Tăng cường tham gia đối thoại với Trung Quốc.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ CAMPUCHIA – VIỆT NAM 1985 - 2006 (Trang 41 - 46)

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đã gửi cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông điệp miệng nêu rõ: “Việt Nam không cho rằng việc giải quyết vấn đề Campuchia có liên quan tới bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc” [6, tr.333].

Ngày 20 tháng 5 năm 1988, Bộ Chính trị ra nghị quyết 13 chủ trương giải quyết vấn đề Campuchia trước năm 1990 và phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Nghị quyết nói rõ việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hoá, quan hệ hai nước khó trở lại ngay như những năm 1950, 1960. Cuộc đấu tranh tiếp tục dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không ở tình trạng đối đầu, chuẩn bị tốt về mọi mặt để đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xấu hòng làm suy yếu Việt Nam, diễn biến hoàn bình, chia rẽ, phá hoại nội bộ, chia rẽ 3 nước Việt nam, Lào, Campuchia.

Tất cả những động thái đó đã tạo ra khả năng thực tế phá vỡ bế tắc về vấn đề Campuchia đã kéo dài hơn 8 năm. Trung Quốc buộc phải tính toán lại, họ không còn khả năng khống chế ASEAN cũng như Xihanuc nữa. Về phía các nước ASEAN, điều khiến họ lo ngại Việt Nam nhất trong vấn đề Campuchia là việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia nay đang được dỡ bỏ với việc Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia. Các diễn đàn mới về vấn đề Campuchia được mở ra khiến cho sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam bị hạn chế lại.

Bên cạnh việc tích cực tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, Việt Nam còn tiến hành nhiều hoạt động trực tiếp thể hiện thái độ hòa hoãn và mong muốn bình thường hóa với Trung Quốc: đầu tiên là trong năm 1988, Việt Nam đã bỏ những nội dung chống đối Trung Quốc trong lời nói đầu của bản Hiến pháp. Sau đó, ngày 15 tháng 7 năm 1988, ngoại trưởng Việt Nam - Nguyễn Cơ Thạch đã đề nghị một loạt các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước như chấm dứt hoạt động vũ trang ở biên giới đất liền, hải đảo, giãn quân về tuyến sau để tránh xung đột, tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới qua lại thăm viếng lẫn nhau. Đồng thời phía Việt Nam cũng đơn phương thực hiện những đề nghị mà không đòi hỏi phía Trung Quốc phải đáp lại.

Ngày 15 tháng 12 năm 1988, Việt Nam lại chính thức đề nghị với Trung Quốc tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao bàn về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Nhưng, từ sau Đại hội VI (1986) đến cuối năm 1988 chính quyền Bắc Kinh vẫn không có cuộc gặp trực tiếp nào đáp lại những cố gắng của Việt Nam. Nhưng đến

tháng 11 năm 1988, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô sang thăm Việt Nam và có trao đổi với Bộ ngoại giao Việt Nam về việc giải quyết vấn đề Campuchia, chuẩn bị cho chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tiền Kì Tham. Điều đó cho thấy đã có một sự dàn xếp giữa Liên Xô và Trung Quốc về vấn này.

Với chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã đề nghị Liên Xô thông báo cho Trung Quốc biết lập trường của Việt Nam là sẳn sàng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rút hết quân tình nguyện ở Campuchia như đã tuyên bố.

Ngày 01 tháng 12 năm 1988, trong chuyến thăm chính thức Liên Xô, Bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc - Tiền Kì Tham đã được phía Liên Xô thông báo lại: “Lập trường xây dựng của Việt Nam trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia” [65, tr.70], đồng thời cũng cho rằng cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với vấn đề Campuchia.

Tình hình xung quanh vấn đề Campuchia chuyển biến nhanh. Từ cuối năm 1989, Việt Nam đã rút hết quân đội và chuyên gia khỏi Campuchia, Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Đông Dương, chấm dứt ủng hộ Chính phủ liên hiệp ba phái Campuchia, bắt đầu đàm phán với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt. Các nước phương Tây khác và ASEAN vượt qua hàng rào cấm vận, bắt đầu tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh tế với Việt Nam.

Trước những hành động thể hiện quyết tâm rút khỏi Campuchia của Việt Nam và không thể dùng Liên Xô để buộc Việt Nam phải rút quân nữa, Trung Quốc đã chủ động đưa ra lời đề nghị Việt Nam cử một thứ trưởng ngoại giao đi Bắc Kinh vào giữa tháng 01 năm 1989 để trao đổi với Trung Quốc về vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, chuẩn bị cho cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao hai nước như lời đề nghị của Liên Xô. Cuộc đối thoại Việt - Trung chính thức được nối lại sau đó.

Cuộc gặp cấp Thứ trưởng ngoại giao đầu tiên đã diễn ra. Song, hai bên cũng chỉ đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam rút quân vào tháng 9 năm 1989, Trung Quốc và Việt Nam chấm dứt viện trợ quân sự cho các bên Campuchia... còn lại một số vấn đề khác vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung. Cuối cùng, hai bên đã đi đến thống nhất tiếp tục đàm phán cấp thứ trưởng vòng hai. Đồng thời, Trung Quốc cũng

cho Việt Nam biết rằng: “Nếu cuộc gặp vòng hai có kết quả và vấn đề Campuchia có tiến triển thì Trung Quốc mới khẳng định việc tổ chức cuộc gặp hai bộ trưởng ngoại giao của hai nước để đi đến bình thường hóa” [65, tr.73]. Điều đó cho thấy, Trung Quốc vẫn chưa muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mà vẫn tiếp tục lấy việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam để làm điều kiện buộc Việt Nam phải ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Campuchia.

