng cười. Đôi chân mỏi không còn lối về nhìn mưa bay giọt sầu rơi, rơi trong tiếc nuối… (Bờ bến lạ).

“Bờ bến lạ” là người yêu khác – một chỗ nương tựa khác trong tinh thần, “bên kia đại dương” là hướng lựa chọn khác cái cũ, “mưa bay” gợi “sầu rơi”, tất cả được chiếu xạ từ

MYNSN sang MYN tình cảm – cảm xúc của con người. Một ẩn dụ khác cũng không kém

tinh tế dù là nhạc hải ngoại:

… Cho tôi xin con sóng chỉ xô bờ, đừng quay ra khơi cho tình phải bơ vơ. Cho tôi xin cơn gió hãy ru hời, đại dương trong tim tôi đừng khóc…(Chiều nghe biển khóc).

“Con sóng”, “bờ”, “khơi”, “đại dương” được ẩn dụ hóa thành những ý niệm xoay quanh cảm xúc tình yêu và con người trong tình yêu; những ẩn dụ này làm bài hát trở nên sâu lắng, dịu vợi.

MYNSN thậm chí được biến hóa sáng tạo một cách thẩm mỹ khó ngờ, đặc biệt trong ca khúc Trịnh Công Sơn:

...Ngày xuân bước chân người rất nhẹ, mùa xuân đã qua bao giờ. Nhiều đêm thấy ta là thác đổ, tỉnh ra có khi còn nghe… (Đêm thấy ta là thác đổ).

Nắng có hồng bằng đôi môi em? Mưa có buồn bằng đôi mắt em? Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. Gió sẽ mừng vì tóc em bay. Cho mây hờn ngủ trên trên vai. Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi… (Như cánh vạc bay).

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya (…). Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê… (Biển nhớ).

Có thể thấy, khả năng ngôn ngữ của mỗi người phụ thuộc vào khả năng ẩn dụ tri nhận tinh tế của người đó. Và MYNSN là mảnh đất màu mỡ cho những chiếu xạ ý niệm làm đẹp ca từ. Không gian không quyết định tài năng, nhưng có thể thấy nó có tác động làm dậy lên, bức khả năng ra khỏi tìm năng và nuôi dưỡng tài năng. Môi trường sông nước với con người cũng vậy, đã có rất nhiều thi nhạc sĩ sinh từ vùng biển, và rõ ràng đứng trước biển cả, sông giang con người ta dễ dâng trào cảm xúc, tâm hồn trở nên dạt dào, lãng mạn, sâu lắng…Từ cảm xúc đến liên tưởng, đối chiếu và mang ý niệm sông nước là một điều vô cùng tự nhiên.

Qua những cứ liệu vừa dẫn dắt trên, chúng tôi nhận thấy rằng ca dao từ nghìn xưa đã mang tâm thức về sông nước và ẩn dụ tri nhận thấm chiếm dần từ đó. Tuy nhiên, có thể thấy

mức độ xâm nhập của ẩn dụ sông nước chưa thật sâu xa trong dân ca mà phần nhiều chỉ

dừng lại miêu tả về sông nước hoặc mượn hình ảnh sông nước như cái cớ để bắt đầu câu ca cũng rất phổ biến. Chúng ta có thể hiểu điều này qua số lượng áp đảo của ca dao chứa ý niệm sông nước chưa được ý niệm hóa thành Ẩn dụ ý niệm hoặc sự Ẩn dụ chưa đậm nét:

1. Ai về Hà Nội, ngược nước Hồng Hà Buồm giăng ba ngọn, vui đà nên vui! 2. Ai về nhắn chị hàng cau

Giặt buồm dấp nước giữ màu cho tươi. 3. Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát,

Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa… 4. Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen… 5. Hỡi cô tát nước bên đàng,

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? 6. Nàng về giã gạo ba trăng,

Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm. 7. Ngày ngày vác cuốc thăm đồng,

Nước thì hết lấy gầu sòng tát lên…

Dân ca – ca dao Việt đậm đặc ca từ sông nước hơn bất cứ dòng âm nhạc nào sau nó, đánh dấu sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên sông nước. Trong khi đó, âm nhạc hiện đại bộc lộ rõ sự tri nhận đa chiều, sự hoán đổi MYN ngày càng độc đáo kể cả phức tạp và hứa hẹn làm giàu thêm vốn tự vựng thậm chí tạo nên dấu ấn phong cách tác giả từ MYNSN. Cuộc sống con người khi dần làm chủ và chiếm lĩnh tự nhiên, cũng là lúc ca từ cũng có những biến chuyển của nó – sự thay đổi phương thức sản xuất là một yếu tố to lớn đẩy nhanh sự biến đổi đó.

