Để có được những kết quả, thành tích trong công tác thực hành quyền công tố đối với các vụ án xét xử theo tố tụng phúc thẩm là do các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (cấp tỉnh) đã có nhận thức khá đầy đủ vai trò vị trí của công tác thực hành quyền công tố ở giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ. Từ đó
đã có kế hoạch bố trí, sắp xếp cán bộ, sử dụng cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chú trọng chăm lo và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Đối với lực lượng kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm công tác thực hành quyền công tố ở cả 3 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) đã được kiện toàn một bước. Nhất là sau khi thực hiện Điều 170 BLTTHS về tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, số án kháng cáo, kháng nghị ở cấp phúc thẩm tối cao giảm đáng kể; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã sắp xếp, bố trí lại số kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng nâng cao chất lượng, bố trí kiểm sát viên phù hợp với năng lực, trình độ. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hành quyền công tố các phiên tòa phúc thẩm hình sự thường là các kiểm sát viên có bề dày kinh nghiệm công tác, nhất là công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Có quan điểm chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật. Trong điều hành (phân công kiểm sát viên tham dự phiên tòa) đã chú trọng phân bổ án phúc thẩm theo loại án và bố trí kiểm sát viên phù hợp với từng loại án, từng vụ án cụ thể; đảm bảo tính chuyên sâu trong thực hành quyền công tố. Hàng năm chú trọng đúc rút kinh nghiệm nghiệp vụ, sơ kết theo các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên. Kịp thời phát hiện những vướng mắc trong nhận thức pháp luật cũng như trong việc tiến hành hoạt động thực hành quyền công tố góp phần đảm bảo công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ chuyên sâu đến từng loại án cụ thể.
Thứ hai: Để hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại phiên tòa phúc thẩm đạt chất lượng, hiệu quả cao: một vấn đề rất quan trọng là phải đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý cho hoạt động này. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm không những phải nắm vững pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và các ngành luật khác có liên quan mà còn phải nắm vững các quy định hướng dẫn về nghiệp vụ của ngành. Nhất là các hướng dẫn về công tác kháng nghị phúc thẩm, các kỹ năng của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm. Việc hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm được Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, đã tổng kết và xây dựng thành quy chế thực hành quyền
công tố và kiểm sát xét xử hình sự; trong đó quy định khá đầy đủ những hoạt động nghiệp vụ cần thiết mà kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong xét xử hình sự phúc thẩm các vụ án hình sự phải tiến hành; về mối quan hệ giữa Viện trưởng với các kiểm sát viên, giữa các khâu nghiệp vụ với nhau v.v… Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh về thực hành quyền công tố các vụ án hình sự, các chuyên đề nghiệp vụ về thực hành quyền công tố các vụ án hình sự xét xử theo thủ tục phúc thẩm để quán triệt và nâng cao hiệu quả công tác: như chuyên đề rút kinh nghiệp về xét xử phúc thẩm theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; chuyên đề về nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành Chỉ thị về công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ án hình sự cho toàn ngành Kiểm sát (Chỉ thị 03 ngày 19/6/2008). Đây là những hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ ba: công tác thực hành quyền công tố trong xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự đã xây dựng được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Viện thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm với Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được chính xác trong xét xử phúc thẩm các vụ án, nhất là các vụ án có liên quan đến thủ đoạn, phương thức tội phạm mới, những tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm xâm phạm đến an ninh quốc gia. Mối quan hệ này thường xuyên được kiểm nghiệm, bổ sung hoàn thiện trên cơ sở pháp luật. Đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm đúng pháp luật. Những vướng mắc về nhận thức pháp luật được nhanh chóng kết luận trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định giữa hai bên, do vậy đảm bảo tính đúng đắn và thống nhất cao trong xét xử các vụ án hình sự.
Thứ tư: Thực hiện Nghị quyết 08, Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy (giải thể một số đơn vị làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật) để tăng cường cán bộ cho công tác thực hành
quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có công tác thực hành quyền công tố tại Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.
Trên cơ sở đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết hợp với tình hình thụ lý án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao giảm dần (do phân cấp thẩm quyền xét xử theo Điều 170 BLTTHS) Viện kiểm sát đã cơ cấu lại đội ngũ kiểm sát viên làm công tác này và hoạt động đã ngày càng ổn định vàữtngf bước đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Thứ năm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong ngành kiểm sát được tăng cường.
Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Nhà nước về cải cách tư pháp với tiêu chí lấy hoạt động xét xử của Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức cho 3 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm liên hệ với thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố trong thời gian qua để xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, phát huy hiệu quả và chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao.