Đối với thị trường trong nước

Một phần của tài liệu 518 Xây dựng và quảng bá thương hiệu huyện Củ Chi TP.HCM qua sản phẩm du lịch địa phương (Trang 99)

Nghiên cứu về kênh và phương tiện thông tin cho thấy, 50% du khách trong nước biết đến Củ Chi qua phương tiện sách, báo, tạp chí…24% qua truyền hình, 16% qua người thân, 8% qua các công ty du lịch và 4% qua các tổ chức Đoàn – Hội. Mặt khác có đến 90% du khách nội địa đã tham quan Củ Chi hứa sẽ quay lại khi có điều kiện. Do đó, để quảng bá du lịch Củ Chi đến thị trường trong nước một cách có hiệu quả thì ngành du lịch Thành phố, chính quyền Huyện và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần:

- Đối với ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh: thường xuyên tổ chức, và tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch qua đó quảng bá các ấn phẩm, hình ảnh du lịch Thành phố đến du khách nội địa.

- Đối với chính quyền huyện Củ Chi: đầu tư ngân sách nhiều hơn cho việc đa dạng hóa các chủng loại ấn phẩm với nội dung giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương. Huyện cần phát động các cuộc thi viết về Củ Chi có gắn kết với chủ đề lịch sử, con người Củ Chi qua các thời kỳ, thu hút nhiều cây bút nổi tiếng trong, ngoài nước (như cuộc thi viết “Bài văn bia” trước đây) và xuất bản các tác phẩm trên qua nhiều sách, báo, tạp chí trong nước. Huyện cần phối hợp với các đài truyền hình địa phương xây dựng những phim phóng sự giới thiệu về du lịch Củ Chi với thời lượng và tần suất phát sóng thích hợp. Bên cạnh việc xây dựng phim trường theo kế hoạch của Thành phố, Củ Chi cần dành những khu vực để thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Củ Chi với địa hình và phong cảnh thiên nhiên hoàn toàn phù hợp cho những cảnh quay của các bộ phim lịch sử.

- Đối với các doanh nghiệp, khu du lịch tại Củ Chi: đầu tư nhiều hơn cho chất lượng và chủng loại các ấn phẩm giới thiệu đơn vị. Bên cạnh quảng cáo trên báo, đài các đơn vị cần tăng cường những bài viết giới thiệu sản phẩm dưới dạng PR, bởi vì PR luôn mang đến cho khách những thông điệp dễ dàng được chấp nhận hơn và truyền tải lượng thông tin nhiều hơn. Các doanh nghiệp du lịch cần tham gia các hội chợ do Sở Du lịch và Tổng cục Du lịch tổ chức qua đó có thể phát hành miễn phí các loại ấn phẩm và CD giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực tiếp đến du khách trong nước.

5.4.3.2 Đối với thị trường ngoài nước

Như đã xác định ở phần trên, du lịch Củ Chi cần tập trung vào 2 thị trường quốc tế quan trọng đó là: thị trường châu Âu – thị trường rộng lớn nhất, thị trường Bắc Mỹ – thị trường nhiều tiềm năng có thể khai thác. Hơn 75% khách châu Âu biết đến Củ Chi qua sách, báo và tạp chí, 10% qua Internet, 10% qua các hãng du lịch lữ hành, còn lại gần 5% qua người thân. Còn đối với thị trường Bắc Mỹ thì hơn 45% qua sách, báo, tạp chí mà du khách biết đến Củ Chi, 36,4% du khách biết qua giới thiệu của các công ty du lịch lữ hành, còn lại 18,2% biết qua truyền hình. Điều này cho thấy đối với thị trường ngoài nước thì sách, báo, tạp chí, truyền hình, Internet và các công ty du lịch lữ hành là những kênh quảng bá quan trọng. Do đó để quảng bá du lịch Củ Chi đến từng thị trường ngoài nước một cách có hiệu quả thì ngành du lịch Thành phố, chính quyền Huyện và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần:

- Đối với ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh: thường xuyên tổ chức các đoàn tham gia hội chợ, triển lãm và tổ chức các cuộc họp báo giới thiệu du lịch Thành phố với khách quốc tế. Sở Du lịch Thành phố cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, các tổ chức du lịch quốc tế và các hãng du lịch lữ hành nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố qua các ấn

phẩm. Sở Du lịch Thành phố cần tổ chức các tour du lịch dành cho giới báo chí và đại diện của các hãng lữ hành nước ngoài (FAM Trip).

- Đối với chính quyền huyện Củ Chi và doanh nghiệp du lịch: cần đầu tư các loại ấn phẩm với nhiều ngôn ngữ phù hợp với 2 thị trường chính châu Âu và Bắc Mỹ. Huyện và các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa cho các website giới thiệu sản phẩm du lịch có đường liên kết (link) với các website khác có lượng người truy cập lớn, bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng thẩm mỹ của các giao diện với các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh hấp dẫn người truy cập.

