Campuchia có nền kinh tế quốc dân vốn chậm phát triển lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất là thời trong thời kỳ thống trị của tập Pôn Pôt - Iêng xary đã phá toàn bộ nền kinh tế quốc dân Campuchia với chủ trương: “Có lúa là có tất cả, chúng hoàn toàn thủ tiêu thủ công nghiệp. Hơn 50% số xí nghiệp bị đóng cửa, máy móc bị phá hủy, để hư hỏng. Các nhà máy lớn như xi măng, thủy tinh, gỗ, ... đều bị đóng cửa, hầu hết số các bộ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đều bị chúng đưa xề các “công xã” hoặc bị giết hại...” [35, tr.332]. Chính vì vậy, sau khi hòa bình đước lập lại Campuchia rất cần vốn và kỹ thuật để đầu tư xây dựng tái thiết lại đất nước. So với các nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Campuchia thì đầu tư của Việt Nam còn
khá khiêm tốn. Cho đến thời điểm năm 2001, Việt Nam mới có 4 dự án đầu tư trực tiếp vào Campuchia với tổng số vốn đầu tư là 8,748 triệu USD.
Campuchia là thành viên của WTO, được hưởng các quy chế ưu đãi về thuế quan. Do đó, hàng xuất khẩu từ Campuchia chịu mức thuế suất thấp hơn so với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia sản xuất hàng hoá tại đây, sẽ tranh thủ được nhiều cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các loại hàng hoá cùng loại sản xuất được tại Việt Nam.
Cơ cấu kinh tế Campuchia cơ bản vẫn còn phụ thuộc vào nông nghiệp. Khu vực nông nghiệp chiếm 34% GDP, công nghiệp 24% và dịch vụ khoảng 42% GDP. 90 % dân số Campuchia sống ở nông thôn. Tỷ lệ người nghèo khổ (thu nhập dưới 1USD/ngày) hơn 36%. Vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia không đáng kể, chủ yếu là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Do đó ở Campuchia không hình thành các khu công nghiệp và khu chế xuất. So với các nước ASEAN, mức độ phát triển của Campuchia còn rất thấp. Đó chính là cơ hội cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư ở Campuchia.
Campuchia luôn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng các ngành công nghiệp, khu chế xuất, nông nghiệp, du lịch, chăn nuôi gia súc, nuôi cá; khuyến khích tư nhân hoá các đồn điền cao su và phát triển mô hình trồng cao su theo kiểu gia đình thông qua Luật Đầu tư ban hành tháng 4 năm 1994 và Luật đầu tư (sửa đổi) tháng 3 năm 2003. Lợi thế của các nhà đầu tư tại Campuchia là sử dụng các sản phẩm khai thác tại chỗ, như mủ cao su, gỗ tròn, gỗ xẻ, lao động phổ thông. Lợi thế so sánh tiềm năng của Campuchia so với Việt Nam là các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Đến nay, lợi thế này vẫn chưa khai thác hết bởi vì diện tích đất bỏ hoang còn nhiều và hầu hết các loại cây trồng tại Campuchia đều có năng suất thấp hơn so với Việt Nam. Campuchia chưa phát huy được những lợi thế này là do sử dụng các yếu tố đầu vào thấp hơn Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những thành công trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, bước đầu một số doanh nghiệp đã đầu tư sang thị trường Campuchia. Thị trường Campuchia có sức mua không lớn (số dân ít, thu nhập thấp), phần đông là người nghèo sống ở khu vực nông thôn. Do đó, các doanh nghiệp Việt
Nam cần tính toán đầu tư vào ngành nào là có lợi, đạt được cả hai mục đích: tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang nước khác.
Từ việc nghiên cứu thị trường Campuchia, phân tích các hoạt động của doanh nghiệp nhỏ tại Campuchia và những tiềm năng chưa khai thác hết, Việt Nam có thể đầu tư vào một số lĩnh vực có lợi thế như sản xuất các loại hàng hoá tiêu dùng giá rẻ, phục vụ cho tầng lớp dân nghèo sống ở nông thôn như giày dép, đồ dùng gia đình, công cụ sản xuất; đầu tư công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, các dự án khai thác tài nguyên như khai thác gỗ, khai thác khoáng sản. Đặc biệt là khai thác gỗ vì diện tích rừng của Campuchia chiếm tới 36% tổng diện tích đất đai; các dự án nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê trên các vùng đất hoang hoá...
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp những khó khăn do phải cạnh tranh với hàng hoá của Thái Lan, Trung Quốc thâm nhập vào Campuchia. Tuy nhiên, do một số đặc điểm tương đồng truyền thống về văn hoá, phong tục tập quán, lối sống của người dân hai nước, đặc biệt là sự giao lưu lâu đời của nhân dân hai nước vùng biên giới, hàng hoá của Việt Nam sản xuất tại Campuchia có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường nước này và xuất khẩu sang các nước khác như: Thái Lan, Mianma, Trung Quốc.
Cuối năm 2006, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tại Campuchia đạt 25 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, khách sạn, chế biến gỗ. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel triển khai mạng viễn thông và mạng Internet hơn 60 triệu USD. Với 1.500 trạm thu phát sóng trên toàn Campuchia Viettel Mobi đang đặt mục tiêu trở thành mạng điện thoại lớn nhất tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, Campuchia có nhiều tiềm năng để hai nước tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư ở các lĩnh vực khác như về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, khai khoáng... Campuchia có hệ thống giao thông đường biển rất thuận lợi, hàng hoá xuất khẩu sẽ dễ dàng đến với các thị trường khác trên thế giới. Tại Hội nghị hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam lần thứ ba, hai phó Thủ tướng hai nước
Campuchia và Việt Nam nhất trí: “Thúc đẩy việc xây dựng nhà máy thủy điện Sê San 1 và cùng đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Hạ Sê San 2 tại tỉnh Ratanakiri của Campuchia” [77, tr.1].
Về phía Campuchia, tính đến 20 tháng 12 năm 2005, có 4 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số tiền 4 triệu USD, đứng thứ 59 trong tổng số 74 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Với tình hình ổn định chính trị, cùng với đà tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế Campuchia và Việt Nam, sự thúc đẩy quan hệ ngoại giao của lãnh đạo hai nước trong việc xây dựng và phát triển hợp tác đầu tư là điều kiện thuận lợi cho hai nước Campuchia và Việt Nam phát triển kinh tế. Chỉ có hợp tác đầu tư để hòa nhập vào khu vực, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay là điều rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế hai nước.