ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN Ở TỈNH BẾN TRE
2.3.4.1. Cá da trơn (chủ yếu là cá tra)
Nghề nuôi cá da trơn (chủ yếu cá tra) tại Bến Tre chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây nên diện tích thả nuôi chưa nhiều, năm 2008 là 650 ha, nhưng cái được là chất lượng cá nuôi ở đây rất cao, thịt cá trắng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bến Tre cũng đã có quy hoạch vùng nuôi cụ thể trên các cồn ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày (Nam & Bắc), Chợ Lách,… đó là nền tảng tốt để phát triển bền vững nghề nuôi loại cá da trơn này.
Biểu đồ 2.7. Diện tích và sản lượng cá da trơn Bến Tre thời kỳ 2005 – 2008. 0 100 200 300 400 500 600 700 2005 2006 2007 2008 Năm Ha 0 20000 40000 60000 80000 100000 120000 Tấn
Diện tích nuôi (ha) Sản lượng (tấn)
Nguồn: Sở NN&PTNT Bến Tre
Nghề nuôi cá da trơn xuất phát từ các tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang,… tại Bến Tre cá da trơn (chủ yếu là cá tra) chỉ mới bắt đầu phát triển từ năm 2005 trở lại đây. Tuy là vật nuôi mới của tỉnh nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh và được đánh giá là một trong 5 vật nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh. Năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 57,9 ha nuôi với tổng sản lượng là 4.500 tấn/năm, đến năm 2008 diện tích nuôi của tỉnh tăng lên 650 ha với tổng sản lượng hơn 100.025 tấn/năm, tăng gấp 11,2 lần về diện tích và 22,2 lần về sản lượng, điều đó cũng cho thấy rằng không những diện tích nuôi mà năng sức nuôi cũng tăng lên đáng kể.
Khác với các vật nuôi chủ lực khác, cá tra chủ yếu nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô mỗi trại nuôi tương đối lớn, có quy hoạch khá cụ thể cho từng vùng nuôi, ở giai đoạn đầu cá tra chỉ được nuôi với hình thức nuôi lồng bè ở môi trường nước ngọt, tập trung ở sông Tiền thuộc địa phận huyện Châu Thành và một phần sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Chợ Lách. Hiện nay, bên cạnh hình thức nuôi lồng bè thì hình thức nuôi ao đang phát triển khá mạnh và chiếm phần lớn diện tích nuôi cá tra của tỉnh, tập trung ở các bãi bồi ven các sông lớn hoặc trên
các dãy cù lao như cồn Bần (Mỏ Cày Nam), cù lao Ốc, cù lao Linh (Giồng Trôm), cồn Tiên Lợi (Châu Thành), cù lao Tấu (Bình Đại). Bên cạnh, phát triển nuôi cá tra ở môi trường nước ngọt thì cá tra hiện nay cũng được đưa vào nuôi thử nghiệm trong môi trường nước lợ với hình thức nuôi xen canh (yêu cầu giống phải có kích thước lớn và mật độ thả thưa), bước đầu mô hình nuôi này cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi luân canh trong ao đất, phân bố ở một số xã thuộc thuộc các huyện ven biển.
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh khác có phát triển cá da trơn thì hiện nay nghề nuôi cá da trơn của tỉnh cũng đang gặp khá nhiều khó khăn. Do việc phát triển diện tích nuôi một cách ồ ạt mà không chú trọng đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường cũng như việc dự báo chính xác nguồn nguyên liệu nên thời gian gần đây một số vùng nuôi đang có dấu hiệu suy thoái về môi trường nước, đặc biệt là tình trạng khủng hoảng về nguồn cá nguyên liệu mà diễn hình như vào đầu năm 2008 do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, giá cá liên tục giảm, giá thức ăn tăng cao, các nhà máy chế biến trong tỉnh chỉ có thể thu mua được khoảng ½ sản lượng cá nguyên liệu, dẫn tới tình trạng thua lỗ rất lớn.
Nhận thấy được giá trị của con cá da trơn cũng như những thách thức đặt ra, Bến Tre vẫn xác định cá tra vẫn là vật nuôi chủ lực của tỉnh, để đảm bảo việc nuôi cá da trơn trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, phát triển nghề nuôi cá da trơn theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. UBND tỉnh đã có quy hoạch chi tiết nuôi cá da trơn đến năm 2020 trên cơ sở phát triển nuôi ở những nơi phù hợp, có sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất con giống đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.