5.5 Kiến nghị

Để những giải pháp trên được thực thi thành công, đề tài xin đưa ra một kiến nghị cụ thể như sau:

5.5.1 Đối với ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh

- Tận dụng thời cơ của du lịch Việt Nam đang được thế giới đánh giá là điểm đến thân thiện nhất để phát huy hơn nữa các hoạt động quảng bá.

- Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi thông tin, hội thảo, hội nghị. Tổ chức các đoàn tham quan học hỏi các mô hình xây dựng các khu du lịch trên thế giới. Tiếp thu và phổ biến các công nghệ du lịch tiên tiến trong và ngoài nước.

- Khi xây dựng sản phẩm du lịch của Thành phố có sự liên kết với các địa phương trong vùng. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, tranh thủ sự hỗ trợ cho phát triển các hoạt động du lịch. Đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch rộng hơn nữa tiếp cận với các thị trường trọng điểm.

- Sở Du lịch tăng cường hỗ trợ địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

5.5.2 Đối với chính quyền huyện Củ Chi

- Chính quyền huyện Củ Chi cần quan tâm hơn nữa đối với ngành công nghiệp không khói này. Huyện cần huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển du lịch.

- Huyện có những chính sách cụ thể, hấp dẫn doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế và người tham gia phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch – thực thi chính sách xã hội hóa du lịch địa phương.

- Huyện cần xây dựng hệ thống những giải pháp nhằm bảo vệ môi trường an ninh trật tự, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

5.5.3 Đối với các doanh nghiệp du lịch

- Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần xác định xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch Củ Chi là một việc làm mang tính chiến lược của địa phương, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư lâu dài.

- Các doanh nghiệp cần liên kết tạo thành một sức mạnh tổng lực, trên cơ sở có sự phân chia thị trường, tránh cạnh tranh nội bộ.

5.5.4 Đối với người dân Củ Chi

Người dân Củ Chi cần nhận thức được rằng xây dựng và quảng bá thương hiệu Củ Chi qua sản phẩm du lịch là một chính sách đúng đắn. Mọi gia đình, mọi người dân phải thể hiện vai trò của mình qua chính sách xã hội hóa du lịch.

KẾT LUẬN

Xây dựng và quảng bá thương hiệu là một việc làm mang tính bức bách, mà các địa phương cần phải quan tâm để cạnh tranh hữu hiệu trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Xác định và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như một năng lực cốt lõi của huyện Củ Chi chỉ là bước khởi đầu, trong một quá trình tiếp thị địa phương. Xây dựng một sản phẩm du lịch có thành công hay phát triển bền vững đều phải xuất phát theo quan điểm của người mua.

Thương hiệu một địa phương có khả năng bay cao, bay xa hơn tùy thuộc vào một chương trình quảng bá khoa học, trên cơ sở xác định đúng thị trường mục tiêu, để có nội dung và phương tiện quảng bá phù hợp.

Các nội dung trên đây của đề tài nhằm nêu ra những vấn đề tổng quát cho yêu cầu xây dựng và quảng bá thương hiệu Củ Chi qua sản phẩm du lịch. Trong phạm vi đề tài không đi sâu vào các giải pháp, biện pháp thực hiện của từng lĩnh vực hoạt động riêng biệt. Các nội dung thực hiện của từng lĩnh vực cụ thể cần được nghiên cứu trong các đề tài chuyên sâu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A Tài liệu tiếng Việt Nam

1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Củ Chi (2005), Củ Chi 30 năm xây dựng và phát triển.

2. Chính phủ (2006), Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 – 2010.

3. Hồ Đức Hùng & ctg (2005), Marketing địa phương của TP Hồ Chí Minh, NXB Văn Hóa Sài Gòn.

4. Trần Ngọc Nam & ctg (2005), Marketing Du lịch, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh.

5. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (2005), Chương trình phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2010.

6. Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2005), Thị trường, chiến lược, cơ cấu: Cạnh tranh về giá trị gia tăng, định vị và phát triển doanh nghiệp, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh.

B Tài liệu tiếng nước ngoài

1. Aaker, D. A (1996), Branding strong brands.

2. Bennett, P. D (1995), Dictionary of Marketing Terms, LLLinnois: American Marketing Association.

3. Fred R. David (2002), Concepts of Strategic Management.

4. Kotler.P, M.A. Hamlin, I. Rein, & D.H. Haider, (1993) Marketing Asian Places, Attracting investment, industry, and tourism to cities, states, and nations, Singapore: John Wiley & Son (Asia).

5. Reddy, A. C & D. P. Campbell (1994), Marketring’s Role in Economic Development, Westport: Quorum Books.

Một phần của tài liệu 518 Xây dựng và quảng bá thương hiệu huyện Củ Chi TP.HCM qua sản phẩm du lịch địa phương (Trang 99)