Vấn đề khai thác mảng ca từ nhạc Việt chúng tôi chỉ sẽ trình bày còn sơ khai và hy vọng, đây cũng là một sự gợi mở để có những nghiên cứu tiếp theo.

4. Tiểu kết

Thông qua 7 trường ý niệm và một số ẩn dụ/hoán dụ, luận văn lần lượt xác lập một số tri nhận của người Việt về MYNSN. Rõ ràng, sông nước và các sự vật có liên quan đến sông nước có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Việt. Bên cạnh dùng trải nghiệm của chính bản thân cơ thể mình để phóng chiếu lên hiện thực, người Việt còn dùng chính những thuộc tính của nước để ngược chiếu lại xã hội và chính bản thân con người. Trong hai quá trình ấy, người Việt đã khám phá ra nhiều đặc trưng của nước vô cùng thú vị mà hiển nhiên luận văn này chưa thể tổng kết hết được.

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu MYNSN trong tri nhận người Việt, chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề về cách tiếp cận ngôn ngữ sông nước thông qua NNHTN mà rõ hơn là thông qua MYN. MYN được hình thành trên cơ sở liên kết cách ý niệm thành những trường nhất định. Do đó, chúng tôi dựa vào các ý niệm về sông nước mà phân chia MYNSN thành 7 lĩnh vực

cơ bản: (i)Miền các dạng nước, (ii)Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới

vật chứa, (iii)Miền loài vật đặc trưng sống ở nước, (iv)Miền công cụ đánh bắt, (v)Miền phương tiện di chuyển và các bộ phận của phương tiện, (vi)Miền đặc tính, trạng thái và vận động thuộc nước, (vii)Miền hoạt động của người ở nước.

Thông qua các miền đó, chúng tôi đã phân tích và khái quát các hiện tượng Ẩn dụ tri

nhận trong tư duy ngôn ngữ người Việt, tìm ra được những manh mối sông nước trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Điều này đã phần nào được phân tích – miêu tả dưới lăng kính tri

nhận cộng với phần ngữ liệu là từ định danh, thành – tục ngữ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng

đã phân tích những cứ liệu âm nhạc chứng minh vai trò quan yếu của MYNSN trong tư duy

ngôn ngữ cũng như âm nhạc của người Việt với phụ lục ca từ hàm chứa MYNSN. Phần phụ

lục ca từ chỉ là những cứ liệu đơn sơ song tính ngẫu nhiên trong sưu tầm cũng có thể nói lên được sức mạnh của MYNSN và khẳng định lịch sử lâu dài của một MYN cũng như sự trường tồn của nó với tiếng nói dân tộc.

Chúng tôi đã cố gắng chứng minh sự hiện diện của “sông nước” trong tri nhận người Việt với sự lý giải sâu xa bắt nguồn từ môi trường sống đi vào

tư duy ngôn ngữ. Cuối cùng, chúng tôi muốn khẳng định lại: dù lúc phát ngôn người Việt xưa nay nhiều khi không nhận ra mình đang dùng những từ ngữ sông nước, nhưng thực tế thì chính MYNSN đã ngầm ngấm vào họ từ bao đời. Ý niệm về sông nước chưa bao giờ và cũng không bao giờ ngừng chảy trong tư duy của dân tộc Việt Nam với những đặc trưng hết sức người của nó. Tất cả những điều luận văn xây dựng nên xác nhận thêm những phổ niệm trong ngôn ngữ, nhưng đồng thời cũng phần nào cho thấy nét riêng biệt độc đáo trong tri nhận của người Việt chúng ta.

Một phần của tài liệu Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt (Trang 84 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)