Bồi thường thiệt hại cho công dân trong hoạt động tố tụng hình sự là một giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức tư pháp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 58 - 59)

một giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức tư pháp

Như đã phân tích ở chương 1, việc đảm bảo quyền công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong hoạt động TTHS có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với tiến trình minh bạch hóa và nhân văn hóa lĩnh vực tố tụng hình sự, nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng. Trách nhiệm BTTH giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ hội nhìn nhận những thiếu sót, sai lầm trong hoạt động của mình, rà soát, bổ sung các lỗ hổng trong quy định của pháp luật, trong các hướng dẫn nghiệp vụ, trong việc tổ chức, phân bổ các cơ quan chuyên trách của mỗi ngành, trong việc phân công, bố trí người tiến hành tố tụng, đem lại những bài học quý giá cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Đặc biệt, điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho người tiến hành tố tụng nói riêng và những cá nhân trong hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung. Xác định trách nhiệm bồi thường của từng cá nhân có liên quan để loại bỏ những cá nhân có vi phạm, gây ra oan sai cho công dân, làm trong sạch bộ máy tư pháp. Và quan trọng hơn, đó là việc xây dựng một hệ thống tư pháp với những con người tạo nên hệ thống đó có tính nhân văn, có lòng thương yêu con người, có trách nhiệm với con người mà không phải là những cỗ máy tố tụng. Chỉ khi có lòng thương yêu con người, có trách nhiệm với con người, những cá nhân trong hệ thống tư pháp mới tận tụy với công việc một cách tự tâm

và tự cố gắng nâng cao trình độ nghiệp vụ để hạn chế những trường hợp oan sai với lỗi vô ý và không để xảy ra những trường hợp oan sai với lỗi cố ý.

Với cách nhìn nhận vấn đề cũng từ góc độ như vậy, chính nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Hội nghị triển khai công tác năm 2005 của ngành kiểm sát nhân dân

khai mạc ngày 10/1/2005, tại Hà Nội đã chỉ rõ:

Ngành kiểm sát cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác kiểm sát để tìm biện pháp khắc phục, đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng ngành kiểm sát nhân dân trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp… Để xảy ra những trường hợp khởi tố, truy tố oan trước hết thuộc về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này thật sâu sắc, phải hiểu với nỗi đau, nỗi khổ của người bị oan... [41].

Đối với những cơ quan tiến hành tố tụng, việc coi BTTH cho người bị oan vừa là trách nhiệm, vừa là việc thực hiện truyền thống, văn hóa đạo lý của dân tộc là một bước phát triển mới trong cách nhìn nhận về vấn đề đảm bảo quyền công dân được BTTH trong TTHS. Quan điểm của đồng chí Hà Mạnh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC là hoàn toàn đúng đắn khi cho rằng:

Các cơ quan tố tụng phải luôn tâm niệm là: thực hiện tốt việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra không chỉ là thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, mà còn là truyền thống, văn hóa đạo lý của dân tộc [33].

Đó cũng là quan điểm của chúng tôi khi cho rằng trách nhiệm BTTH của các cơ quan tư pháp là một trong những nội dung đảm bảo quyền công dân được BTTH do hành vi trái pháp luật trong TTHS và ngược lại, chính việc BTTH cũng là một giải pháp nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 58 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)