Khái niệm chất lượng dùng để đánh giá định tính và định lượng của việc thực hiện một công việc nào đó. Như Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như ý chủ biên coi chất lượng "1. là cái làm nên phẩm chất, giá trị của con người, sự vật. 2. Cái tạo nên bản chất của sự vật, làm cho sự vật này khác với sự vật khác, phân biệt với số lượng: tăng trưởng số lượng đến mức nào thì làm thay đổi chất lượng" [43, tr.331]. Chất lượng khác với số lượng song mối quan hệ lượng chất, số lượng ở mức độ nhất định có thể biến thành chất. Công vụ mà kiểm sát viên thực hiện là thực hiện quyền công tố, chất lượng thực hiện quyền công tố phải tính đến không chỉ trong một vụ án mà cả các vụ án mà công tố viên thực hiện.
Chất lượng theo nghĩa rộng như Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa, chất lượng là:
Phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật. Chất lượng biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Nó là cái liên kết các thuộc tính của sự vật lại làm một gắn bó với sự vật như một tổng thể bao quát toàn bộ sự vật và không tách khỏi sự vật, sự vật trong khi vẫn còn là bản thân nó thì không thể mất chất lượng của nó. Sự thay đổi chất lượng kéo theo sự thay đổi của sự vật về căn bản. Chất lượng của sự vật bao giờ cũng gắn liền với tính quy định về số lượng của nó và không thể tồn tại ngoài tính quy định ấy. Mỗi sự vật bao giờ cũng là sự thống nhất của chất lượng và số lượng [27, tr.419].
Với định nghĩa trên bằng phương pháp ngoại suy có thể thấy chất lượng thực hiện quyền công tố luôn luôn có sự gắn kết của năng lực con người của kiểm sát viên với số lượng bị cáo mà công tố viên luận tội; công việc ấy, con người ấy thực hiện trong thời gian bao lâu, kết quả, hiệu quả như thế nào. Chất lượng còn phải tính đến hiệu quả công việc ở mức độ đạt được so với chỉ tiêu đặt ra với chi phí thời gian, tiền của, sức lực bỏ thấp nhất. "Thuộc tính" để nói lên chất lượng ở đây là hiệu quả có tính định tính, như việc đánh giá kết quả điều tra. Sự đánh giá toàn diện, đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm; chủ thể tội phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không; hành vi tội phạm phải là hành vi trái với pháp luật hình sự không; và đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tội phạm và hậu quả; mức độ lỗi của chủ thể tội phạm và khách thể của tội phạm.
Sự đánh giá trên của Kiểm sát viên là hoạt động áp dụng pháp luật và phải được kiểm chứng qua năng lực tranh tụng tại toà và sự phán xét cuối cùng của Hội đồng xét xử. Chất lượng thực hành quyền công tố không chỉ được đánh giá qua một vụ án mà còn phải được đánh giá cả quá trình công tác của họ, qua nhiều vụ án mà Kiểm sát viên được giao thực hiện quyền công tố. Mục tiêu chung để so sánh đối chiếu nhằm xác định chất lượng thực hành quyền công tố là: Hoạt động áp dụng pháp luật của kiểm sát viên nhằm thực hành quyền công tố. Mục tiêu cụ thể thể hiện trong bản cáo trạng đối với các bị cáo là: luận tội đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không để oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm. Tội danh và mức hình phạt phải phù hợp với quy định của luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Với những trình bày trên có thể nêu khái niệm chất lượng thực hành quyền công tố trong xét xử các vụ án hình sự nói chung và chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự nói riêng như sau:
Chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên trong xét xử các vụ án hình sự là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá mức độ áp dụng đúng đắn pháp luật tố tụng hình sự và luật hình sự trong đánh giá kết quả điều tra, luận tội, bảo vệ ý kiến của mình trong tranh tụng tại phiên toà xét xử theo pháp luật. Tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.