Vào những năm 1970, quan hệ Việt Nam - ASEAN đã dần được thiết lập và phát triển cùng với thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, và đặc biệt qua chuyến thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng năm 1978, sau khi Việt Nam thống nhất và trở thành nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bên đã bàn đến các vấn đề hợp tác kinh tế và an ninh chính trị như khả năng ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau. Tuy nhiên các sự kiện tiếp theo liên quan đến Campuchia đã làm quan hệ hai bên trở nên xấu đi, thậm chí đối đầu vào những năm 80.Việt Nam đã từng xem: “ASEAN là một khối quân sự - chính trị được lập ra thay thế SEATO chống Việt Nam , Trung Quốc và các lực lượng cách mạng ở Đông Nam á ... ngay từ khi tổ chức này được thành lập vào tháng
8 năm 1967. Việc xem ASEAN là một tổ chức thân Mỹ, hoàn toàn thù địch với Việt Nam, Lào, Campuchia đã làm cho hố ngăn cách giữa Việt Nam và các nước láng giềng Đông Nam á ngày càng rộng, càng sâu thêm” [27, tr.23].
Mối quan hệ Việt Nam - ASEAN đã trải qua những năm tháng nghi kỵ và lạnh nhạt, có lúc rất căng thẳng nhưng rồi đến lúc cả hai bên cùng tìm kiếm một giải pháp hòa giải và từng bước tiến tới hòa nhập. Đặc biệt từ nữa sau những năm 1980, mối quan hệ này dần dần chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều nhân tố tác động mối quan hệ này. Về phía Việt Nam, yếu tố có tính chất quyết định là đường lối đổi mới nói chung và đổi mới trong quan hệ đối ngoại nói riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một thời chúng ta nhìn nhận các nước ASEAN là qua lăng kính ý thức hệ: “Điều đó đã làm cho chúng ta không thấy hết được các nhân tố tích cực, thường là tinh thần yêu nước và bảo vệ dân tộc của các nước Đông Nam á nói chung” [28, tr.74].
Có thể nói năm 1986 là thời điểm khởi đầu cho quá trình hòa giải ở Đông Nam á. Trong đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định nhiệm vụ của công tác đối ngoại là: “Ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh cử thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần giữ vững hòa bình ở Đông Nam á và trên thế giới với mục tiêu tranh thủ điều kiện quốc tế cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc” [9, tr.99]. Về quan hệ trong khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra tuyên bố: “Chúng ta mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để giải quyết các vấn đề ở Đông Nam á, thiết lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình, xây dựng Đông Nam á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác” [9, tr.108]
Tháng 5 năm 1988 Hội nghị Bộ Chính trị lần thứ 13 đã ra nghị quyết về đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại nhằm củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, phải phá bỏ sự bao vây cô lập để tạo điều kiện giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Giải pháp cụ thể tập trung vào ba việc lớn là rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Mỹ. Lập trường của
Việt Nam phù hợp với xu thế của thế giới và nguyện vọng chung của các nước Đông Nam á nên đạt được sự hưởng ứng thuận lợi từ phía các nước ASEAN.
Cùng với những cố gắng trong việc tìm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Campuchia, quan hệ Việt Nam - ASEAN được cải thiện trở lại và khả năng Việt Nam có thể tham gia tổ chức hợp tác khu vực của các quốc gia Đông Nam á đã được đề cập đến từ năm 1989 tại cuộc gặp không chính thức lần thứ hai về vấn đề campuchia ở Jakarta (JIM 2).
Việt Nam xác định đúng nhiệm vụ công tác đối ngoại là tập trung tham gia giải quyết vấn đề Campuchia; chuyển sang hình thái đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình với các đối tác chính là ASEAN, Trung Quốc và Mỹ, phá thế bị bao vây cấm vận. Trước yêu cầu bức bách của tình hình trong nước và thuận lợi của bối cảnh quốc tế mới, Đảng ta từng bước xây dựng đường lối đối ngoại mới với chủ trương: Chủ động chuyển sang thời kỳ cùng tồn tại hoà bình, góp phần xây dựng Đông Nam á thành một khu vực hoà bình, ổn định và hợp tác.
Để phá thế bị bao vây cô lập, từ 1987, Việt Nam đã thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá trong hoạt động đối ngoại. Thay vì những biện pháp đơn phương, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tìm giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề Campuchia và chọn đúng các đối tác để tiến hành: khởi đầu là Thông cáo chung cuộc gặp gỡ không chính thức Jakarta rồi đi vào đối thoại với các nước lớn Trung Quốc và Mỹ và tham dự với tinh thần xây dựng vào các hội nghị quốc tế về Campuchia, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế trước khi Liên Xô sụp đổ, tránh tình trạng cho Việt Nam bị hẫng hụt đột ngột vì mất nguồn viện trợ và thị trường chính.
Khi các nước lớn đi vào hoà dịu, hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia và từ sau khi Việt Nam bắt đầu rút dần quân tình nguyện khỏi Campuchia, các nước ASEAN chuyển thái độ, dần dần tách khỏi lập trường của những nước hậu thuẫn cho Campuchia Dân chủ để đi vào đối thoại với Việt Nam. Mở đối thoại với các nước ASEAN đã tạo ra cục diện mới từng bước thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ giữa các nước trong khu vực, làm thất bại âm mưu của các lực lượng thù địch cấu kết với nhau chống phá cách mạng Việt Nam.
Cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Việt Nam và Inđônêsia ở thành phố Hồ Chí Minh và cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Hunxen và Hoàng thân Xihanuc ở Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi, đưa đến cuộc gặp không chính thức về vấn đề Campuchia giữa đại diện các nước ASEAN và đại diện các nước Đông Dương (JIM-1) được tổ chức ở Bôgo, Inđônêsia, từ ngày 25 đến 28 tháng 7 năm 1988. JIM-1 kết thúc với tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị về khuôn khổ cho một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia với hai vấn đề then chốt: quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia; ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng ở Campuchia và chấm dứt sự viện trợ quân sự của nước ngoài cho các bên Campuchia. Tại đây, ba phái Campuchia Hunxen - Xihanuc - Xon Xan tán thành khung giải pháp đó. Riêng phái Khmer Đỏ chống lại. Với JIM-1, tình trạng đối đầu giữa hai nhóm nước ở Đông Nam á giảm dần, mở ra giai đoạn bình thường hoá quan hệ và hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực.
Tiếp tục công cuộc tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, từ ngày 19 đến 21 tháng 2 năm 1989, JIM 2 họp ở Jakarta. Nhờ có sự phối hợp vận động và đấu tranh khéo léo của Việt Nam, Campuchia và Lào, các nước ASEAN nhất trí với những nguyên tắc lớn của giải pháp: “Việt Nam rút hết quân; chấm dứt viện trợ quân sự và sự can thiệp từ bên ngoài vào Campuchia, loại trừ sự quay trở lại của chính sách và chế độ diệt chủng” [6, tr.333]. Những nguyên tắc đó về cơ bản phù hợp với lập trường của Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Thành công của JIM-2 đã góp phần củng cố thêm cơ sở cho một giải pháp về vấn đề Campuchia.
Cùng với JIM-1, JIM-2, Cộng hoà Nhân dân Campuchia mở diễn đàn Hunxen - Xihanuc, diễn đàn ba bên và bốn bên Campuchia. Diễn đàn Hunxen - Xihanuc có tác dụng góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề nội bộ bằng biện pháp chính trị giữa các bên Campuchia, có sự bảo đảm quốc tế. Phái Khmer Đỏ đã phá các thoả thuận JIM-1, JIM-2 và các cuộc gặp riêng khác, hy vọng rằng sau khi Việt Nam rút hết quân, chúng có thể quay trở lại giành thắng lợi. Lập trường đó đã đẩy Khmer Đỏ vào thế ngày càng bị cô lập. Ngày 30 tháng 4 năm 1989, Quốc hội Campuchia ra tuyên bố về nền trung lập vĩnh viễn của Campuchia và đổi tên Cộng hoà Nhân dân Campuchia thành Nhà nước Campuchia phù hợp với yêu cầu của Hoàng thân Xihanuc.
Quan hệ giữa các nước Đông Nam á từ 1987 đã từ tình trạng đối đầu chuyển từng bước sang vừa hợp tác vừa đấu tranh cùng tồn tại hoà bình. Các cuộc gặp giữa hai nhóm nước ở Đông Nam á đã giải quyết được mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và tạo khuôn khổ hợp tác giữa hai nhóm nước ở Đông Nam á để giải quyết các vấn đề khu vực. Đặc biệt chính quyền Thái Lan lúc này quyết tâm tách khỏi chính sách đối đầu của Trung Quốc ở Đông Nam á. Sau khi trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 7 năm 1988, ông Xạtxai Chunhavăn đã tuyên bố quyết tâm của chính phủ ông: “Biến bán đảo Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” [26, tr.14]. Chính sách Đông Dương mới của chính phủ Thái Lan không chỉ tác động tích cực tới quá trình hòa dịu ở Đông Nam á mà còn góp phần đáng kể tới quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Campuchia. Trong tình hình đó, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách gây căng thẳng trên bộ và trên biển ở khu vực này chỉ làm tăng mối lo ngại đối với nguy cơ bá quyền của Trung Quốc. Với việc quân Việt Nam, cốt lõi của vấn đề Campuchia không còn là vấn đề rút quân tình nguyện Việt Nam nữa mà trở thành vấn đề làm sao loại trừ chế độ diệt chủng Pônpôt.
Có thể nói, trong thời gian đầu mới thành lập, ASEAN là sản phẩm được tạo nên bởi một số nước Đông Nam á vào thời điểm nóng bỏng khu vực trong bối cảnh chiến tranh lạnh trên thế giới. Với sự vận dụng linh hoạt và có nguyên tắc đường lối đổi mới, Việt Nam đã cải thiện cơ bản quan hệ trong khu vực cũng như phạm vi thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thể vượt qua nhiều khó khăn trước những biến động của tình hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, phá vỡ tình trạng cô lập từ đầu những năm 1980 và hội nhập một cách cẩn trọng vào khu vực và thế giới. Những thành tựu này tạo nên cơ sở vững chắc cho quá trình hội nhập tiếp theo trên phạm vi quốc tế.
Như vậy quá trình tham gia đối thoại với ASEAN, quan hệ Việt Nam với các nước này có nhiều cải thiện đáng kể. Từ hình thái “đối đầu” với các nước ASEAN trong những năm 1979 - 1986 chuyển dần sang hình thái “cùng tồn tại hoà bình” trong những năm 1986 - 1991 và cùng tìm giải pháp tốt cho vấn đề Campuchia.