Việc đảm bảo quyền công dân được bồi thường thiệt hại của Cơ quan công an

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 43 - 45)

công an

Trách nhiệm BTTH của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra được pháp luật hiện hành phân định theo các quyết định và hành vi tố tụng mà các cơ quan này đã thực hiện. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mà những quyết định, hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra phải có sự phê chuẩn trước hoặc sau của Viện kiểm sát, thì nếu xảy ra oan, với tư cách là người phê chuẩn, Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường. Và như vậy, Cơ quan điều tra không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này, mặc dù có rất nhiều ý kiến cho rằng Cơ quan điều tra phải liên đới chịu trách nhiệm. Ở đây, tính liên đới chịu trách nhiệm không được đặt ra vì pháp luật muốn rằng buộc trách nhiệm của chủ thể phê chuẩn đối với Viện kiểm sát. Cơ quan điều tra chỉ chịu trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp Cơ quan điều tra tự ý thực hiện các quyết định tố tụng không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát (tạm giữ) hoặc phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhưng Cơ quan điều tra vẫn thực hiện "chui", mà không chuyển đến Viện kiểm sát để phê chuẩn (gia hạn tạm giữ, khởi tố bị can, tạm giam).

Đối với trường hợp tạm giữ, thẩm quyền tạm giữ là những người theo quy định tại các Điều 79, 84 BLTTHS. Theo nội dung Điều 79, 84 BLTTHS, những người sau đây có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy máy bay, tầu biển khi máy bay tầu biển đã rời sân bay, bến cảng. Nếu những người này đã ra lệnh tạm giữ, nhưng lệnh tạm giữ bị hủy bỏ vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc người bị Cơ quan điều tra ra quyết định gia hạn tạm giữ có phê chuẩn của Viện kiểm sát nhưng hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà vẫn tiếp tục bị tạm giữ không có quyết định gia hạn tạm giữ lần hai… thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm BTTH.

Đối với trường hợp tạm giam, thẩm quyền tạm giam là những người theo quy định tại các Điều 80, 88 BLTTHS. Nếu Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp ra lệnh tạm giam không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, sau đó lệnh tạm giam bị hủy bỏ vì người bị tạm gam không có hành vi vi phạm tội thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm BTTH cho người bị tạm giam.

Trong thời gian vừa qua, ngành công an với Thông tư số 18/TT-BCA (V19) ngày 9/11/2004, Bộ Công an chủ trương cơ quan công an trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình phải phối hợp với cơ quan tổ chức có liên quan để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người bị oan như: giới thiệu việc làm, giải quyết nhanh các thủ tục giấy tờ liên quan để người bị oan sớm có việc làm cũng như hỗ trợ những điều kiện khác mà mình có thể làm được nhằm giúp cho người bị oan sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đây là một quy định mang tính nhân văn rất cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngành công an đối với các trường hợp gây thiệt hại do công dân do hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong ngành công an gây ra. Tuy nhiên, Thông tư này là một quy định có hiệu lực pháp lý thấp, lại không quy định các hoạt động cụ thể mà còn mang tính chung chung, kêu gọi, khuyến khích công an các cấp thực hiện, do vậy, ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa thực tiễn chưa đáng kể.

Tới thời điểm ngày 24/10/2005, công an các cấp đã tiếp nhận 61 đơn BTTH, qua

phân loại đã chuyển Viện kiểm sát giải quyết 21 đơn. Trong số

40 trường hợp thuộc trách nhiệm của ngành công an thì có 06 trường hợp thuộc diện bồi thường và 34 trường hợp thuộc diện không được bồi thường theo Nghị quyết số 388, trong đó có 09 trường hợp trước khi có Nghị quyết số 388 công an các cấp đã bồi thường xong, tổ chức công khai xin lỗi theo yêu cầu của 02 người bị oan [36].

Nhìn vào các con số trên đây, có thể nhận thấy số lượng các trường hợp bị oan do ngành công an gây ra trong TTHS không nhiều. Trên lý thuyết, có thể cho rằng việc đạt được những con số này trước hết do ý thức và trình độ nghiệp vụ của cán bộ ngành công an là rất cao. Mặt khác, trách nhiệm bồi thường đã được "san bớt" cho ngành kiểm sát do Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm bồi thường với những trường hợp Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, khi nói tới việc đảm bảo quyền công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật của ngành công an gây ra, việc oan của công dân được thừa nhận và giải quyết bồi thường có ý nghĩa rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Việc phát hiện và buộc ngành công an thừa nhận hành vi trái pháp luật lại mới là vấn đề rất phức tạp và khó khăn hiện nay. Ngành công an thường được ví như một "vương quốc" khép kín, độc lập mà Viện kiểm sát và các cơ quan khác khó có thể kiểm soát, đặc biệt trong những vụ án liên quan đến lợi ích của một cá nhân, tập thể nhất định

trong ngành công an. Tính khép kín, độc lập thể hiện ở chỗ Cơ quan điều tra hiện nay có thẩm quyền tiến hành cả các hoạt động điều tra tố tụng và điều tra trinh sát và nếu có một vài cá nhân, tập thể muốn bao che, thay đổi hồ sơ vụ án thì không khó thực hiện. Vụ án công dân Nguyễn Lâm Thái ở Trần Bình Trọng, Hà Nội là người làm chứng trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn phường Nguyễn Du, Hà Nội. Công dân này bị công an Hà Nội bắt, tạm giam dù không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào. Sau đó, Nguyễn Lâm Thái đã chết trong khi bị tạm giam do tự tử bằng cách "treo cổ" nhưng Công an Hà Nội không đưa ra được các chứng cứ thuyết phục chứng minh Nguyễn Lâm Thái tự tử bằng cách "treo cổ". Đến nay, sau 2 năm, sự việc dần chìm vào quên lãng. Vụ cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương bắn chết công dân Nguyễn Việt Phương trên cầu Chương Dương, Hà Nội tháng 2 năm 1993… là những ví dụ minh họa cho tính "khép kín" của ngành công an và việc buộc ngành công an thừa nhận hành vi trái pháp luật là vấn đề không hề đơn giản, nhất là khi không có sự tách biệt giữa hoạt động điều tra trinh sát và điều tra tố tụng, việc phân loại xử lý, cơ chế bắt - giữ - giam - tha còn tương đối lỏng lẻo ở một số địa phương hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 43 - 45)