nhân dân tối cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử các vụ án hình sự
a. Kết quả
Như các phần nêu trên đã cho thấy yêu cầu nhiệm vụ của công tác thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm đối với Kiểm sát viên là rất lớn. Từng khâu, từng việc đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là các quy định tại Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đánh giá qua tổng kết hàng năm cho thấy hoạt động thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cơ bản đảm bảo được các yêu cầu của công tác này là: Đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội và không làm oan người vô tội. Trong những năm gần đây (từ 2004 - 2008) mặc dù phải giải quyết một lượng án phúc thẩm rất lớn 27.292 vụ/37.577 bị cáo; với nhiều loại tội phạm phức tạp nhưng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hành quyền công tố đảm bảo không làm oan người vô tội. Suốt những năm qua chỉ có 2 bị cáo/37.577 bị cáo cấp phúc thẩm tối cao đã xét xử sau đó vụ án được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên bị cao không phạm tội (vụ Nguyễn Văn Cường ở Nam Định phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Toà giám đốc thẩm xử năm 2005 và vụ Nguyễn Thị Liên ở Thái Bình, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Đồng thời Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kết luận đề nghị và được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của Toà án nhân dân
tối cao tuyên 7 trường hợp bị cáo không phạm tội trên tổng số 37.577 bị cáo cấp phúc thẩm tối cao đã xét xử. Đây là một thành công rất lớn của công tác thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm. Đáng lưu ý là mặc dù Toà án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị phúc thẩm theo hướng có tội, kết quả phúc thẩm đạt được như sau: Trong các năm từ 2003 đến 2008 Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm tổng cộng là 80 vụ/112 bị cáo. Cấp phúc thẩm đã xét xử huỷ án để
giải quyết lại theo kháng nghị của Viện kiểm sát 103 bị cáo chiếm tỷ lệ 92% 2. Kết quả
nêu trên thể hiện chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với việc bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân nhất là các kháng nghị đối với các vụ án mà Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.
Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự; những năm gần đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng nhiều chuyên đề cấp bộ về nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, chuyên đề nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong xét xử phúc thẩm án hình sự. Chuyên đề rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm và xây dựng kỹ năng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm v.v… Thông qua đó tổ chức các Hội thảo, Hội nghị rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân nói chung và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm nói riêng.
Năm 2007, để nâng cao một bước về chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 03 ngày 19/6/2008 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân các cấp. Trong đó chú trọng kháng nghị phúc thẩm cùng cấp và coi trọng kháng nghị trên một cấp của các Viện kiểm sát nhân dân ; đặc biệt là tổ chức thực hành quyền công tố thật tốt đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm mà trọng tâm là khâu tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà.
Đi sâu phân tích vào các hoạt động cụ thể thấy rằng đánh giá toàn diện thì hoạt động thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại phiên toà phúc thẩm còn một số tồn tại, yếu kém chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay theo tinh thần cải cải tư pháp.
- Đối với kháng nghị phúc thẩm: Như phần trên đã phân tích, những năm qua công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân đã được chú ý song số lượng kháng nghị còn hạn chế, thể hiện qua kết quả xét xử phúc thẩm của Toà án các cấp nói chung và Toà án cấp phúc thẩm nói riêng, đã cải sửa án sơ thẩm chiếm 34% số án có kháng cáo, kháng nghị. Trong khi đó việc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ chiếm 0,5 % trên tổng số án có kháng cáo, kháng nghị.
- Thực hành quyền công tố ở giai đoạn chuẩn bị phiên toà phúc thẩm:
Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án của một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa sâu, nắm bắt chứng cứ không đầy đủ, nhất là những vụ án do Kiểm tra viên (giúp Kiểm sát viên) nghiên cứu, đề xuất thường không được Kiểm sát viên kiểm tra lại đầy đủ kỹ càng, làm hạn chế chất lượng tham mưu, đề xuất xử lý kháng cáo, kháng nghị đối với vụ án. Việc chuẩn bị đề cương xét hỏi tại phiên toà chưa được thật sự chú ý và chuẩn bị đầy đủ trước khi tham gia phiên toà phúc thẩm. Do đó, hàng năm tỷ lệ số vụ án việc đề xuất của Kiểm sát viên tại phiên toà khác với quan điểm xử lý của Hội đồng xét xử trung bình tới 20%. Sự khác biệt về quan điểm xử lý vụ án ở phiên toà phúc thẩm thông thường thì quan điểm của Hội đồng xét xử là đúng vì Kiểm sát viên không đề xuất được việc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (chỉ đề xuất được khoảng 20 vụ án/năm so với số lượng Toà án bác kháng nghị của Viện kiểm sát . Toà án bác kháng nghị trong 5 năm là 880 vụ/1.435 vụ, kiểm sát chỉ đề xuất giám đốc thẩm được 119 vụ = 13%).
Việc chuẩn bị đề cương tranh luận tại phiên toà phúc thẩm, tuy đã được các Kiểm sát viên tích cực thực hiện để phục vụ các yêu cầu về xét xử đối với vụ án cũng như yêu cầu cải cách tư pháp… Song chỉ đối với những vụ án có Luật sư tham gia thì được chú ý hơn, các vụ án không có Luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự thì việc chuẩn bị đề cương tranh luận với bị cáo, đương sự còn xem nhẹ.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phúc thẩm chuẩn bị cho phiên toà, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới chú ý phần thủ tục tố tụng, nội dung vụ án. Phần triệu tập bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác ra phiên toà phúc thẩm thông thường do Thẩm phán chủ toạ phiên toà phúc thẩm quyết định. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hầu như không đề nghị, yêu cầu triệu tập cụ thể những người tham gia tố tụng khác ra phiên toà để làm rõ và bảo vệ quan điểm truy tố cũng như kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát .
