Xây dựng quỹ bồi thường nhà nước

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 73 - 76)

Đồng thời với việc xây dựng dự án luật bồi thường nhà nước, chúng ta cần có đề án về xây dựng quỹ BTTH để chủ động về nguồn kinh phí cho các hoạt động bồi thường nhằm đảo bảo thống nhất đầu mối về chi phí bồi thường và hoạt động bồi hoàn, chủ động cho việc chi trả các khoản bồi thường cho công dân bị oan do hành vi trái pháp luật trong TTHS.

Cơ chế tài chính hiện nay với việc lập dự toán của các Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC dựa trên căn cứ thực tế BTTH cho người bị oan trong hoạt động TTHS gây ra năm trước, phương thức này lại lặp lại ở các địa phương với việc công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh sau khi căn cứ vào thực tế BTTH cho người bị oan trong hoạt động TTHS gây ra năm trước ở địa phương rồi báo cáo lên cấp trên. Dự toán này được duyệt căn cứ từng khoản chi bồi thường cho người bị oan. Đây là một quy định chặt chẽ đối với hoạt động quản lý ngân sách nhưng lại dẫn đến những trường hợp phức tạp khi tính chất, mức độ bồi thường, số lượng các trường hợp bồi thường năm nay không thể giống so với năm trước và không thể lấy lý do nguồn kinh phí bồi thường chỉ trong phạm vi ngân sách dự toán nên không thể bồi thường nhiều hơn hay bồi thường cho những trường hợp thụ lý trước đã hết kinh phí nên trường hợp còn lại phải đến năm tài chính sau…

Do đó, rất cần có một quỹ bồi thường nhà nước để giải ngân kịp thời và chủ động đối với việc giải quyết BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS, coi đây là một trong những phương hướng đảo bảo quyền BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Vấn đề đảm bảo quyền được BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS mới được đặt ra trong những năm gần đây, tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta đã xác

định đây là một công việc mang tính cấp bách và gắn với trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Triển khai quan điểm mang tính chỉ đạo này, các giải pháp về xây dựng pháp luật phải được đặt ra và trở thành mối quan tâm hàng đầu. Theo quan điểm của tác giả luận văn, trong các giải pháp về pháp luật, tiến tới xây dựng một đạo luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước cần được coi là một phương hướng hoàn thiện pháp luật mang tính then chốt. Tuy nhiên, trước khi có được một đạo luật như vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành, tác giả luận văn đã đưa ra các kiến nghị cụ thể để khắc phục các hạn chế của Nghị quyết số 388 và các văn bản có liên quan.

Tiếp tục mạch lôgíc của chương 2, trong chương 3, luận văn đã đề xuất để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả giải quyết bồi thường từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan và từ phía bản thân công dân. Đặc biệt, tác giả luận văn cho rằng, quyền của công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS phải được đảm bảo với các giải pháp từ gốc rễ chứ không phải từ ngọn, đó chính là các giải pháp ngăn chặn oan sai trong TTHS, với cách đặt vấn đề như vậy, những giải pháp này cũng được phân tích ở một mức độ đáng kể trong chương 3 của luận văn.

KẾT LUẬN

Bắt nguồn từ tâm lý "ngại pháp luật" và "sợ pháp luật" sâu xa trong lịch sử, người dân Việt Nam thích ứng xử theo quan hệ tình cảm và thói quen, không coi trọng vai trò của Nhà nước và pháp luật - "phép vua thua lệ làng", "một bồ cái lý không bằng một tý cái tình". Tuy nhiên, khi những điều kiện kinh tế - xã hội của một cộng đồng nông nghiệp khép kín không còn nữa, vai trò của Nhà nước và pháp luật ngày càng quan trọng, Nhà nước can thiệp sâu vào các quan hệ xã hội của người dân và quan hệ giữa người dân - công dân với Nhà nước cũng ngày càng có vị trí đáng kể trong đời sống của công dân. Trong bối cảnh đó, Nhà nước vẫn tiếp tục sử dụng những chế tài nghiêm khắc nhất - trách nhiệm hình sự - với tính cách là một trong những công cụ pháp lý để quản lý công dân và nguy cơ công dân bị oan, sai bởi các hành vi trái pháp luật của những người đại diện cho nhà nước trong lĩnh vực này cũng vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi quan trọng về bản chất của Nhà nước, về trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân. Nhà nước phải BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật của những người đại diện cho Nhà nước trong TTHS, cũng như tạo ra các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo cho công dân thực hiện quyền được BTTH.

Quyền công dân và quyền của công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS là gì, để đảm bảo quyền của công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS cần đặt ra những điều kiện (nội dung) gì? những điều kiện đó đã được thực hiện và sẽ phải thực hiện như thế nào trong bối cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam? Với hy vọng sẽ trả lời được phần nào những câu hỏi mang tính cấp thiết nhưng không dễ trả lời như vậy, gần 100 trang của luận văn đã phân tích và kiến giải các vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn liên quan đến việc đảm bảo quyền của công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS, đưa ra những giải pháp nhằm góp phần bảo vệ triệt để hơn quyền lợi chính đáng của những công dân bị oan, nhằm xây dựng một nền tố tụng dân chủ hơn, một xã hội yêu thương con người hơn - một xã hội mà theo cách nói của Nguyễn Trãi - "khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, không đâu còn tiếng nỉ non, hờn giận, oán sầu".

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)