Quá trình đàm phán để ký Hiệp ước bổ sung.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ CAMPUCHIA – VIỆT NAM 1985 - 2006 (Trang 70 - 74)

Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là Hiệp ước được ký kết giữa hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hiệp ước này tạo ra cơ sở pháp lý rất quan trọng để hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài. Nội dung Hiệp ước phù hợp lập trường hai nước từ sau năm 1954. Thủ tục ký kết và thực hiện chặt chẽ từ Hiệp ước nguyên tắc đến Hiệp ước hoạch định.

Việc áp dụng nguyên tắc bản đồ là một quyết định đúng đắn của hai nước, song khi lựa chọn và áp dụng bản đồ, hai bên phải chấp nhận trên thực tế những hạn chế như sau: Bản đồ Bonne xuất bản rải rác trong nhiều năm khác nhau từ năm 1951 đến 1954; nội dung và chất lượng bản đồ chưa hoàn thiện (có nhiều mảnh xuất bản tạm thời, một số mảnh có chỗ bỏ trắng địa hình, đường biên giới giữa một số mảnh bị đứt đoạn); tỷ lệ của bản đồ quá nhỏ (1/100.000), được in ấn từ những năm 50 thế kỷ trước nên không còn phù hợp với thực địa thay đổi theo thời gian. Hơn nữa, việc ghi nhận hai bộ bản đồ có giá trị như nhau trong phân giới cắm mốc dẫn đến những phức

tạp trên thực địa khi có sự khác biệt giữa bản đồ với bản đồ, giữa bản đồ với thực địa, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long do hậu quả của lũ lụt thường xuyên. Về cơ bản, Hiệp ước năm 1985 đã hoạch định hầu hết đường biên giới giữa hai nước, song do những tồn tại nêu trên nên vẫn còn một vài điểm hai bên mới thoả thuận tạm thời, sẽ giải quyết trong quá trình đi thực địa.

Về sông suối biên giới, theo luật pháp và thực tiễn nhiều nước trên thế giới, biên giới thường đi theo luồng rãnh sâu (thalweg) đối với sông, suối tàu thuyền đi lại được và theo trung tuyến dòng chảy chính đối với sông, suối tàu thuyền không đi lại được. Khi đàm phán Hiệp ước 1985, Việt Nam đã đề nghị áp dụng như trên, nhưng Campuchia đề nghị Pháp vẽ như thế nào cứ giữ nguyên. Điều này dẫn đến thực tế là có những khúc sông hoàn toàn do Việt Nam quản lý, có những khúc sông hoàn toàn do Campuchia quản lý, dẫn đến những tranh cãi cục bộ về sử dụng nguồn nước giữa nhân dân địa phương hai nước. Sau 20 năm quản lý sử dụng sông suối biên giới, phía Campuchia thấy việc quy định biên giới chạy trên một bờ sông là bất tiện trong quản lý và sử dụng nguồn nước của nhân dân hai bên. Campuchia thừa nhận đề nghị trước kia của Việt Nam là hợp lý và mong muốn điều chỉnh biên giới sông, suối theo luật pháp và thực tiễn quốc tế. Việc điều chỉnh này cũng phù hợp nguyên tắc khác của luật quốc tế là cùng chia sẻ nguồn nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhất là khi Campuchia và Việt Nam đều là thành viên của Uỷ ban sông Mêkông. Việt Nam cũng đã cùng với Lào và Trung Quốc giải quyết sông, suối biên giới như vậy.

Ngoài ra, từ năm 1989 đến nay, các đảng đối lập ở Campuchia liên tục dùng vấn đề biên giới lãnh thổ để chống Việt Nam, chia rẽ quan hệ Campuchia - Việt Nam, nhiều lần yêu sách đòi xóa bỏ các Hiệp ước, Hiệp định biên giới Campuchia - Việt Nam đã ký trong những năm 80. Song, họ không thể phủ nhận được tính chất khách quan, công bằng và giá trị của các Hiệp ước, Hiệp định trên. Hiến pháp Campuchia 1993 yêu cầu "tôn trọng đường biên giới do Pháp vẽ vào giữa những năm 1933- 1953". Điều này hoàn toàn phù hợp nội dung của Hiệp ước 1985. Ngày 02 tháng 4 năm 1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Campuchia. Trong chuyến thăm này hai bên có đưa ra vấn đề biên giới và vấn đề người Việt Nam sinh sống tại Campuchia. Vấn đề biên giới là vấn đề tồn tại lâu dài giữa hai nước, Campuchia cho rằng: “Việt Nam

đã vạch ra đường biên giới lấn sâu vào đất Campuchia, mà có nơi tới hàng chục km. Chính phủ Campuchia đã thấy vấn đề này, Campuchia sẽ thực hiện một cách đúng đắn và sáng suốt sau khi có được sự ổn định”[47, tr.1]. Ngày 08 tháng 8 năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Campuchia. Trong chuyến thăm này Lê Đức Anh đã cùng với hai đồng Thủ tướng Campuchia thỏa thuận sẽ tìm một giải pháp tạm thời để tránh những mối bất đồng kéo dài bấy lâu nay giữa hai nước: “Hai bên quyết định giữ nguyên đường biên giới hiện nay được xem là một bước tiến xóa bỏ những quan điểm dị biệt không hay đến mối quan hệ giữa Hà Nội và Phnôm Pênh từ nhiều năm qua”[48, tr.1].

