Thực hiện nghị định số 153/203/ NĐ - CP ngày 9 tháng 12 năm 2003 của Chính Phủ, huyện Tam Đảo được thành lập. Tam Đảo là một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc chính thức đi vào hoạt động từ 01/01/2004. Huyện Tam Đảo nằm trên tuyến đường quốc lộ 2b và tỉnh lộ 314 đi khu du lịch Tam Đảo và Tây Thiên, cách thị xã Vĩnh Yên 10 km, phía Bắc giáp huyện Lập Thạch, Phía Tây giáp huyện Tam Dương, phía Đông giáp huyện Bình Xuyên.
Huyện Tam Đảo được chia thành 9 đơn vị hành chính gồm 8 xã và một thị trấn với số dân là 67.591 người, diện tích tự nhiên là 235,73km2. Trong đó có ba xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã được hưởng chế độ 135. Huyện có hai dân tộc sinh sống là Kinh và Sán Dìu, trong đó đồng bào dân tộc chiếm phần lớn và sống chủ yếu bằng nghề nông. Dân cư trong huyện phân bố không đồng đều, tập trung rải rác dưới chân núi Tam Đảo và Tây Thiên. Giao thông đi lại rất khó khăn, đường hẹp, có nhiều suối, mùa mưa các con suối nước ngập tràn trắng xoá. ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đời sống của đồng bào dân tộc thấp và còn rất lạc hậu.
Với đặc thù là một huyện miền núi dân tộc, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tam Đảo đã được xác định là phát triển du lịch, dịch vụ – lâm nông nghiệp. Tam Đảo coi đây là tiềm năng và thế mạnh rất quan trọng, mở ra một triển vọng lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà.
Về phát triển kinh tế, năm 2004 – 2005 tình hình kinh tế – xã hội của huyện phát triển tương đối toàn diện, nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 14,23%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.495.000đ.
Về sản xuất nông – lâm – thuỷ – sản: ngành trồng trọt chuyển dịch theo hướng tích cực, cây trồng có giá trị kinh tế cao đã thay thế dần cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Sản lượng cây lương thực năm 2005 đạt 26,312 tấn.
Các tiến bộ kĩ thuật được áp dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn.
Từ năm 2004 đến nay, các dịch vụ nông nghiệp có chiều hướng phát triển. Sản xuất CN – TTCN và xây dựng cơ bản năm 2005 đạt 21, 36 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng cơ bản như: xây dựng trụ sở làm việc, sân Gold, nâng cấp, làm mới các tuyến đường đang được triển khai. Hoạt động thương mại – du lịch và dịch vụ năm 2005 đạt 83,076 tỷ đồng. Thương mại tương đối đa dạng, dịch vụ phát triển tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là vận tải, bưu chính viễn thông, điện sinh hoạt, sản xuất ….Du lịch đã có bước chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành 2 cụm du lịch: khu nghỉ mát Tam Đảo và khu di tích danh thắng Tây Thiên.
Tuy vậy, đời sống của nhân dân Tam Đảo còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Hoạt động dịch vụ – du lịch chất lượng thấp thiếu tính chuyên nghiệp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quy hoạch và thu hút đầu tư được triển khai song tiến độ chậm. Quy hoạch ngành và các xã phần lớn vẫn chưa được thực hiện.
Đảng bộ huyện Tam Đảo đã xác định phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kì 2005 – 2010 là: tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy kinh tế du lịch làm mũi nhọn, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Nhanh chóng khắc phục tình trạng kinh tế thuần nông, tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2010 Tam Đảo cơ bản trở thành huyện du lịch, đến năm 2020 trở thành huyện du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, chăm
sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc thiểu số. Xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại nhằm không ngừng tăng giá trị sản xuất trên địa bàn, tạo nhiều việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách để có điều kiện giải quyết các vấn đề xã hội.
Gắn du lịch với bảo vệ môi rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong huyện. Phát triển công nghiệp chủ yếu là chế biến nông lâm thuỷ sản thực phẩm, khôi phục phát triển các làng nghề phục vụ cho tiêu dùng và du lịch. Chủ động quỹ đất để phát triển công nghiệp khi có điều kiện. Phát triển nông nghiệp theo hướng đa cạnh tranh. Tập trung phát triển các cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao. Hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Huyện có thế mạnh là du lịch nên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho khu thương mại – du lịch Tam Đảo và khu di tích danh lam thắng Tây Thiên trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước. Khai thác triệt để các loại hình du lịch, kết hợp với vui chơi giải trí. đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thương mại – du lịch- dịch vụ, vui chơi giải trí tại Tam Đảo, Tây Thiên.
Huyện mới còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc trong huyện vốn có truyền thống cần cù, sáng tạo, đoàn kết nhất trí tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nền kinh tế của huyện Tam Đảo trong tương lai sẽ theo kịp đà phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc. Tam Đảo sẽ là nơi thu hút lượng lớn khách du lịch.