Tích cực giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm sát viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 80 - 81)

đạo đức nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm sát viên

Đây không phải là đòi hỏi riêng của quá trình cải cách tư pháp mà là đòi hỏi có tính thường xuyên liên tục đối với người cán bộ Kiểm sát nói cung và các Kiểm sát viên nói riêng. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá về công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp "Phần lớn cán bộ làm công tác tư pháp giữ vững phẩm chất chính trị, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã tận tụy với công việc, có những trường hợp đã hy sinh cả tính mạng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm". Tuy nhiên về thiếu sót thì Nghị quyết 08-NQ/TW cũng đánh giá "Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới kỷ cương, pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước".

Để nâng cao chất lượng cán bộ trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải tự rèn luyện ý thức chính trị. Bên cạnh đòi hỏi Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm công tác thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự phải đảm bảo tính pháp lý và nghiệp vụ cao, đồng thời Kiểm sát viên phải nhận thức được tính chính trị trong công việc của mình. Xa rời tính chính trị sẽ làm cho hoạt động kiểm sát trở nên pháp lý đơn thuần. Rèn luyện ý thức chính trị chính là việc thường xuyên nắm vững các chủ trương Nghị quyết của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Rèn luyện nâng cao ý thức chính trị giúp Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố đảm bảo có lý, có tình được nhân dân tin tưởng, đồng tình. Rèn luyện ý thức chính trị phải đi đôi với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát theo tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Thực hành quyền công tố ở các phiên toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao là thường xuyên tiếp xúc với mặt trái xã hội, tiếp xúc nhiều loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu Kiểm sát viên không thường xuyên trau dồi đạo đức và rèn luyện ý thức chính trị thì dễ bị mặt trái xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường cám dỗ. Trong điều kiện đất nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị

trường định hướng XHCN, việc rèn luyện ý thức chính trị cho lực lượng Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nói chung và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao càng đòi hỏi cấp bách. Hàng năm trong Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều nêu yêu cầu: Thông qua hoạt động Kiểm sát, thông qua các vụ án cụ thể cần tổ chức nghiên cứu rút ra những bài học về công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ; giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức để giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm sát.

Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự của Kiểm sát viên nói chung và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói riêng, đòi hỏi khách quan nữa đó là không ngừng nâng cao trình độ pháp lý, nghiệp vụ cho Kiểm sát viên để Kiểm sát viên chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao; đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Kiểm sát viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và trau dồi kỹ năng thực hành quyền công tố trong khâu kiểm sát xét xử phúc thẩm. Để đáp ứng được yêu cầu nêu trên Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức cho Kiểm sát viên. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cần đổi mới nội dung, chương trình theo hướng tập trung đào tạo bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Kiểm sát viên cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo loại tội… để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đảm bảo cho các quyết định ở cấp phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao được chính xác, đúng pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 80 - 81)