Tiêu chí đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 30 - 34)

Thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nói chung là tập trung tất cả các hoạt động về hình sự nhân danh nhà nước đều thực hiện một nhiệm vụ chung nhất là thông qua các hoạt động cụ thể của mình theo luật định, đảm bảo cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội một cách chính xác đúng pháp luật – Mục đích là mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh; không bỏ lọt tội phạm đồng thời không làm oan người vô tội. Đảm bảo pháp chế trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử hình sự. Để đạt được mục đích này, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan được nhà nước giao cho trách nhiệm thực hành quyền công tố, phải đảm bảo việc thu thập đầy đủ, đúng đắn các tài liệu, chứng cứ để xác định theo pháp luật hình sự, truy tố bị can ra trước Toà án và bảo vệ sự buộc tội trước toà.

Chính vì vậy, sau khi Viện kiểm sát truy tố, Toà án đã đưa bị cáo ra xét xử và ra bản án quyết định về các mặt: xác định tội phạm: có hay không có đủ các căn cứ kết tội bị cáo và áp dụng pháp luật hình sự tuyên hình phạt đối với bị cáo hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội theo truy tố của Viện kiểm sát nhân dân. Bất luận trường hợp Toà án sơ thẩm quyết định trong bản án hình sự sơ thẩm như thế nào đối với bị cáo, với người bị hại hay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án… thì họ, luật sư của họ hay người đại diện hợp pháp của họ cũng như Viện kiểm sát có quyền kháng cáo, kháng nghị tất cả các quyết định của bản án sơ thẩm. Khi có kháng cáo kháng nghị thì hậu quả pháp lý là Toà án cấp trên phải đưa ra xét xử lại vụ án theo nội dung của các kháng cáo, kháng nghị. Trong thủ tục phúc thẩm, trách nhiệm chung của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân là tiến hành các hoạt động theo luật định nhằm đảm bảo trước hết là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng pháp luật đồng thời xem xét các tình tiết của vụ án để đề xuất việc áp dụng pháp luật ở cấp phúc thẩm đảm bảo đúng quy định của pháp luật hình sự bao gồm việc quyết định về tội phạm và hình phạt cũng như chính sách hình sự – phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ.

Tiêu chí đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự phải căn cứ vào mức độ hoàn thành các nhiệm vụ và với mục tiêu của công tác giải quyết một vụ án hình sự. Như thế có thể xác định các tiêu chí đánh giá sau đây:

Một là: Xem xét việc kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát. Theo đó, trước hết là xem xét kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) còn gọi là xem xét kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, đối chiếu nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Nếu thấy kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật thì phải chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ. Xây dựng lập luận quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm cho kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới được chấp nhận tại phiên toà phúc thẩm của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao.

Tiếp theo là Kiểm sát viên phải kiểm tra đầy đủ đối với các bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp dưới xét xử sơ thẩm, phối hợp với các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và các thông tin khác: báo chí, dư luận nhân dân v.v… Trên cơ sở đó phát hiện những bản án, quyết định của Toà án cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm có vi phạm pháp luật về hình sự, từ đó tham mưu với lãnh đạo đơn vị thực hiện việc kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh (gọi là kháng nghị trên một cấp).

Hai là: Xem xét kháng cáo của bị cáo; bị hại; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án… Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, trước hết theo nội dung kháng cáo; đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với pháp luật và quyết định của án sơ thẩm… từ đó xây dựng quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý vụ án theo kháng cáo của các đương sự: chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo, chấp nhận một phần hay toàn bộ v.v… lý do của việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo trên cơ sở pháp lý và chính sách về pháp luật của Nhà nước.

Ba là: Chuẩn bị các nội dung để tham gia phiên toà phúc thẩm cũng như tiến hành việc thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm. Đây là hoạt động rất quan trọng của Kiểm sát viên. Mọi việc trước đó như xem xét kháng cáo, kháng nghị hoặc tự mình kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới đã xét xử sơ thẩm mới là bước mở đầu. Tiến hành xét xử tại phiên toà phúc thẩm hình sự mới là khâu quyết định đến hiệu quả việc thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Để đạt được chất lượng và hiệu quả của việc thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm. Trước hết Kiểm sát viên phải có bước chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ và có căn cứ pháp luật để bảo vệ, trước hết là các quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự của Viện kiểm sát cấp dưới cũng như kháng nghị của Viện kiểm sát đối với vụ án và quan điểm xử lý với các kháng cáo của bị cáo, người tham gia tố tụng khác theo luật.

Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phải chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận công khai, dân chủ với những ý kiến của bị cáo, người bào chữa v.v… về kháng cáo, kháng nghị; chủ động lập luận, đưa ra quan điểm giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với vụ án. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chân lý, đảm bảo sự thật của vụ án được xác định chính xác tại toà. Trên cơ sở đó đảm bảo một cách chắc chắn việc truy tố của Viện kiểm sát nhân dân đối với bị cáo là đúng đắn. Đồng thời thông qua phiên toà phúc thẩm cũng làm rõ và nếu có căn cứ người đó không phạm tội thì đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội - đình chỉ vụ án. Hiện nay toàn bộ hoạt động tư pháp của chúng ta đang rất nỗ lực để không xảy ra trường hợp truy tố sau đó Toà án tuyên bị cáo không phạm tội; nơi nào để xảy ra việc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội thì bị coi là yếu kém, thiếu trách nhiệm v.v.. phải kiểm điểm, xử lý cán bộ, đơn vị, phải bồi thường v.v… Tuy nhiên vấn đề này cần có nhận thức lại cho đúng và phù hợp với tiêu chí xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phải coi việc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội càng nhiều thì chứng tỏ hoạt động tư pháp càng khách quan, minh bạch và đáng khen ngợi. Đây cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới thoả đáng.

Bốn là: Bảo vệ lời luận tội của công tố viên (Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố) trong giai đoạn tranh tụng tại phiên toà xét xử phúc thẩm hình sự.

Với tư cách là người buộc tội, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà xét xử có trách nhiệm tranh tụng với người bị cáo, người bào chữa, luật sư của bị cáo và người bị hại. Như vậy, Kiểm sát viên phải bảo vệ được các quan điểm, nêu ra được các lý lẽ, căn cứ buộc tội; bác bỏ các lý lẽ gỡ tội không có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên Kiểm sát

viên phải có đủ nhận thức về lời bào chữa của luật sư, khi ý kiến của họ là phù hợp với pháp luật. Vì vậy phải chấp nhận những ý kiến đó để điều chỉnh lời buộc tội của mình, nhất là tội danh, những tình tiết giảm nhẹ và nhân thân người phạm tội; và không phải vì thế mà giảm chất lượng xét xử một vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự doc (Trang 30 - 34)