Thế nhưng, các đảng phái đối lập ở Campuchia tiếp tục chỉ trích về Hiệp ước biên giới 1985. Chính vì vậy mà Thủ tướng thứ hai Hunxen tuyên bố ngày 14 tháng 3 năm 1997, ông cho rằng: “Có thể đồng ý hủy bỏ Hiệp ước nếu Quốc hội bày tỏ sự không hài lòng với nó”. Còn ông Var Kim Hong, cố vấn của hai Thủ tướng Campuchia về các vấn đề biên giới cho rằng: “Hủy bỏ Hiệp ước là một sai lầm vì Campuchia đã giành được lãnh thổ với Hiệp ước trên và Hiệp ước còn qui định sẽ có các cuộc thương lượng trong tương lai về các hòn đảo khác còn đang tranh chấp. Campuchia sẽ không có lợi khi hủy bỏ Hiệp ước”[49, tr.2]. Hơn nữa theo Raoul Marc Jenner người vừa hoàn thành luận văn với nhan đề: “Những đường biên giới Campuchia ngày nay”, ông khuyên các nhà chính trị Campuchia nên: “Tự cưỡng lại ý nguyện chơi con bài chủ nghĩa dân tộc và tình cảm bài Việt mà nên bắt đầu tập trung hùng biện của mình vào những ý tưởng nhằm cải thiện lãnh thổ đang tồn tại của Campuchia. Đưa tấm gương Thụy Sĩ và Xingapo, thành công của một nước sẽ không còn phụ thuộc vào tầm vóc (lãnh thổ) và sức mạnh quân sự. Khi mà chúng ta đang tiến gần đến sự kết thúc của thế kỷ, thì sức mạnh của một nước sẽ không còn được xây dựng trên diện tích lãnh thổ mà dựa trên phát triển kinh tế và ảnh hưởng văn hóa”[49, tr.2].

Năm 1998, trong Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước nhân dịp Thủ tướng Campuchia Ung Huốt thăm Việt Nam, hai bên khẳng định tiếp tục tôn trọng các Hiệp ước, Hiệp định về biên giới đã ký, trong đó có Hiệp ước 1985. Hai bên đều có nhu cầu tiếp tục khẳng định giá trị của Hiệp ước 1985 trước những luận

điệu chia rẽ đoàn kết giữa hai dân tộc. Hai bên cùng chia sẻ mục tiêu chung sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển giữa hai nước.

Vấn đề biên giới giữa Campuchia với các nước láng giềng đang là một trong những vấn đề phức tạp, bị lực lượng đối lập sử dụng để tố cáo chính phủ. Tại buổi bế mạc hội nghị kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1999 của lực lượng công an Campuchia, Thủ tướng Hunxen nêu rõ: “Vấn đề biên giới Campuchia với các nước láng giềng cần phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, đồng thời cần phải thống nhất một quan điểm chung là sau khi chấm dứt nội chiến, hay nói chính xác hơn là xung đột nội bộ, sẽ không còn lý do gì để Campuchia gây xung đột với bất kỳ quốc gia nào”[52, tr.2]. Tháng 7 năm 1999, giới sinh viên Campuchia tại Phnôm Pênh theo lời kêu gọi của đảng đối lập Sam Rainsy đặt ra những yêu sách về biên giới giữa hai nước nhưng Thủ Tướng Hunxen đã công khai chỉ trích những đòi hỏi này và ông kêu gọi: “Người dân Campuchia kiên nhẫn để cho Chính phủ giải quyết các tranh chấp biên giới với các nước láng giềng”. Tuy nhiên ông cũng nói thẳng là: “Phnôm Pênh không tài nào đòi lại vùng Campuchia Crôm (Nam Bộ Việt Nam). Nếu ai muốn đòi cứ việc, còn tôi không làm”[53, tr.4].

Trong tình hình đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 là yêu cầu khách quan, phù hợp luật pháp và tập quán quốc tế, phù hợp mối quan hệ láng giềng hữu nghị Campuchia - Việt Nam và nguyện vọng của chính quyền và nhân dân hai nước. Từ năm 1999, đàm phán đã được nối lại trong khuôn khổ ủy ban liên hợp. Đàm phán thật sự đi vào thực chất sau chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 3 năm 2005 và đạt được kết quả ký Hiệp ước bổ sung ngày 10 tháng 10 năm 2005 tại Hà Nội.

Sau khi Hiệp ước bổ sung được quốc hội hai nước phê chuẩn và ký kết thì ở Campuchia có một nhóm nhỏ bọn phản động đã gia tăng việc tuyên truyền xuyên tạc sự thật về vấn đề biên giới và chỉ trích vào Chính phủ Hoàng gia và Đảng CPP và đặc biệt là đối với Thủ tướng Hunxen, một cách không có trách nhiệm, không tôn trọng quyền lợi của đất nước và nhân dân. Trong khi đó, Đảng CPP luôn luôn kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và mọi thành quả của đất

nước, nhấn mạnh lập trường như sau: “Đảng CPP kiên quyết ủng hộ các Hiệp ước và thỏa thuận về biên giới đã được Cộng hòa nhân dân Campuchia ký với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các năm 1982, 1983 và 1985; Đảng CPP hoàn toàn ủng hộ việc ký Hiệp ước biên giới bổ sung cho Hiệp ước phân định biên giới năm 1985 trên cơ sở bình đẳng đối với cả hai nước nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình hữu nghị; Đảng CPP cực lực tố cáo nhóm phản động đang vu cáo hoàn toàn không có cơ sở và có ý định xấu về chính trị đối với chính phủ Hoàng gia, Đảng CPP và Hunxen”[58, tr.1].

Một phần của tài liệu QUAN HỆ CAMPUCHIA – VIỆT NAM 1985 - 2006 (Trang 70 - 74)