Sau khi ký Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia, quan hệ Campuchia - Việt Nam hết sức nhạy cảm và tế nhị. Có sự nhạy cảm và tế nhị là do tình hình chính trị quốc tế, khu vực và nội bộ Campuchia có nhiều thay đổi. Bản thân Việt Nam muốn thể hiện thiện chí đối với vấn đề Campuchia, muốn góp phần thực hiện tốt những giải
pháp chính trị về Campuchia, đồng thời tạo cơ sở vững chắc lâu dài cho mối quan hệ giữa hai nuớc Campuchia - Việt Nam. Do vậy mối quan hệ giữa hai nước từ năm 1992 đến năm 1995 chuyển biến theo chiều hướng tích cực và hết sức đa dạng.
Là một bên ký hiệp định Paris về Campuchia, phía Việt Nam đã thi hành nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định, góp phần đắc lực vào tiến trình hòa bình ở Campuchia. Việt Nam ủng Đảng Nhân dân Campuchia và Nhà nước Campuchia đấu tranh thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, đồng thời hai bên đã ký kết một số Hiệp định quan trọng như:
- Hiệp định về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 03 tháng 4 năm 1994.
- Hiệp định về Hợp tác về kinh tế - thương mại năm 1994 tại Phnôm Pênh. - Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Campuchia và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1994 tại Phnôm Pênh.
Năm 1995, đánh dấu một bước phát triển mới trong sự hội nhập của cả khu vực Đông Nam á. Đó là việc Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN. Cũng chính từ đây, quan hệ Campuchia với Việt Nam bước sang một trang mới, vừa thể hiện mối quan hệ truyền thống, vừa mang nội dung mới của sự hội nhập. Trong tình hình đa đảng ở Campuchia, Việt Nam chủ trương duy trì, củng cố quan hệ với các đảng: Đảng Nhân dân Campuchia , FUNCINPEC và với cả Sam Rainsy.
Với Đảng Nhân dân Campuchia, Việt Nam xác định mối quan hệ giữa hai đảng là nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ cũng như nhân dân hai nước.
Với Đảng FUNCINPEC, từ tháng 6 năm 1995 Việt Nam đã có quan hệ chính thức với tổ chức này. Mối quan hệ này ngày càng có những bước phát triển thông qua các chuyến viếng thăm của những người đứng đầu hai đảng, đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Với Đảng Sam Rainsy, vào ngày 25 tháng 6 năm 2001, Chủ tịch Đảng ông Sam Rainsy đã đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm này của ông không phải là chuyến thăm chính thức mà như một khách du lịch đến học hỏi những mặt phát triển của Việt Nam. Mặc dù không có lời mời chính thức nhưng lãnh đạo các địa phương nơi ông
đến vẫn tiếp đón trọng thị. Đến Việt Nam ông rất ngạc nhiên: “Tại sao Việt Nam cũng trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt như Campuchia, giành được hòa bình cùng thời gian với Campuchia, vậy mà Việt Nam lại thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp phát triển nhanh chóng. Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Thái Lan về xuất khẩu gạo và cũng là nước thứ hai xuất khẩu cà phê” [55, tr.2].
Ông Sam Rainsy lãnh đạo đảng của mình xoay chuyển tình thế ngoạn mục bằng biện pháp thỏa hiệp mang tính nhún nhường, tránh đối đầu với Thủ tướng Hun Sen. Từ một đảng có nguy cơ tan rã, Sam Rainsy đã dần thay thế FUNCIPEC trong vai trò đảng chính trị lớn thứ hai tại Campuchia. Có thể trong kỳ bầu cử 2008, Sam Rainsy không thể chiến thắng CPP, nhưng vẫn có thể giữ được, thậm chí còn tăng lên số ghế tại Quốc hội như hiện nay. Điều rõ ràng là thế lực Bảo hoàng từ vị trí thứ hai trên chính trường Campuchia, sau CPP, sẽ phải nhường chỗ cho đảng đối lập Sam Rainsy. Các nhà phân tích cho rằng: “Sam Rainsy đã có chiến thuật hợp lý khi từ bỏ việc lưu vong để về nước (2/2006). Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự hòa dịu hơn trong quan điểm cứng rắn đối với đảng cầm quyền và thể hiện mối quan hệ có phần nồng ấm hơn đối với Hun Sen”[60, tr.5]. Những năm gần đây, tình hình chính trị Campuchia không có nhiều sự kiện nổi bật, nhưng vẫn chứa những diễn biến khó lường. Tuy nhiên dù diễn biến như thế nào thì CPP vẫn tiếp tục nắm chính quyền ở Campuchia.
