Hoạt động học tập của học sinh là hoạt động đồng thời với hoạt động giảng dạy của thầy. Quản lí hoạt động học của học sinh rất quan trọng để tạo ý thức, động cơ đúng đắn trong học tập. Người hiệu trưởng căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường thống nhất yêu cầu và biện pháp giáo dục tư tưởng, thái độ và động cơ học tập của học sinh trong tất cả giáo viên và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Giáo dục tinh thần và thái độ học tập phải được cụ thể hoá trong nội quy nhà trường để học sinh rèn luyện thường xuyên, thành những thói quen tự giác. Thực tiễn, nội dung quản lí hoạt động của học sinh của hiệu trưởng tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
+ Xây dựng và chỉ đạo nền nếp học tập.
- Đó là những quy định về tinh thần, thái độ học tập: chăm chỉ, chuyên cần, học bài làm bài đẩy đủ, tham gia các hoạt động ngoài giờ …
- Tổ chức học tập ở trường, ở nhà.
- Sử dụng, bảo vệ và chuẩn bị đồ dùng học tập.
+ Hàng tháng hiệu trưởng thu thập tình hình, phân tích đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các mặt:
- Tình hình thực hiện nền nếp học tập, tinh thần thái độ đối với học tập , sự chuyên cần, kỷ luật trong học tập.
- Kết quả học tập các môn học: Điểm số, tình hình kiểm tra, nhận xét, đánh giá của giáo viên về học tập của học sinh, chú ý đến kết quả học tập của hai đối tượng học sinh kém và giỏi.
+ Phối hợp với các lực lượng giáo dục để quản lí hoạt động học của học sinh, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của học sinh trong hoạt động học tập, bao gồm:
- Tổ chức sự phối hợp gắn với giáo viên bộ môn và GVCN lớp với tổ chức đoàn thành niên, gia đình học sinh để quản lí được chặt chẽ hoạt động học tập của học sinh từ trường, lớp đến gia đình.
- Đề cao vai trò của tổ chức đoàn thành niên, thông qua đoàn thanh niên phát huy vai trò làm chủ tập thể của học sinh, để học sinh tự giác, tích cực tự quản các hoạt động học tập.