hành tố tụng
Có thể nói, quá trình giải quyết BTTH là quá trình phản ánh cái "tâm" của Nhà nước đối với công dân. Công dân là người bị oan do hành vi trái pháp luật của Nhà nước và công dân có quyền đòi Nhà nước BTTH, nhưng Nhà nước phải tự giác, tự nguyện thực hiện việc bồi thường ngay cả khi công dân chưa yêu cầu bồi thường và sự tự nguyện này phải được tiếp tục trong suốt quá trình này. Nếu các cơ quan thay mặt Nhà nước để giải quyết việc BTTH cho công dân không có được sự tự nguyện, không dám chịu trách nhiệm, không dám nhận lỗi và lảng tránh, trì hoãn trách nhiệm bồi thường của mình thì không chỉ công dân lại thêm một lần bị thiệt thòi, mà danh dự của chính các cơ quan đó cũng bị ảnh hưởng khi trên danh nghĩa là cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại làm trái pháp luật gây thiệt hại cho công dân và lại sử dụng chính pháp luật để thoái thác trách nhiệm.
Phân hóa trách nhiệm của các chủ thể gây thiệt hại cho công dân là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra và đảm bảo giải quyết thiệt hại cho công dân do các vi phạm đã xảy ra. Tránh tình trạng "khi xác định được một người bị oan thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan xử lý sau cùng, không phụ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng có xử lý oan một phần" (điểm 2 mục 2 phần III Thông tư 01), bởi vì, quy định này tuy để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường cho công dân nhưng sẽ không xác định đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường do có lỗi lớn hơn trong việc gây ra "oan", không công bằng với cơ quan xử lý sau cùng, không thỏa đáng đối với công dân khi nguyện vọng của người dân muốn cơ quan đã trực tiếp gây ra oan ức cho họ phải xin lỗi và bồi thường, không triệt để trong việc xác định trách nhiệm bồi hoàn sau này… Do đó, vấn đề ở đây là phải có cơ chế nhanh chóng, chính xác xác định đúng cơ quan có lỗi phần lớn trong việc gây ra oan sai là cơ quan chịu trách nhiệm trước hết trong việc xin lỗi, bồi thường cho công dân chứ không phải là buộc ngay cơ quan xử lý sau cùng thực hiện trách nhiệm này, tạo ra một tiền lệ cơ quan "ăn ốc" và cơ quan "đổ vỏ" như hiện nay.
Phân hóa trách nhiệm hơn nữa, trách nhiệm cá nhân là bài giải quan trọng để buộc người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm với chính công việc của mình, hạn chế khả năng cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho công dân. Nếu tình trạng trên làm dưới chịu, "quýt làm, cam chịu", không ai muốn nhận trách nhiệm về mình hoặc đỗ lỗi cho tập thể, hoặc việc không phải bồi hoàn, trách nhiệm cá nhân chỉ dừng lại ở mức độ phê bình nhắc nhở, kiểm điểm qua loa thì người trực tiếp gây ra oan sai sẽ không phải chịu trách nhiệm tương xứng với hậu quả đã gây ra, quyền lợi của công dân khó có thể được đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải quy định chi tiết hơn trách nhiệm bồi hoàn, quy định rõ hơn trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của người đã trực tiếp gây ra oan sai. Thậm chí, chính những người này phải trực tiếp công khai xin lỗi công dân tại buổi xin lỗi tổ chức công khai tại địa phương nơi cư trú của người bị oan sai. Có như vậy, mới làm gương cho những người tiến hành tố tụng khác, làm giảm bớt nỗi đau của người bị oan.
Theo quan điểm phòng hơn là chống, đảm bảo bảo quyền của công dân được BTTH cho công dân do hành vi trái pháp luật trong TTHS, trước hết, phải hạn chế các nguy cơ xảy ra oan sai. Oan sai xảy ra do các nguyên nhân khách quan như tính chất phức tạp của vụ án, do các phương tiện kỹ thuật hình sự lạc hậu dẫn đến việc chứng minh sai, mặt khác, còn do nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ trình độ nghiệp vụ non kém của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do sự thiếu trách nhiệm, qua loa đại khái, do thoái hóa đạo đức, nhận hối lộ từ người tham gia tố tụng, do bệnh thành tích, nể vì cấp trên hoặc vì các động cơ cá nhân mang tính tiêu cực khác. Vì thế, việc tạo cho họ một kiến thức, bản lĩnh chuyên môn vững vàng, môi trường làm việc độc lập, ý thức pháp luật ở trình độ cao trên cơ sở nền tảng văn hóa pháp lý là điều hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tạo ra cơ chế giám sát, kiểm sát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là điều đặc biệt cần thiết nhằm ngăn chặn từ xa các nguy cơ dẫn đến oan sai, nhằm nhanh chóng phát hiện và có hình thức xử lý từ sớm, tránh cho việc hành vi vi phạm sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nếu phát hiện và xử lý quá muộn. Cơ chế giám sát này cũng phải được thực thi để hạn chế tình trạng nể nang, bao che, thiên vị giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, giữa người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tham gia vụ án. Vấn đề giám sát còn cần phải đặt ra trong trường hợp phải giải quyết
vấn đề bồi thường bằng thủ tục tố tụng dân sự. Bởi vì, dù như chúng tôi đã đề cập tới việc thành lập một Hội đồng hay một cơ quan, một thiết chế nào đó để xét xử, vẫn cần có sự giám sát đối với thiết chế này để đảm bảo phán quyết được đưa ra một cách công bằng, đúng pháp luật. Yếu tố bình đẳng và cơ chế tự giám sát trong kiểu tố tụng tranh tụng, quan điểm "bỏ sót còn hơn bắt nhầm" cũng cần được nghiên cứu áp dụng những khía cạnh hợp lý trong bối cảnh nước ta hiện nay.
Mặt khác, tuy nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, siết chặt kỷ luật đội ngũ những người tiến hành tố tụng là những biện pháp loại trừ oan sai đặc biệt hữu hiệu nhưng bên cạnh việc yêu cầu những người tiến hành tố tụng phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn, còn cần phải chú ý tới việc nâng cao thu nhập, đưa đời sống của những người tiến hành tố tụng được tốt hơn lên, tiến tới một điều kiện toàn diện: "Không thể tham nhũng, không phải tham nhũng và không muốn tham nhũng". Có như vậy, mới giải quyết được tận gốc vấn đề từ phía những người tiến hành tố tụng.