Nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức khác và cộng đồng xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 70 - 72)

Như đã phân tích, sự tham gia của các cơ quan tài chính, hành chính, cơ quan đại diện, báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên… cũng như cộng đồng xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo quyền được BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS. Cơ quan tài chính (các Sở, Phòng Tài chính, Chi nhánh Kho bạc Nhà nước) là những cơ quan chịu trách nhiệm về việc quản lý và giải ngân các khoản BTTH từ ngân sách nhà nước cho đối tượng được bồi thường. Do vậy, năng lực đáp ứng các yêu cầu về hoạt động quản lý, chi trả bồi thường của các cơ quan này có vị trí không nhỏ trong việc bồi thường các thiệt hại vật chất, tinh thần cho công dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm bồi thường với cơ quan tài chính sẽ tạo ra cơ chế bồi thường thông suốt, tránh các bức xúc từ phía công dân về tiến độ và mức độ bồi thường.

Các cơ quan hành chính, cơ quan đại diện, mặt trận ở địa phương là các thành tố quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở. Thực tế cho thấy, nếu không có sự tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương trong việc tổ chức các hoạt động công khai xin lỗi,

các hoạt động giúp đỡ người bị oan tái hòa nhập cộng đồng thì những quyền lợi chính đáng của người bị oan sẽ không thể được khôi phục lại dù chỉ ở mức độ tương đối. Các cơ quan đại diện và các tổ chức thành viên của mặt trận phải thực sự đóng vai trò giám sát hoạt động tố tụng qua chế định Hội thẩm nhân dân, qua các cuộc họp sinh hoạt Đảng bộ địa phương và coi đây là một trách nhiệm chính trị, một nhiệm vụ về công tác Đảng, tránh tình trạng coi việc bồi thường, xin lỗi người bị oan là của riêng các cơ quan tiến hành tố tụng theo kiểu ai làm người đấy chịu, không liên quan đến địa phương. Trong xu thế "xã hội dân sự" hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp… lại càng phải đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát xã hội, "giúp" Nhà nước thực hiện các chức năng xã hội của mình, trong đó có việc tham gia tích cực vào quá trình giải quyết BTTH cho công dân trong hoạt động TTHS. Sự giám sát của các cơ quan, tổ chức ở địa phương sẽ góp phần đảm bảo việc giải quyết bồi thường được trọn vẹn, khách quan, công bằng. Đồng thời, đối với công dân bị oan, điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt lớn về tinh thần, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương giúp họ nhận thấy trách nhiệm của xã hội đối với trường hợp bản thân, cộng đồng và chính quyền không bỏ rơi họ. Đối với các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương, việc tham gia vào quá trình bồi thường cũng cần được coi vừa là trách nhiệm chuyên môn, vừa là đạo lý với công dân trên địa bàn mình. Đặc biệt, các tổ chức trợ giúp pháp lý, cán bộ tư pháp của chính quyền địa phương phải tích cực hỗ trợ pháp lý đối với người bị oan trong việc đòi BTTH. Đối với các cơ quan báo chí, việc đăng bài, đưa tin, tư vấn pháp luật qua báo chí, tiếp nhận và chuyển các đơn yêu cầu bồi thường của công dân đến các cơ quan chức năng có vai trò đặc biệt quan trọng. Vị trí "quyền lực thứ tư" mà báo chí có được - vị trí định hướng dư luận, định hướng quan điểm của cộng đồng xã hội giúp cho việc giải quyết bồi thường được nhanh chóng, chính xác bởi sự giám sát vô hình của báo chí, cộng đồng xã hội đối với hoạt động bồi thường tạo ra áp lực buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải thừa nhận trách nhiệm và thực hiện việc bồi thường, là kênh thông tin để những người đứng đầu cao nhất của hệ thống tư pháp biết và yêu cầu cấp dưới xem xét, giải quyết việc bồi thường cho công dân. Việc đăng tin về bồi thường cũng giúp xã hội nhìn nhận lại bản chất hành vi mà người bị oan đã bị cáo buộc là tội phạm, nhận biết và sẻ chia, cảm thông với số phận người bị oan, thể hiện sự đồng thuận của xã hội đối với những oan ức mà họ đã phải gánh chịu.

Do đó, việc phối hợp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng xã hội là một trong những giải pháp rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo quyền được BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảm bảo quyền của công dân được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)