2.3.2.1. Vòng 1 của Hội nghị Quốc tế Paris về Campuchia.
Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia được tổ chức từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 30 tháng 8 năm 1989. Hội nghị tiến hành ngoài khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc tuy có mặt De Guellar, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và bộ trưởng ngoại giao 5 nước thành viên Hội Đồng Bảo An. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc dự hội nghị chỉ với tư cách một thành viên của hội nghị. Trong hội nghị này, lần đầu tiên các bên Campuchia đối địch ngồi sát cạnh nhau, dưới một cái biển ghi tên chung là Campuchia. Ngoài đại diện của 4 phái Campuchia: Hunxen (CHND Campuchia), Khiêu Samphon (Khmer Đỏ), Ranarit (phái Xihanuc), Son Soubert (con Son San), có các đoàn đại biểu của 17 nước do Bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, úc, ấn Độ, Canada, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Inđônêxia, Singapore, Malaysia, Philippin, Brunei. Phong trào Không Liên Kết do ngoại trưởng Zimbawe đại diện. Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas và ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas là đồng chủ tịch hội nghị. Đoàn Việt Nam tới Paris gồm có: Lê Mai, Đặng Nghiêm Hoành, Ngô Điền, Hà Văn Lâu, Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, Tôn Nữ Thị Ninh ngoài ra còn có thiếu tướng Phi Long được Bộ Quốc Phòng cử đi tham gia đoàn. Thành phần hội nghị tuy xem như không có lợi cho Việt Nam, song đến hội nghị với thế mạnh của Tuyên bố Việt Nam rút hết
quân vào cuối tháng 9 năm 1989 mà Cộng hòa nhân dân Campuchia vẫn tỏ ra vững vàng tự tin. Suốt thời gian hội nghị nổi cộm lên hai vấn đề lớn:
Loại trừ hay chấp nhận bọn diệt chủng Pônpôt;
Duy trì hay xoá bỏ nguyên trạng chính trị và quân sự ở Campuchia.
Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trong suốt quá trình hội nghị. Đối phương dùng áp lực của 5 nước lớn và đa số trong hội nghị đòi áp đặt việc lập Chính phủ liên hiệp lâm thời 4 bên do Xihanuc đứng đầu và đòi lập bộ máy kiểm soát quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Còn phía Việt Nam đòi loại trừ bọn diệt chủng Pônpôt, đòi tôn trọng nguyên tắc nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, tôn trọng nguyên trạng ở Campuchia có hai chính quyền, tôn trọng quyền của nhân dân Campuchia tự quyết định chế độ chính trị của mình và lập chính phủ của mình thông qua tổng tuyển cử tự do. Phía Việt Nam chấp nhận vai trò của Liên Hiệp Quốc nếu Liên Hiệp Quốc chấm dứt những nghị quyết thiên vị, ủng hộ một bên chống một bên. Phát biểu của Việt Nam tại phiên họp toàn thể tập trung lên án diệt chủng Pônpôt, khẳng định kết luận của JIM về hai vấn đề then chốt (rút quân Việt Nam và lên án diệt chủng) và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, đề cao vị trí của Nhà nước Campuchia. Hội nghị đã có sự mở đầu tốt đẹp, song triển vọng là khó dự đoán, chủ yếu do: “Campuchia và Việt Nam không chịu nhượng bộ chút nào” [39, tr.1].
Theo quan điểm của Trung Quốc, nếu Việt Nam đồng ý có chính phủ lâm thời 4 bên Campuchia (tức là có cả Khmer đỏ như một thành viên ngang với 3 bên kia) thì vấn đề Campuchia coi như giải quyết và đề nghị Việt Nam không dùng từ “diệt chủng”; vấn đề diệt chủng là việc nội bộ Campuchia, do họ tự giải quyết. Sở dĩ Trung Quốc đến Hội nghị Paris trong khi chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề Campuchia là vì họ đang cố gắng gỡ thế cô lập sau sự kiện Thiên An Môn và trong lúc nội bộ họ vẫn đấu tranh gay gắt về các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trung Quốc bất chấp tình hình thực tế, đưa ra đòi hỏi rất cao là xoá nguyên trạng ở Campuchia trước tổng tuyển cử, chia sẻ quyền lực cho 4 phái, làm suy yếu cách mạng Campuchia, chia rẽ 3 nước Đông Dương. Mỹ, phương Tây, ASEAN mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề
Khmer Đỏ, nhưng thống nhất với Trung Quốc trong việc không chấp nhận nguyên trạng ở Campuchia, và có lợi ích không làm xấu thêm quan hệ với Trung Quốc.
Trong hội nghị, Việt Nam cố tránh tranh cãi với đoàn Trung Quốc nhưng trong buổi họp uỷ ban 1 (Uỷ ban về kiểm soát quốc tế) ngày 16 tháng 8 bàn vấn đề diệt chủng, sau khi đoàn Việt Nam phát biểu lên án Khmer Đỏ, vạch tội ác diệt chủng, đại biểu Trung Quốc đã phản bác: “Việt Nam đòi kết tội diệt chủng là để che dấu hành động xâm lược, thoái thác trách nhiệm, viện cớ chống diệt chủng để đưa quân trở lại Campuchia; kết tội diệt chủng thì Khmer Đỏ sẽ không được tham gia chính quyền, sẽ vào rừng tiếp tục đánh nhau, do đó sẽ không có hoà bình ở Campuchia; và đổ tội cho Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của hội nghị” [91, tr.1]. Việt Nam cũng vạch rõ sự thật lịch sử là những năm 1975 - 1978 là thời gian chế độ diệt chủng Pônpôt hoành hành thì Việt Nam không có mặt ở Campuchia, lúc đó chỉ có cố vấn Trung Quốc mà thôi. Sau phát biểu của Việt Nam về vấn đề diệt chủng, trừ Trung Quốc và Singapore, không còn ai nói cắt bỏ từ “genocide” (diệt chủng). Xihanuc tuyên bố không cho Khmer Đỏ đại diện cho 3 phái.
Sau khi dự thảo Tuyên bố của Hội nghị được thông qua, mới đi vào phiên họp chính thức để bế mạc Hội nghị sau một tháng làm việc liên tục. Tuyên bố chung ngắn gọn của Hội nghị Quốc tế Paris về Campuchia ghi nhận Hội nghị này là một bước tiến có ý nghĩa. Hội nghị tạm ngừng, kêu gọi các bên Campuchia và các nước có liên quan tiếp tục cố gắng để đi tới một giải pháp toàn bộ. Hội nghị không thành công do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là Trung Quốc và đối phương muốn giải quyết trên cơ sở xoá bỏ Nhà nước Campuchia, Mặt khác Trung Quốc còn hy vọng làm thay đổi được tình hình sau khi Việt Nam rút quân. Hơn nữa các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề Campuchia để: “cô lập Việt Nam với thế giới và khu vực” [16, tr.229]. Hội nghị kết thúc một giai đoạn đấu tranh và mở ra giai đoạn đấu tranh mới về vấn đề Campuchia trong tình hình Việt Nam đã rút hết quân ở Campuchia nhưng vấn đề Campuchia vẫn chưa có giải pháp.