- Tồn tại trong hoạt động thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm:
Kiểm sát viên là chủ thể của mọi hoạt động thực hành quyền công tố tại phiên toà hình sự nói chung và tại phiên toà phúc thẩm hình sự nói riêng. Tuy đã có nhiều cố gắng thực hiện theo tinh thần và yêu cầu về cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên toà, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đảm bảo chức năng theo Luật định, song vẫn còn nhiều khiếm khuyết, yếu kém thẻ hiện trên một số mặt sau:
Thứ nhất, chưa chủ động xét hỏi tại phiên toà để bảo vệ quan điểm mà Kiểm sát viên trình bày tại phiên toà đối với kháng cáo, kháng nghị. Xét hỏi còn trùng lặp, không cần thiết về những vấn đề không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, điểm yếu nhất trong giai đoạn này là kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên và xử lý các tình huống phát sinh tại phiên toà. Theo quy định về trình tự xét hỏi thì Kiểm sát viên hỏi sau khi các thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hỏi. Do đó, để hỏi Kiểm sát viên phải nắm bắt, theo dõi chặt chẽ cụ thể quá trình xét hỏi để chuẩn bị cho mình hỏi ai, hỏi vấn đề nào, hỏi như thế nào? cho mỗi loại kháng cáo, kháng nghị, cho phù hợp từng đối tượng. Đây là vấn đề còn rất mới với Kiểm sát viên vì về lý luận chưa có trường lớp nào có giáo trình giảng dạy về kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên toà. Ngành Kiểm sát đến nay cũng chưa có tài liệu nào quy định, hướng dẫn cho Kiểm sát viên tham gia phiên toà, thực hành quyền công tố trong xét hỏi tại phiên toà phải làm những gì? làm như thế nào. Năm 2008, tiến sỹ Dương Thanh Biểu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có viết cuốn "Tranh luận tại phiên toà phúc thẩm" song cũng mới là "bước đầu đề cập đến một số khía cạnh pháp lý về tính chất của xét xử phúc thẩm… những kinh nghiệm thực tiễn gắn với các ví dụ để chuyển tải một phần về kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực
hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm" [1, tr.5]. Đối với các tình tiết phát sinh tại phiên toà phúc thẩm, khác với dự kiến hoặc với đường lối chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân: như tình tiết mới hoặc gặp vấn đề phức tạp thì Kiểm sát viên thường lúng túng, không đưa ra được ý kiến phù hợp hoặc có trường hợp buông xuôi "Tuỳ Hội đồng xét xử". Mặt khác, theo quy định của Pháp luật tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự phiên toà phúc thẩm là đại diện cho Viện kiểm sát. Do đó, tại phiên toà phúc thẩm nếu có những tình tiết làm thay đổi, quan điểm trong kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có quyền tự ý rút hay thay đổi kháng nghị mà buộc phải xin hoãn phiên toà và báo cáo lãnh đạo để xem xét quyết định.
Do còn hạn chế về năng lực trong khi xét hỏi, mặt khác có vụ án nắm không chắc chứng cứ trong hồ sơ vụ án, không theo dõi sát các diễn biến tại phiên tòa nên kiểm sát viên thường thiếu tự tin và độc lập về quan điểm giải quyết kháng cáo, kháng nghị; thường có xu hướng ngả theo quan điểm của hội đồng xét xử. Đồng thời một số kiểm sát viên còn có tâm lý ngại va chạm thiếu kiên quyết và trình bày thẳng thắn các quan điểm trong tranh luận với luật sư, người bào chữa; né tránh những vấn đề mà luật sư, người bào chữa nêu lên để tranh luận nhất là những tố cáo kiến nghị, dẫn chứng về việc điều tra, xét xử ở cấp sơ thẩm không khách quan, toàn diện vi phạm quy định của pháp luật về cấm các hành vi bức cung, dụ cung, mớm cung, nhục hình…
Tóm lại điểm yếu nhất của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay trong các phiên tòa phúc thẩm hình sự là kỹ năng xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, những đặc trưng của từng tội phạm cụ thể… thể hiện ở cách thức phương pháp xét hỏi. Hỏi người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án giống như hỏi bị cáo, bị hại… hỏi cả những vấn đề Hội đồng xét xử đã xét hỏi làm rõ… Đáng chú ý là việc tranh luận với luật sư… kiểm sát viên hay bị lôi kéo vào các vấn đề mà luật sư đưa ra tranh luận mặc dù những vấn đề đó không là trọng tâm, không là những vấn đề để liên quan đến việc xét kháng cáo, kháng nghị; dễ lúng túng làm giảm chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa.
- Tồn tại trong việc thực hành quyền công tố sau phiên tòa phúc thẩm.
Sau phiên tòa phúc thẩm, khi nhận được bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, kiểm sát viên thường ít kiểm tra lại bản án. Trừ những trường hợp quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm tại phiên tòa có sai lầm trong áp dụng pháp luật hoặc vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự thì kiểm sát viên mới nghiên cứu, kiểm tra bản án để có căn cứ đề xuất cấp giám đốc thẩm xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên số lượng đề nghị lên cấp giám đốc thẩm của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong những năm qua còn rất khiêm tốn (từ năm 2003 đến năm 2008 các Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm - Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đề nghị 119 vụ án lên cấp giám đốc thẩm xem xét).