VIỆC ĐẢM BẢO QUYỀN ĐƯỢC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Như đã phân tích ở phần trên, công dân và ý thức pháp luật của công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền được BTTH của chính họ và không phải mọi trường hợp thương lượng bồi thường không thành đều do lỗi của cơ quan có trách nhiệm BTTH. Quá trình giải quyết bồi thường dù chỉ có hai bên hai khi ra trước Tòa án đều đòi hỏi phải có thiện chí của hai bên.
Thực tế giải quyết các tranh chấp bồi thường hiện nay cho thấy, nhiều công dân bị oan không am hiểu pháp luật hoặc do tâm lý tự ti, mặc cảm hoặc chán nản mà không làm đơn yêu cầu bồi thường. Ở một thái cực khác, công dân có thái độ thách đố, xúc phạm cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Nhiều người có tâm lý rất gay gắt và bức xúc, khi chưa được xem xét bồi thường, đã gửi đơn đi nhiều nơi, nhiều cấp, thậm chí tới các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cao nhất. Điều này làm cho việc BTTH trong TTHS vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Nhiều yêu cầu công dân đưa ra rất khó thực hiện như buộc Chánh án Tòa án đã xét xử oan vụ án đó từ chức, có cả những yêu cầu Chánh án TANDTC phải lên truyền hình công khai xin lỗi trên tất cả các kênh truyền hình và phải từ chức [32]. Thậm chí, một số công dân bị oan đã có những tuyên bố quá khích khi trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài, bị các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, bôi nhọ vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Về số tiền yêu cầu bồi thường, công dân cũng đưa ra yêu cầu không có cơ sở, ví dụ như vụ đòi bồi thường giữa ông Hoàng Minh Tiến và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, ông Tiến đòi bồi thường 4.072.600.000 đồng chưa kể ngôi nhà 6/295 Bạch Mai, Hà Nội và số tài sản đã bị thu giữ, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chỉ chấp nhận khoản tiền BTTH về tinh thần là 27.877.815 đồng. Sau đó, do không thống nhất được về mức bồi thường, ông Tiến kiện ra Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và hạ mức bồi thường xuống 2.067.477.815 đồng rồi lại tăng lên 2.255.977.815 đồng. Cuối cùng, Tòa án đã tuyên ghi nhận thỏa thuận giữa ông Tiến và Viện kiểm sát
nhân dân thành phố Hà Nội về khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là 27.877.815 đồng, bác các khoản yêu cầu khác của ông Hoàng Minh Tiến (12 khoản) vì không có cơ sở. Ông Bùi Văn Mãnh ở Tiền Giang đưa ra yêu cầu bồi thường với số tiền là 1.236.937.000 đồng nhưng cơ quan có trách nhiệm chỉ đồng ý mức bồi thường là 153.097.629 đồng. Các vụ đòi bồi thường khác như vụ ông Nguyễn Duy Hà (phường 10, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu công an Thành phố Hồ Chí Minh bồi thường do ông bị bắt giam oan, các khoản gồm trên 4 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng về thu nhập thực tế bị mất… cho thấy những mức yêu cầu bồi thường công dân đưa ra mà không chứng minh được, các trường hợp này đều thương lượng không thành vì số tiền yêu cầu quá cao, ngân sách dành cho giải quyết bồi thường lại hạn chế. Thậm chí, theo kết luận của Ủy ban pháp luật của Quốc hội: "Tất cả các trường hợp thương lượng không thành đều do giữa người bị oan và cơ quan có trách nhiệm bồi thường không thống nhất mức bồi thường" [36]. Như vậy, việc nhận thức các quy định của pháp luật về bồi thường, quyền của bản thân công dân trong quá trình bồi thường cũng như thiện chí, ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của công dân cũng là một rào cản đối với việc đảm bảo quyền được BTTH của bản thân công dân trong giai đoạn hiện nay.