Viện kiểm sát nhân dân tối cao
a. Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm:
Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988) đều quy định thống nhất tại phiên toà phúc thẩm, phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên toà. Với quy định này khẳng định khi tiến hành xét xử phúc thẩm các vụ án, quyết định của Toà
án cấp phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát là bắt buộc, không có ngoại lệ. Song điều lưu ý phải là Kiểm sát viên cùng cấp. Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp đó là Kiểm sát viên cấp huyện, Kiểm sát viên cấp tỉnh và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Với quy định này nếu vụ án được xét xử phúc thẩm ở cấp tỉnh thì chỉ có Kiểm sát viên cấp tỉnh được tham gia, vụ án xét xử phúc thẩm ở Toà án tối cao thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tham gia. Tuy nhiên cũng hiểu rằng không thể Kiểm sát viên cấp tỉnh thuộc tỉnh A có quyền tham gia phiên toà phúc thẩm ở tỉnh B. Trừ trường hợp Kiểm sát viên ở tỉnh A (Kiểm sát viên Nguyễn Văn C) được điều động sang công tác tại tỉnh B.
Về số lượng Kiểm sát viên tham gia các phiên toà phúc thẩm. Để phù hợp và đảm bảo việc thực hành quyền công tố ở tất cả các vụ án xét xử phúc thẩm đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ. Điều 5 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành theo Quyết định đố 960 ngày 17/9/2007 quy định: Đối với các vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì 02 Kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên toà. Trong trường hợp cần thiết thì có thể có Kiểm sát viên dự khuyết.
b. Bổ sung, xem xét chứng cứ tại Toà án cấp phúc thẩm:
Khoản 1, Điều 246 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên toà, Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Toà án bổ sung chứng cứ mới…".
Điều 38 Quy chế số 960/2007/QĐ-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh quyết định việc xác minh theo thủ tục phúc thẩm của cấp mình.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm quyết định việc xác minh theo thủ tục phúc thẩm của cấp mình.
Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới điều tra xác minh bổ sung những chứng cứ mới như: Hỏi cung bị cáo, lấy lời khai của người có liên quan, tổ chức đối chất, xem xét lại hiện trường để làm rõ các tình tiết của vụ án trong thời
hạn xét xử phúc thẩm, việc xác minh phải được Kiểm sát viên ghi biên bản, trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm, chụp ảnh, ghi hình để lưu hồ sơ vụ án.
Trên thực tế cho thấy việc xác minh bổ sung chứng cứ ở cấp phúc thẩm là một trong những nội dung cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm cho việc xét xử vụ án có căn cứ và đúng pháp luật. Những vấn đề cần xác minh bổ sung trước hết phải trên cơ sở nghiên cứu tổng thể hồ sơ vụ án và đánh giá hệ thống các chứng cứ liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Thông thường việc xác minh bổ sung thường sử dụng đối với những vụ án có vấn đề phức tạp, có khiếu nại hoặc dấu hiệu oan sai hoặc cần xác minh bổ sung một số vấn đề về nhân thân của bị cáo, bị hại, những vấn đề cần giám định bổ sung.
Về phạm vi xác minh của cấp phúc thẩm: Khoản 1, Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại khi thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Như vậy, việc xác minh ở cấp phúc thẩm của Viện kiểm sát chỉ tiến hành trong các trường hợp có thể điều tra bổ sung được mà không cần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đây là những trường hợp tự Kiểm sát viên tiến hành hoạt động điều tra, xác minh bổ sung (hoặc uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới). Ví dụ như thu thập các tài liệu liên quan đến lý lịch tư pháp, nhân thân bị cáo, bị hại; các tài liệu liên quan đến việc khen thưởng, kỷ luật hoặc lấy lời khai của bị cáo, nhân chứng, người bị hại… mà còn mâu thuẫn với nhau… các tình tiết có ý nghĩa đến đánh giá chứng cứ buộc tội, gỡ tội, xác định tội danh, xác định hình phạt… thì phải yêu cầu cấp sơ thẩm đến trả lại. Tóm lại, Kiểm sát viên chỉ điều tra xác minh bổ sung ở cấp phúc thẩm trong các trường hợp có đủ điều kiện thực hiện.
c. Thực hành quyền công tố trong phần thủ tục tại phiên toà phúc thẩm:
Về phần thủ tục tại phiên toà phúc thẩm, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; nắm chắc danh sách những người được triệu tập ra phiên toà, chú ý xem xét còn thiếu ai không có mặt, việc vắng mặt của người đó có ảnh hưởng tới việc xét xử hay không. Tức là có ảnh hưởng tới việc xem xét, đối chứng tại phiên toà nhằm làm sáng tỏ sự thật của vụ án đối với những nội dung kháng cáo, kháng nghị mà Kiểm sát viên cần kết luận. Ví dụ vụ án Lã Thị Kim Oanh phạm tội Tham ô tài sản. Khi xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Công Tạn (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ);
ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vắng mặt. Đây là 2 nhân chứng rất quan trọng trong kết luận tội trạng của Lã Thị Kim Oanh. bị cáo Oanh trong kháng cáo có yêu cầu, đề nghị được đối chứng trước Toà, dư luận xã hội rất quan tâm đến tình tiết này. Do Kiểm sát viên đã chủ động nắm bắt trước tình huống này nên tại phiên toà Kiểm sát viên đã thông báo ông Lê Huy Ngọ do đang bận công tác nên không dự phiên toà dài ngày mà ông sẽ có mặt tại Toà khi Toà cần đến. Đề nghị này của ông Lê Huy Ngọ là hợp lý, không vi phạm tố tụng và vẫn đạt được việc làm rõ sự thật của vụ án. Kiểm sát viên đề nghị phiên toà tiếp tục xét xử vắng mặt tạm thời của ông. Về sự vắng mặt của ông Nguyễn Công Tạn do lý do sức khoẻ có y chứng của Bác sỹ, sự vắng mặt của ông Tạn là chắc chắn. Song Kiểm sát viên đã có bước chuẩn bị là ngoài lời khai của ông trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã lấy lời khai, tiến hành đối chất bổ sung của ông với bị cáo trước khi xét xử phúc thẩm. Các lời khai đều được ghi âm ghi hình tại phiên toà phúc thẩm có thể sẽ công bố công khai khi cần thiết. Do vậy, Hội đồng xét xử cũng như người bào chữa cho bị can và các đương sự đều nhất trí.
d. Thực hành quyền công tố trong tham gia xét hỏi:
Xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử; việc xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm là nhằm đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện của vụ án mà kháng cáo, kháng nghị đã đề cập. qua đó Kiểm sát viên cùng Hội đồng xét xử đánh giá các tình tiết của vụ án một cách thận trọng, góp phần để bản án phúc thẩm quyết định được chính xác. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên chính là cơ sở để bổ sung cho kết luận và đưa ra các quan điểm xem xét kháng cáo, kháng nghị.
Như vậy việc xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Xét hỏi tốt sẽ là cơ sở để kết luận của Kiểm sát viên tại phiên toà có tính thuyết phục cao. Ngược lại nếu không chuẩn bị, chủ động xét hỏi, xét hỏi không có trọng tâm, trọng điểm… thì kết luận của Kiểm sát viên sẽ thiếu tính thuyết phục.
Trình tự xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm: Căn cứ khoản 2, Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự thì trình tự xét hỏi là chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến Thẩm phán sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích của đương sự. Quá trình sửa
đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, có ý kiến cho rằng việc xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm phải do Kiểm sát viên hỏi là chính. Có vậy, mới nâng cao được trách nhiệm thực hành quyền công tố, trách nhiệm tranh tụng tại phiên toà của Kiểm sát viên. ý kiến này đang được xem xét trong sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay.
Bộ luật tố tụng hình sự không quy định và trong thực tiễn cũng rất đa dạng, phong phú về trình tự xét hỏi của từng vụ án. Theo đó, mỗi vụ án có thể có cách hỏi khác nhau. Đây là sự cần thiết để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xét hỏi của Hội đồng xét xử cũng như Kiểm sát viên. Vấn đề là hiệu quả, là làm rõ được sự thật các tình tiết của vụ án có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Vấn đề chú ý của Kiểm sát viên khi tham gia xét hỏi là mặc dù đã có đề cương xét hỏi nhưng phải tập trung cao độ nghe việc xét hỏi của Hội đồng xét xử để giải quyết các vấn đề: Bổ sung những vấn đề mà đề cương chưa có, hoặc bỏ các câu hỏi mà đề cương đã chuẩn bị nhưng nếu hỏi sẽ bị thừa vì Hội đồng xét xử đã làm rõ. Do đó, không cứng nhắc vào đề cương đã chuẩn bị.