Như vậy, việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Mĩ, ASEAN... đều phụ thuộc vào việc rút quân khỏi Campuchia của Việt Nam. Do đó, Việt Nam không thể không tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Campuchia và tiến hành rút quân như theo kế hoạch đã tuyên bố nhằm vô hiệu hóa “con bài rút quân” của các nước này. Vì lợi ích dân tộc, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và quyền tự quyết dân tộc, hoà hiếu với các nước láng giềng, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước “không gây thù oán với ai” [24, tr.115], Việt Nam đã tích cực đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Nhằm mục đích thúc đẩy nhanh hơn quá trình đàm phán Việt Nam - Trung Quốc, tháng 11 năm 1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông điệp bày tỏ mong muốn sớm bình thường hoá quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước. Ngày 12 tháng 12 năm 1989, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trả lời thông điệp trên, với nội dung chính là Việt Nam rút hết, rút triệt để quân đội khỏi Campuchia, đồng thời giải quyết việc lập chính phủ liên hợp lâm thời bốn bên do Xihanuc đứng đầu, Trung Quốc sẵn sàng xem xét đề nghị của Việt Nam về việc mở cuộc thương lượng cấp thứ trưởng nếu Việt Nam chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì có bốn bên Campuchia tham gia để kiểm chứng việc rút quân Việt Nam và việc thành lập Chính phủ liên hiệp bốn bên. Trong khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Trung Quốc và đồng minh của họ là Khmer Đỏ lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn:

Trước hết, đó là việc Trung Quốc bị Mĩ, Nhật và phương Tây thi hành chính sách cấm vận sau sự kiện chính quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu những người biểu tình tại Thiên An Môn (6/1989). Liên minh Trung - Mĩ với mục đích chống Liên

Xô và liên minh Trung Quốc - ASEAN chống lại Việt Nam giờ đây đã không còn lí do để tồn tại khi mà quan hệ Mĩ - Xô còn đối đầu và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và đang tích cực nối lại quan hệ với các nước này.

Thứ hai, đó là kể từ ngày 18 tháng 7 năm 1990, Mĩ không còn ủng hộ lực lượng Khmer Đỏ - đồng minh của Trung Quốc nữa. Và cuối cùng ngày 28 tháng 8 năm 1990, một văn kiện khung giải pháp cho vấn đề Campuchia cũng đã được ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra. Trong tình thế bị cấm vận và đang bị cô lập, Trung qốc buộc phải chấp nhận việc quốc tế hóa vấn đề Campuchia.

Một vấn đề bất lợi khác mà Trung Quốc phải đối mặt sau khi vấn đề Campuchia đã được giải quyết, đó chính là những bất đồng giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam á xuất phát từ việc tranh chấp trên biển Đông, cạnh tranh kinh tế và ngay cả nguy cơ bành trướng từ phía Trung Quốc như từng diễn ra trong quá khứ. Và giờ đây, Việt Nam đang trở thành một nhân tố tích cực trong việc xây dựng một Đông Nam á hòa bình và ổn định. Cho nên việc tiếp tục đối đầu với Việt Nam sẽ không còn phù hợp với chính sách Đông Nam á của Trung Quốc lúc này nữa.

Để thoát khỏi tình trạng bị cấm vận, mở rộng quan hệ với nước ngoài nhằm thực hiện cải cách và mở cửa, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng đã thực hiện chuyến thăm đến các nước Đông Nam á trong tháng 8 năm 1990. Khi đến thăm Singapore, ông cũng đưa ra lời tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng cuối cùng sẽ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam” [22, tr.208]. Ngay sau đó một ngày, Chủ tịch Hội Đồng bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười đã ra tuyên bố hoan nghênh tuyên bố của thủ tướng Lí Bằng.

Sau chuyến thăm ASEAN, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán bí mật tại Thành Đô (9/1990) theo đề nghị của Trung Quốc để giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ Việt - Trung. Từ sau cuộc đàm phán bí mật ở Thành Đô, hai nước đã tiếp tục thay đổi chủ trương và thiện chí của mình trong việc giải quyết vấn đề Campuchia:

Trong báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Trung Quốc khóa VII ngày 25 tháng 3 năm 1991, Thủ tướng Lí Bằng đã tuyên bố: “Chúng ta hy vọng phía Việt Nam và

Phnôm Pênh xuất phát từ cục diện lớn hòa bình ổn định trong khu vực này và lợi ích căn bản của nhân dân Campuchia, thuận theo trào lưu lịch sử, có thái độ hiện thực làm cho vấn đề Campuchia sớm được giải quyết. Trung Quốc mong muốn cùng với cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ các văn kiện có liên quan của Liên Hiệp Quốc, thông qua cố gắng sớm giải quyết toàn diện, công bằng hợp lí vấn đề Campuchia” [45, tr.3].

Cùng với sự tiến triển của việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, phía Việt Nam, trong văn kiện trình Đại hội VII của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng xác định: “Phấn đấu góp phần sớm đạt một giải pháp chính trị toàn bộ về vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Campuchia và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Trung ... giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước thông qua thương lượng” [10, tr.89]. Sau đó những hoạt động ngoại giao cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng giữa hai bên đã liên tiếp diễn ra để chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ khi vấn đề Campuchia được giải quyết.

Như vậy Việt Nam đã làm hết sức mình để tham gia đối thoại với Trung Quốc nhằm góp phần tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Việc đối thoại tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia không những đem lại hòa bình cho khu vực mà còn góp phần bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ CAMPUCHIA – VIỆT NAM 1985 - 2006 (Trang 41 - 46)