Việc phân định trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 48 - 51)

các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam hiện nay

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 388/NQ/2003/UBTVQH 11, với sự lãnh đạo, điều hành sát sao của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa ba ngành: Công an - Kiểm sát - Tòa án, việc giải quyết BTTH cho công dân bị oan trong TTHS đã có những sự phối hợp nhất định. Điển hình là việc Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng với các cơ quan tư pháp của thành phố ra quy chế phối hợp liên ngành từ khâu rà soát các trường hợp bị oan đến việc giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong quá trình giải quyết trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan nên đã khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ kéo dài. Vì thừa nhận trách nhiệm bồi thường cho công dân cũng chính là việc thừa nhận đã thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt

hại cho công dân, do đó, tâm lý sợ trách nhiệm, bệnh thành tích là những rào cản không nhỏ khiến các cơ quan tiến hành tố tụng không dám thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của mình, dẫn đến việc giải quyết bồi thường bị kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Điển hình là vụ giải quyết yêu cầu bồi thường giữa ông Hoàng Minh Tiến với Tòa án và Viện kiếm sát nhân dân thành phố Hà Nội và vụ ông Lương Ngọc Phi với Tòa án và Viện kiếm sát nhân dân tỉnh Thái Bình. Ông Phi bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố về hai tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" và tội "Trốn thuế". Ngày 28, 29/9/1999, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã đưa bị cáo Lương Ngọc Phi ra xét xử và tại bản án số 172/HSST, tuyên phạt mức án chung cho 2 tội là 17 năm tù giam. Sau khi kháng cáo, Tòa phúc thẩm TANDTC tuyên bố ông Phi không phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, hủy một phần bản án số 172/HSST đối với Lương Ngọc Phi về tội "Trốn thuế" để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra theo thủ tục chung. Trong quá trình điều tra lại, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã phải đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra với bị can Lương Ngọc Phi và trả tự do cho công dân Phi vì không phạm tội.

Việc đùn đẩy trách nhiệm bắt đầu khi ngày 22/7/2004, ông Phi gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình với tổng số tiền là 18,55 tỷ đồng. Ngày 23/11/2004, ba ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án của tỉnh Thái Bình đã có cuộc họp và có báo cáo số 1478 gửi lãnh đạo Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC để xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 15/4/2005, TANDTC ra Công văn số 111 trả lời: "Cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc bồi thường thiệt hại đối với ông Lương Ngọc Phi là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình". Trong khi đó, trường hợp này trách nhiệm bồi thường thuộc về Tòa án đã xét xử sơ thẩm và được quy định rất rõ tại điểm a, khoản 4 Điều 10 Nghị quyết số 388. Vì vậy, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Bình đã phải tổ chức hội nghị liên ngành ngày 13/12/2005 và bằng văn bản số 3741/VKSNDTC-V1 truyền đạt kết luận của cuộc họp này, kết luận: "Hội nghị đã thống nhất áp dụng điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị quyết 388 để bồi thường đối với ông Lương Ngọc Phi. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết việc bồi thường" [28].

Như vậy, những vụ việc xác định thẩm quyền tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã phân tích, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, mà một số cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, làm tăng thêm sự bức bối và mất niềm tin của những công dân bị oan nói riêng và của nhân dân với hệ thống pháp luật nói chung.

Ngoài sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo BTTH, xin lỗi công khai cho công dân được thuận lợi.

Trong thời gian qua, ở nhiều nơi, các tổ chức Đảng, chính quyền còn trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tư pháp ở địa phương có sự hỗ trợ bước đầu về kinh phí bồi thường cho người bị oan trong khi chờ Nhà nước cấp kinh phí, tạo điều kiện cho việc bồi thường được thuận lợi.

Theo quy định của pháp luật, Cơ quan có trách nhiệm BTTH phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan. Việc xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị oan là thành viên. Hiện nay, trụ sở Ủy ban nhân dân xã phường thường là nơi diễn ra việc xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, cơ sở vật chất và thời gian để các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở vào quá trình giải quyết bồi thường, góp phần đảm bảo quyền của công dân được BTTH là chưa đáng kể. Các tổ chức này gần như chỉ giữ vai trò thụ động, "đứng nhìn" những công dân bị oan, thường trong cảnh gia sản khánh kiệt, gia đình khủng hoảng tham gia vào vụ kiện với các cơ quan tố tụng có trình độ hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm tranh tụng. Nếu có cơ chế, chính sách trợ giúp pháp lý từ phía tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, sự động viên về tinh thần của các đoàn thể xã hội địa phương và sự giám sát quá trình thương lượng và đặc biệt là sự giám sát của các đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường thì sức mạnh và vị thế của công dân

sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều trong việc buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo quyền được bồi thường của công dân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 48 - 51)