Nội dung xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm: Do tính chất của phúc thẩm là việc Toà án cấp phúc thẩm xem xét kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án sơ thẩm thông qua việc xét xử lại vụ án khi có kháng cáo, kháng nghị. Nên nội dung xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm tập trung vào yêu cầu kháng cáo, kháng nghị. Đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm cần có kỹ năng xử lý tình huống trong xét hỏi các vụ án cụ thể, cách hỏi đối với các vụ án cũng có thể khác nhau như: Xét hỏi trực tiếp, xét hỏi gián tiếp, hỏi vòng quanh… tuỳ từng vụ án mà có phương pháp hỏi cho phù hợp.
Để nâng cao được chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, đòi hỏi các Kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời cập nhật thường xuyên các thông tin có liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nhất là tình hình hiện nay, nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, được chuyển đổi từ kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhiều chính sách pháp luật về kinh tế, xã hội thay đổi; tội phạm cũng phát triển thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế. Nhiều loại tội phạm đã sử dụng thủ đoạn, cách thức
phạm tội mới như sử dụng công nghệ cao, tội phạm lợi dụng chính sách mới về kinh tế như cổ phần hoá, liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước v.v… Kiểm sát viên nếu không tìm hiểu nắm vững từng lĩnh vực liên quan đến vụ án cụ thể thì không thể thực hành quyền công tố đạt hiệu quả cao. Nhất là các loại án kinh tế, án có liên quan đến sử dụng công nghệ cao v.v…
đ. Thực hành quyền công tố trong tranh luận tại phiên toà phúc thẩm:
Cải cách tư pháp là yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: "Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác".
Tuy không xác định tranh tụng là một nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự nhưng nhiều Điều luật quy định về quyền bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc đưa ra các chứng cứ của vụ án. Hội đồng xét xử không phải là một bên trong tranh tụng nhưng có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ tranh tụng (Điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự).
Tranh luận tại phiên toà phúc thẩm là nhiệm vụ quan trọng của Kiểm sát viên đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm. Đây là giai đoạn tập trung nhất về ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên và những người tham gia phiên toà. Tranh luận thể hiện tính công khai, dân chủ, công bằng của quá trình cải cách tư pháp hiện nay. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp trong thời gian tới là "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" [4].
Tranh luận tại phiên toà phúc thẩm của Kiểm sát viên trước hết thể hiện trên bài phát biểu của Kiểm sát viên về vụ án, xoay quanh những nội dung của kháng cáo, kháng nghị và có thể ở những phần khác xét thấy cần thiết. Tranh luận là giai đoạn thể hiện sâu sắc nhất vị trí, vai trò của Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố tại phúc thẩm phúc thẩm. Vì vậy, Kiểm sát viên không được lảng tránh bất cứ lập luận nào của Luật sư. Mọi vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án do Luật sư đưa ra, Kiểm sát viên đều
phải đối đáp đầy đủ, thể hiện rõ quan điểm, thái độ của Viện kiểm sát về giải quyết vụ án. Thể hiện rõ vị trí là nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố tại phiên toà. Đây vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ của Kiểm sát viên. Vấn đề là để làm tốt công tác này Kiểm sát viên phải nắm vững các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, những tài liệu, chứng cứ mới bổ sung, những chứng cứ được đánh giá công khai tại phiên toà. Đồng thời am hiểu các chính sách kinh tế, xã hội có liên quan đến vụ án. Đòi hỏi với Kiểm sát viên là khi tranh luận phải nghiêm túc, sử dụng đúng các thuật ngữ pháp lý. Đối đáp cần tập trung vào vấn đề chính liên quan trực tiếp đến kháng cáo, kháng nghị. Chú ý là cần giữ vững vai trò của Viện kiểm sát trong đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong xét xử hình sự, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, đấu tranh kiên quyết với tội phạm, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Những năm qua, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm bắt kịp thời chủ trương cải cách tư pháp, yêu cầu của thực hành quyền công tố tại phiên toà trong phần tranh luận. Do đó đã đạt được các kết quả khả quan. Là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngoài việc trau dồi kiến thức, gương mẫu đi đầu trong thực hiện tích cực việc tranh luận tại phiên toà, xây dựng một hình ảnh mới của người công tố viên thuộc Viện kiểm