Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố là yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong xét xử phúc

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 72 - 75)

hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự

+ Vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong xét xử các vụ án hình sự: Theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Viện trưởng, Phó Viện trưởng, kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng (Điều 33 BLTTHS) Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định truy tố người phạm tội ra trước tòa. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện xử lý nghiêm minh. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người đúng tội đúng pháp luật, không làm oan người vô tội (Điều 23 BLTTHS). ở giai đoạn xét

xử phúc thẩm Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố đảm bảo cho việc truy tố của Viện kiểm sát đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người tham gia tố tụng. Đảm bảo cho việc xét xử vụ án theo nội dung kháng cáo, kháng nghị đúng quy định pháp luật.

Theo đó tất cả các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án sơ thẩm tuyên không phạm tội, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội thì đều thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát của kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Thực hành quyền công tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát luôn giữ vai trò chủ động, tích cực trong phối hợp với cơ quan xét xử; chủ động trong xem xét, đánh giá và đưa ra quan điểm trước Hội đồng xét xử phúc thẩm về kháng cáo, kháng nghị. Trong giai đoạn này Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm và người phạm tội (Điều 16 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Những yêu cầu trên cho ta thấy rõ vai trò quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố các vụ án xét xử phúc thẩm hình sự:

Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử phúc thẩm được thể hiện cụ thể, rõ nét và đầy đủ theo các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Viện kiểm sát. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 232) thì khi thực hành quyền công tố Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Nhà nước chỉ giao duy nhất quyền kháng nghị các bản án, quyết định sơ thẩm hình sự cho một cơ quan là Viện kiểm sát nhân dân. Như vậy, đối với các bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi chưa có hiệu lực pháp luật thì Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị phúc thẩm, đồng thời kiểm sát viên có quyền thay đổi, bổ sung rút kháng nghị. Khi có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát thì vụ án đó phải được đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Khi tiến hành hoạt động thực hành quyền công tố theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, kiểm sát viên có quyền yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới báo cáo về vụ án và những vấn đề có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới xác minh theo thủ tục phúc thẩm để bổ sung những chứng cứ như: hỏi cung bị cáo, lấy lời khai của những người liên quan, tổ chức đối chất, xem xét lại hiện trường để làm rõ những tình tiết của vụ án. Những trường hợp không thể điều tra xác minh bổ sung được thì kiểm sát viên kết luận đề nghị hủy án giao về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật (Điều 250 BLTTHS). Tại phiên tòa kiểm sát viên được quyền tham gia xét hỏi về toàn bộ các vấn đề, các tình tiết có liên quan đến xét kháng cáo kháng nghị nhằm kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án hoặc quyết định sơ thẩm đối với những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ bắt buộc theo luật định (Điều 245 BLTTHS). Tại phiên tòa kiểm sát viên căn cứ vào các tình tiết của hồ sơ vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra, xét hỏi tại phiên tòa để phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Trường hợp có tình tiết mới làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được cân nhắc báo cáo thì kiểm sát viên tự quyết định cho phù hợp với thực tế vụ án và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Thực hiện việc tranh luận dân chủ, công khai đầy đủ các ý kiến có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị (Điều 41 Quy chế thực hành quyền công tố, xét xử các vụ án hình sự số 960 ngày 17/9/2007 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Sau khi xét xử phúc thẩm, kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm tra bản án phúc thẩm và có thể báo cáo vụ án lên cấp giám đốc thẩm để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nếu xác định án phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Như vậy, với nội dung được trình bày trên đây cho thấy, theo quy định của pháp luật trong thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa phúc thẩm thì Viện kiểm sát, kiểm sát viên là cơ quan và người tiến hành tố tụng có vai trò rất quan trọng và chỉ riêng có trong hệ thống cơ quan tư pháp, đó là quyền công tố Nhà nước. Thực tiễn

hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự cũng có những đòi hỏi riêng, xuất phát từ vị trí, trách nhiệm, yêu cầu của xét xử phúc thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 72 - 75)