Mặc dù có nhiều cố gắng song công tác thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm còn bộc lộ nhiều tồn tại thiếu sót trên các mặt: Tổ chức quản lý, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện việc kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm cấp tỉnh còn hạn chế… như phần khái quát chất lượng thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu. Những tồn tại đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tổng quát lại có thể thấy là do những nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất: Không ít kiểm sát viên chưa nhận thức được đầy đủ, đúng đắn vị trí, vai trò, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự nói chung và trong thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự ở cấp Tòa án tối cao nói riêng. Theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cải cách tư pháp thì phiên tòa phúc thẩm hình sự nói chung phải tiến hành theo xu hướng là phiên tòa tranh tụng, lấy
kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm cơ sở cho phán quyết của Tòa án, theo đó phân tranh luận của kiểm sát viên là phần quan trọng nhất để kiểm sát viên bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân. Phiên tòa không đảm bảo tranh luận một cách khách quan, đầy đủ, dân chủ là phiên tòa không đạt yêu cầu.
Thứ hai: Hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự còn có những kiểm sát viên chưa thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Thực tiễn hoạt động cho thấy nhiều vụ án phúc thẩm bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm ra Hội đồng thẩm phán và bị cấp giám đốc hủy án để điều tra hoặc xét xử lại, những vụ án này không phải là những vụ án quá khó khăn về đánh giá chứng cứ, về áp dụng pháp luật hoặc thực hiện chính sách hình sự; mà do kiểm sát viên đã không thực hiện đầy đủ các quy định tại quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét sử các vụ án hình sự. ý thức trách nhiệm chưa cao; một số kiểm sát viên thiếu chủ động, sáng tạo, thiếu quyết tâm bảo vệ chân lý, sự thật vụ án. Hạn chế trong nghiên cứu nắm chắc vụ án, thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Do nghiên cứu hồ sơ không kỹ nên không nắm được đầy đủ các tình tiết, các chứng cứ vụ án; không phát hiện được thiếu sót của cấp sơ thẩm trong áp dụng pháp luật cũng như đánh giá chứng cứ. Không thấy được những mâu thuẫn của chứng cứ buộc tội, gỡ tội để có đề xuất Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chính xác đúng pháp luật. Không ít trường hợp kiểm sát viên chỉ chú trọng về xác định chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (thực hành quyền công tố) mà không kết hợp với chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án. Dẫn đến một số trường hợp vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cấp giám đốc thẩm phải hủy để xét xử lại, gây khó khăn, hạn chế hiệu quả, chất lượng thực hành quyền công tố.
Thứ ba: Qua hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự cho thấy trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn hạn chế nhất định. Một số kiểm sát viên chưa thường xuyên cập nhật chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Nhất là các chính sách
liên quan đến quản lý kinh tế, xã hội (định tính, định lượng để xác định giới hạn chịu trách nhiệm hình sự). Do đó, áp dụng pháp luật còn lúng túng hoặc đề xuất quan điểm xử lý vụ án không chính xác. Đánh giá chứng cứ còn phiến diện, dẫn đến không làm rõ được bản chất của vụ án liên quan đến xét kháng cáo, kháng nghị. Năng lực phân tích, tổng hợp các chứng cứ buộc tội, gỡ tội có trong hồ sơ còn yếu; còn có kiểm sát viên còn biểu hiện thiếu tự học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ, pháp luật… hoạt động nặng về thói quen, kinh nghiệm hoặc thiếu bản lĩnh trong đấu tranh, nhất là các vụ án có nhiều phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.
Thứ tư: Việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (bộ phận trực tiếp đối với các kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố đối với án phúc thẩm hình sự) còn có những bất cập nhất định. Qua kết quả thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ở giai đoạn phúc thẩm các vụ án hình sự những năm qua cho thấy chất lượng hiệu quả của các hoạt động này chưa thật cao. Lý do là còn nhiều hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm. Trước hết việc kiểm tra chỉ đạo điều hành các kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cũng như lập hồ sơ kiểm sát theo quy định của ngành kiểm sát chưa tốt. Do đó, những thiếu sót không được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Chưa có cơ chế xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên khi vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị cấp giám đốc thẩm hủy án. Mặt khác còn có trường hợp lãnh đạo nghe báo cáo án không kỹ, không sâu, không tỷ mỷ, thiếu khách quan và thân trọng trong xem xét đánh giá chứng cứ buộc tội, gỡ tội, còn có tâm trạng thỏa mãn với báo cáo của kiểm sát viên; dẫn đến có quan điểm không chính xác khi xét kháng cáo, kháng nghị.
Thứ năm: Việc hướng dẫn, giải thích những quy định của Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự được thực hiện chậm, không đầy đủ và đồng bộ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Trong đó có các Việnớthcj hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm và kiểm sát viên Viện kiểm
sát nhân dân tối cao làm công tác thực hành quyền công tố các vụ án hình sự phúc thẩm. Điều đó dẫn đến hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. Do không có sự hướng dẫn thống nhất, nên dẫn đến xuất hiện tình trạng các hướng dẫn đơn ngành làm cho quá trình thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự gặp nhiều khó khăn.
Thứ sáu: Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử các vụ án hình sự còn yếu và thiếu. Biểu hiện rõ nét trong trang bị các phương tiện làm việc, thông tin liên lạc, ghi âm, ghi hình phục vụ cho thực hành quyền công tố tại phiên tòa; chưa đáp ứng được yêu cầu nhanh, nhạy, chính xác đúng pháp luật và kịp thời trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Chương 3
Yêu cầu, giải pháp bảo đảm chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự ở Việt
Nam hiện nay