Bên cạnh củng cố mối quan hệ các đảng cầm quyền ở Campuchia, Việt Nam đã xúc tiến tìm hiểu, mở rộng quan hệ bình thường và bình đẳng với các đảng phái tham gia giải pháp chính trị, các tổ chức quần chúng, xã hội ... Việc làm này góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nhà nước, đặc biệt làm cho các phe phái, các lực lượng chính trị hiểu rõ thiện chí của Việt Nam, đồng thời góp phần giảm bớt các thế lực thù địch chống Việt Nam.
Trên nền tảng của nhận thức trên, Việt Nam luôn chủ trương xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị với chính phủ Vương quốc Campuchia trên tinh thần láng giềng hữu nghị, thân thiện. Lãnh đạo cấp cao đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau. Trong các chuyến thăm ngoại giao của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, đáng ghi nhận là chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Lê Đức
Anh, năm 1995; chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Nôrôđôm Xihanuc; tiếp đến là cuộc viếng thăm của Thủ tướng Hunxen nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần VI tại Hà Nội, tháng 12 năm 1998; chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Nôrôđôm Ranarit, ngày 31 tháng 5 năm 1999; và đặc biệt là chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào tháng 6 năm 1999, chuyến thăm này đã mở ra một trang mới cho quan hệ hai nước.
Tuyên bố chung Campuchia - Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Hai bên hài lòng về mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước và quyết tâm củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài trên cơ sở các nguyên tắc đã được nêu rõ trong các Thông cáo chung Campuchia - Việt Nam năm 1992, 1995 tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, không cho phép bất cứ lực lượng quân sự chính trị nào dùng lãnh thổ nước này để chống nước kia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi”[4, tr.1].
Xu hướng phát triển tốt đẹp của Quan hệ Campuchia - Việt Nam được củng cố bởi đường lối đối ngoại tích cực của hai nước:
Tháng 4 năm 2001, Đại hội Đại biểu tàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội 20 năm đầu thế kỷ XXI là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”[12, tr.222]. Để thực hiện thành công nhiệm vụ đó, Đại hội IX đã xây dựng chiến lược đối ngoại là: “Tiếp tục giữ môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi ... coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng”[12, tr.121].
Mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Campuchia và Việt Nam đã được nhiều thế hệ lãnh đạo của Campuchia - Việt Nam dày công vun đắp củng cố và phát triển. Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia vào tháng 3 năm 2005 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngay sau khi Quốc vương Xihamôni đăng quang. Tổng Bí thư và Quốc vương đã khẳng định tiếp tục mối quan hệ: “Hợp tác
láng giềng tốt đẹp, đoàn kết, hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài” giữa Campuchia và Việt Nam.
Ngày 10 tháng 10 năm 2005 Thủ tướng Campuchia Hunxen chính thức thăm Việt Nam. Hai bên đã ký kết các văn bản: Tuyên bố chung giữa Campuchia và Việt Nam; Hiệp định bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới ký năm 1985 giữa Campuchia và Việt Nam. Trong chuyến thăm này các Bộ trưởng hai nước đã ký kết 6 văn kiện hợp tác; Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác và điều phối về công tác quản lý và phát triển tài nguyên nước vùng biên giới Campuchia và Việt Nam; Nghị định thư thực hiện Hiệp định về Giao thông đường bộ giữa Campuchia và Việt Nam; Hiệp định cung cấp tín dụng đầu tư xây dựng quốc lộ 78 đọan Banlung đi Odađao thuộc tỉnh Rattanariki của Campuchia; Hiệp định hợp tác song phương về loại trừ buôn bán phụ nữ, trẻ em và trợ giúp các nạn nhân bị buôn bán. Tiếp theo, ngày 16 tháng 3 năm 2006, Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xihamôni thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và là chuyến thăm nước ngoài thứ ba của Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni trên ngôi vị là Quốc vương Campuchia.
Những chuyến thăm ngoại giao của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước và đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới. Hai nước đã thỏa thuận được những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước như Thông cáo chung Campuchia - Việt Nam đã khẳng định là tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ hai nước thông qua thương lượng hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển của khu vực. Từ những nguyên tắc trên, trong những năm qua chính phủ hai nước đã ký nhiều hiệp định làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển lâu dài giữa hai nước.