Sự ra đời của Nghị quyết số 388, Thông tư liên tịch số 01, các Thông tư của mỗi ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Tài chính… đã tạo ra bước thay đổi quan trọng đối với việc BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS, là công cụ pháp lý hữu hiệu để các cơ quan có trách nhiệm tiến hành BTTH cho công dân cũng như để công dân sử dụng công cụ pháp lý này yêu cầu cơ quan có trách nhiệm đảm bảo quyền được BTTH của bản thân.
Tuy nhiên, tiếp cận trên quan điểm hệ thống, có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam hiện nay còn chưa có được một chế định về BTTH mang tính toàn diện và hệ thống. Điều này không chỉ thể hiện ở việc văn bản pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh tương đối bao quát quan hệ này mới chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị quyết, điều này cũng không chỉ thể hiện ở việc bản thân Nghị quyết số 388 cũng chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và công dân trong việc BTTH. Tính toàn diện và hệ thống cũng chưa được thể hiện khi đặt Nghị quyết này trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực TTHS như lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… còn thiếu vắng sự hiện hữu của một văn bản pháp luật điều chỉnh chung về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân trên các lĩnh vực. Nói một cách khái quát, chúng ta cần tiến tới xây dựng một đạo luật về bồi thường nhà nước, định hình rõ nét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân. Việc xây dựng văn bản luật này không chỉ có ý nghĩa đối với việc đảm bảo quyền được BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật của Nhà nước đối với công dân, mà còn có ý nghĩa đối với tiến trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, đối với việc pháp điển hóa, hệ thống hóa pháp luật, có ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao trong giai đoạn hiện nay. Do đó, tiến tới xây dựng luật bồi thường nhà nước là phương hướng cơ bản nhất, thể hiện rõ nét nhất xu thế hoàn thiện pháp luật về bồi thường nhà nước ở nước ta trong thời gian tới.
Với đạo luật này, về phía công dân, công dân sẽ được bảo vệ triệt để hơn và toàn diện hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi quan hệ pháp luật TTHS. Mặt khác, với sự điều
chỉnh của một đạo luật chung như cách đặt vấn đề nêu trên, về nguyên tắc, cơ chế bồi thường sẽ buộc phải có sự phối hợp và liên hoàn giữa các khâu: tiếp nhận yêu cầu, thương lượng, giải quyết theo thủ tục kiện dân sự, thực hiện việc bồi thường và công khai xin lỗi…, sự luật hóa trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, sự liên hoàn và phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, cơ quan hành chính, cơ quan tài chính, cơ quan thông tấn báo chí theo một quy trình được luật định, sẽ khẳng định và cụ thể hóa nguyên tắc quy định tại Điều 17 Hiến pháp 1992: "Mọi hành vi xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân phải được xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự" [19].
Đối với việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, đạo luật về bồi thường nhà nước sẽ là sự thể hiện tập trung và sinh động trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, dân sự hóa hình ảnh của Nhà nước, thể hiện ở việc tuy Nhà nước là một chủ thể có quyền lực đặc biệt đặc biệt nhưng quyền lực đó là do nhân dân giao cho Nhà nước, Nhà nước hoạt động cho nhân dân và vì nhân dân và, nếu Nhà nước gây thiệt hại cho công dân dù trên bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, cũng cần xem xét thực hiện việc bồi thường cho nhân dân. Trong một Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân được điều chỉnh chi tiết bằng luật với quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, do đó luật hóa trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với công dân là việc làm không thể không thực hiện.
Đối với việc pháp điển hóa, hệ thống hóa pháp luật, sự ra đời của đạo luật sẽ hình thành được một chế định trách nhiệm bồi thường nhà nước với những nguyên tắc chung, thống nhất, rõ ràng về phạm vi trách nhiệm bồi thường, cơ chế bồi thường, phù hợp với chính sách pháp luật, chính sách hình sự và phù hợp điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - lịch sử đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, đạo luật này cũng sẽ khắc phục những chồng chép, bất cập giữa pháp luật về BTTH trong TTHS với tố tụng hành chính, TTHS, pháp luật về BTTH do cán bộ - công chức gây ra.
Trên phương diện chính trị và ngoại giao, việc ban hành luật bồi thường nhà nước tiếp tục khẳng định bản chất dân chủ, sự tôn trọng quyền con người của Nhà nước Cộng hòa XNCN Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu hội nhập, gia nhập Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) và tăng cường quan hệ với một số quốc gia có vị thế chiến lược trong hoạt động ngoại giao giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Mặc dù hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đặt ra khái niệm "bồi thường nhà nước" tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, trách nhiệm BTTH do cán bộ, công chức gây ra hay trách nhiệm bồi thường do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra đã được ghi nhận trong BLDS 1995, và đây cũng chính là trách nhiệm bồi thường nhà nước vì các cán bộ, công chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng là những người được Nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm vào các vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước, được giao quyền lực để thực hiện những công việc nhất định thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, chế độ công chức công vụ được hình thành để thực hiện các lĩnh vực hoạt động khác nhau của bộ máy nàh nước qua các cơ quan nhà nước. BTTH do hành vi trái pháp luật của những người này khi thi hành công vụ về bản chất là trách nhiệm của Nhà nước, nguồn kinh phí được sử dụng để bồi thường trước hết là lấy từ ngân sách nhà nước, cũng xuất phát từ "túi" của Nhà nước.
Mặt khác, việc xây dựng một đạo luật về bồi thường nhà nước là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Hiến pháp Việt Nam không quy định nguyên tắc "miễn trừ quốc gia", cũng như không có quy định nào hạn chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Mục tiêu của đạo luật này cũng như những điều khoản, nội dung của nó là phù hợp với các quy định về bản chất Nhà nước, về chế định quyền công dân trong Hiến pháp.
Về mô hình của Luật bồi thường nhà nước, theo chúng tôi có thể thiết kế thành các chương, phần như sau:
Chương I: Những quy định chung. Chương này nêu đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường nhà nước, cách tính bồi thường, tiêu chuẩn bồi thường, giải thích thuật ngữ.
Chương II, Chương III, Chương IV… các chương về sau mỗi chương là một chế định bồi thường tương ứng với mỗi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước gây ra thiệt hại cho công dân. Trong mỗi chương này lại phải có các phần quy định về phạm vi bồi thường, người có quyền yêu cầu bồi thường và cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trình tự bồi thường đặc thù của từng lĩnh vực.
Chương tiếp theo quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan khác: cơ quan tài chính ngân sách, cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội, báo chí.
Chương cuối cùng: điều khoản bổ sung, điều khoản thực hiện.
Mô hình luật bồi thường nhà nước như trên sẽ bao quát các đối tượng điều chỉnh theo một lôgíc phù hợp, tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi không thể tập trung làm rõ mô hình đạo luật luật bồi thường nhà nước một cách sâu hơn, rộng hơn vì sẽ vượt ra khỏi ở cấp độ và phạm vi nghiên cứu của đề tài.