Chuẩn bị tham gia phiên toà phúc thẩm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 47 - 51)

a. Nghiên cứu hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị:

Điều 36 Quy chế số 960/2007/QĐ-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ngày 17/9/2007 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định: Kiểm sát viên tham gia phiên toà xét xử phúc thẩm phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên kiểm tra xem xét lý do yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị và thủ tục kháng cáo, kháng nghị; nghiên cứu kỹ tình tiết, chứng cứ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị… Nếu thấy cần thiết thì xem xét các phần

khác không bị kháng cáo, kháng nghị để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị cho việc thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm là quá trình nghiên cứu, thu thập các tài liệu, phân tích đánh giá và dự thảo đề xuất quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Thông qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên nắm vững các tình tiết của vụ án, nội dung vụ án, nội dung kháng cáo, kháng nghị; nghiên cứu các chứng cứ, các tình tiết có liên quan, các căn cứ của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Quan điểm của Luật sư, các tài liệu chứng cứ được bổ sung ở giai đoạn phúc thẩm, dư luận của nhân dân, báo chí sau phiên toà sơ thẩm… và chuẩn bị quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên toà phúc thẩm; chuẩn bị đề cương xét hỏi cũng như kế hoạch tranh luận tại phiên toà phúc thẩm. Tuy đây là bước chuẩn bị cho phiên toà phúc thẩm nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tính quyết định đến thành công trong thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm của Kiểm sát viên. Kiểm sát viên có nắm chắc hồ sơ vụ án, tình tiết của hồ sơ vụ án, nắm vững các căn cứ pháp luật, nắm vững nội dung kháng cáo, kháng nghị nhất là các ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng sau khi xét xử sơ thẩm thì mới chủ động trong thực hành quyền công tô tại phiên toà phúc thẩm; đặc biệt là trong tranh luận đối đáp với Luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án…

b. Nghiên cứu các quy định của pháp luật:

Nghiên cứu các quy định của pháp luật là một trong những nội dung hết sức quan trọng để kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ trong việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm. Các quy định của pháp luật là khá rộng, tuỳ theo từng vụ án chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu những quy định của pháp luật liên quan đến đối tượng cần nghiên cứu. Khi nghiên cứu cần chú ý: Về phạm vi nghiên cứu: chỉ cần nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan trước hết đến kháng cáo, kháng nghị; trường hợp cần thiết thì nghiên cứu toàn diện. Nghiên cứu về pháp luật tố tụng: Bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng ngi ở phần thủ tục tố tụng nào thì tập trung nghiên cứu những quy định pháp luật tố tụng

ở phần đó. Nghiên cứu các quy định về hình sự: Kháng cáo, kháng nghị về quyết định nào thì tập trung vào phần quyết định đó.

Bộ luật hình sự là căn cứ pháp luật chủ yếu khi giải quyết vụ án hình sự. Việc nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự là việc làm thường xuyên của bất kỳ Kiểm sát viên nào làm công tác giải quyết các vụ án hình sự. Khi nghiên cứu các Điều luật cần nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Thông tư liên tịch. Khi nghiên cứu cần đối chiếu từng trường hợp với từng Điều luật cụ thể. Khi nghiên cứu kháng cáo kêu oan thì mối quan tâm hàng đầu là hành vi đó có hội đủ các yếu tố cấu thành cơ bản của tội đó hay không. Ngược lại với kháng cáo, kháng nghị về tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì vấn đề quan tâm lại là cấu thành tăng nặng hay giảm nhẹ của tội phạm đó, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự (Điều 46 + 48) và các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 46 + 48 Bộ luật hình sự.

khi nghiên cứu cần chú ý nghiên cứu các văn bản quản lý Nhà nước có liên quan đến vụ án. Trong thực tiễn có rất nhiều văn bản hướng dẫn; do đó tuỳ theo kháng cáo, kháng nghị cụ thể mà nghiên cứu chọn lọc. Cấp phúc thẩm có thuận lợi căn bản là các văn bản này thường đã được cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng, đề cập đến trong các tài liệu điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong các luận cứ bào chữa của Luật sư… Vấn đề là cấp sơ thẩm đã áp dụng đúng hay chưa ? Chú ý những vấn đề có quan điểm trái ngược nhau ở cấp sơ thẩm hay phát sinh khi tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm.

c. Chuẩn bị đề cương xét hỏi và dự kiến những tình huống đối đáp:

Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tại phiên toà phúc thẩm có quy định: Phiên toà phúc thẩm cũng tiến hành như phiên toà sơ thẩm. Như vậy, việc xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm thực hiện theo trình tự chủ toạ và các thành viên Hội đồng xét xử hỏi trước sau đó đến Kiểm sát viên. Để cho việc xét hỏi có trọng tâm, Kiểm sát viên phải xây dựng đề cương xét hỏi cho phù hợp. Trên cơ sở nội dung kháng cáo, kháng nghị Kiểm sát viên phải xác định đề cương xét hỏi, đề cương xét hỏi ngoài việc tập trung giải quyết nội dung kháng cáo, kháng nghị còn cần dự kiến các tình huống có thể xảy ra khi xét xử phúc thẩm. Nội dung đề cương xét hỏi cần tập trung làm rõ những mâu thuẫn của vụ án chưa được

giải quyết như lời khai còn mâu thuẫn, những tình tiết của vụ án còn mâu thuẫn mà phiên toà sơ thẩm chưa làm rõ. Yêu cầu của việc xây dựng đề cương phải chặt chẽ, toàn diện về vụ án. Song nếu kháng cáo, kháng nghị chỉ với nội dung tăng nặng hay giảm nhẹ án sơ thẩm thì chỉ cần tập trung làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường… Trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan thì yêu cầu của đề cương xét hỏi phải kỹ lưỡng hơn. Vấn đề là làm rõ các chứng cứ buộc tội bị cáo. Đề cương xét hỏi phải chuẩn bị cho từng đối tượng bị cáo, bị hại, nhân chứng… chọn cách hỏi cho phù hợp, câu hỏi cần ngắn gọn dễ hiểu và không được đặt câu hỏi không liên quan đến vụ án, ngoài nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu kháng cáo không có căn cứ thì cần đặt câu hỏi làm rõ tính không có căn cứ của kháng cáo để bác kháng cáo và ngược lại.

Khi chuẩn bị đề cương xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ từng đối tượng về cả thân nhân, tính cách, mức độ tham gia vụ án… để dự kiến phương pháp hỏi: Hỏi thẳng, hỏi vòng quanh hay cách hỏi thăm dò… hỏi vấn đề gì trước, sau cần có dự kiến thì xét hỏi mới có hiệu quả, nhất là đối với trường hợp bị cáo ngoan cố. Cần chuẩn bị sẵn các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được ở giai đoạn sơ thẩm hay điều tra bổ sung ở cấp phúc thẩm để phục vụ cho việc chứng minh khi xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm. Kiểm sát viên cần dự kiến những người cần được triệu tập ra phiên toà phúc thẩm để phục vụ cho việc xét hỏi. Trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi cùng Thẩm phán chủ toạ phiên toà về trình tự xét hỏi các bị cáo, trường hợp cần cách ly để bảo đảm tính hiệu quả trong xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm.

d. Xây dựng kế hoạch tranh luận tại phiên toà phúc thẩm:

Khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên cũng phải xây dựng kế hoạch tranh luận như khi tham gia phiên toà sơ thẩm. Tranh luận ở phiên toà phúc thẩm giống như tranh luận ở phiên toà sơ thẩm song có giới hạn hơn là chỉ trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị và chủ động hơn vì thông qua phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên cấp phúc thẩm đã nắm bắt được quan điểm của Luật sư, người bào chữa cũng như những căn cứ, lý lẽ mà người bào chữa, bị cáo… đã đưa ra. Do đó, Kiểm sát viên cần đọc kỹ hồ sơ nhất là phần đối đáp tranh luận giữa Kiểm sát viên với người bào chữa, bị cáo tại phiên toà sơ thẩm; ý kiến của bị cáo, Luật sư khi kháng cáo án sơ thẩm; từ đó dự kiến các luận cứ của người bào

chữa, của bị cáo tại phiên toà phúc thẩm để bác bỏ các căn cứ, hoặc dẫn chứng các tình tiết nào của vụ án để tranh luận tại phiên toà phúc thẩm.

đ. Chuẩn bị quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên toà phúc thẩm:

Điều 247 Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi tranh luận Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Điều 40 của Quy chế số 960 ngày 17/9/2007 về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự quy định trước khi tham gia phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phải viết bản dự thảo quan điểm của Viện kiểm sát về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng cáo, kháng nghị; đưa ra quan điểm giải quyết đối với bản án hoặc quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.

Quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm là sự thể hiện tập trung nhất kết quả của quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như qua thẩm vấn và diễn biến tại phiên toà phúc thẩm. Bài phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên phải thể hiện đầy đủ và xúc tích nhất các vấn đề mà kháng cáo, kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết. Đây là sự khởi đầu quá trình tranh luận để làm rõ các vấn đề đưa ra trong kháng cáo, kháng nghị và đồng thời cũng là quan điểm của Viện kiểm sát về hướng giải quyết vụ án để Hội đồng xét xử xem xét quyết định. Sự thành công của Kiểm sát viên tại phiên toà phụ thuộc rất lớn và chất lượng của bài phát biểu. Thực tiễn công tác giải quyết án ở cấp phúc thẩm thấy không có một khuôn mẫu nào chung nhất cho việc chuẩn bị bài phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà. Vì mỗi vụ án là một vụ việc khác nhau đồng thời xét xử phúc thẩm phụ thuộc và nội dung kháng cáo, kháng nghị. Do vậy, mặc dù bài phát biểu tuy được chuẩn bị trước nhưng cần được bổ sung, sửa đổi thông qua diễn biến tại phiên toà phúc thẩm.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 47 - 51)