ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN THỦY SẢN Ở TỈNH BẾN TRE
2.3.2.2. Cơ sở hạt ầng, cơ sở vật chất kỹ thuật
* Giống thủy sản
Để đáp ứng cho nghề nuôi thủy sản hiện đại trong giai đoạn hiện nay thì công tác sản xuất giống cũng là khâu có tính chất quyết định đến sản lượng và chất lượng của vật nuôi. Trong những năm gần đây được sự quan tâm và giúp đỡ của Đảng và nhà nước cũng như các cấp chính quyền có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất giống sạch bệnh, có chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi không những trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho các địa bàn lân cận.
Hiện nay, tỉnh đã chủ động về một số giống thủy sản nước ngọt như cá điêu hồng, cá trê, ếch,… và gần đây ngày 15/11/2009 Trung tâm giống thủy sản Bến Tre kết hợp với Trung tâm giống thủy sản An Giang đã tổ chức thành công việc sản xuất giống cá tra nhân tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế SQF1000CM (Safe Quality Food – Tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và chất lượng nuôi trồng thủy sản áp dụng cho nông hộ), đây là một thành công lớn trong việc chủ động được nguồn giống cá tra tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.
Đối với giống tôm càng xanh, ngoài việc khai thác nguồn tôm giống tự nhiên thì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có được 14 trại sản xuất giống tôm càng xanh. Đa số trại sản xuất giống điều xây dựng đúng kỹ thuật, có đầy đủ trang thiết bị, có nguồn giống tôm bố mẹ tự nhiên đạt tiêu chuẩn, sinh sản tốt, tỷ lệ tôm đẻ và chuyển post thành công đạt từ 70 – 90%. Từ đầu năm 2007 đến nay, lượng tôm giống sản xuất ước đạt trên 23 triệu 300 ngàn post, đáp ứng được một phần nhu cầu post chất lượng cao cho người nuôi. Tuy nhiên, lượng con giống này chỉ đáp ứng phần nào về nguồn tôm càng xanh giống của tỉnh vì hiện nay nhu cầu giống tôm này là rất lớn, đặc biệt là con giống có kích cở từ 30 – 50 con/kg để phục vụ cho mô hình nuôi xen canh trong các mương vườn đang phát triển mạnh (tôm post thì không thích hợp cho mô hình này vì tỉ lệ hao hụt khá lớn).
Đối với giống các loại tôm biển mà diễn hình là tôm sú và tôm thẻ chân trắng (vật nuôi thủy sản có diện tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh), tuy số lượng các trung tâm chuyên sản xuất giống tôm biển không nhiều chủ yếu là do các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và quản lý. Trong đó, trung tâm sản xuất giống Huy Thuận tại Bình Đại – Bến Tre là một trong những địa chỉ đáng tin cậy, nơi chuyên cung cấp giống tôm nuôi sạch bệnh có chất lượng cao. Từ năm 2007, trung tâm đã áp dụng thành công công nghệ sản xuất sạch theo đúng quy trình sản xuất
tôm sú giống, 100% mẫu xét nghiệm đều đạt chuẩn. Hiện công ty đã có 7 trại (135 bể ương cung cấp 500 triệu post/năm (tôm sú và tôm thẻ chân trắng), công ty đang đầu tư xây dựng, định hướng mở rộng trong tương lai là 15 trại (300 bể ương) có thể cung ứng 1 tỷ post/năm, đủ để cung ứng giống tôm nuôi sạch bệnh cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Đối với con nghiêu thì hiện nay nhu cầu về giống để cung cấp cho đại bàn tỉnh cũng như việc xuất bán cho các tỉnh miền Trung là rất lớn, nhưng hiện nay chúng ta chỉ khai thác nghiêu giống tự nhiên, sản lượng khai thác bình quân từ 400 – 500 tấn/năm, có năm đạt 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt mục tiêu khai thác quá nhiều thì sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu có thể cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên này, vì thế chúng ta khai thác nhưng đồng thời cũng có biện pháp bảo vệ hợp lý, tránh gây thiệt hại đến môi trường sinh thái.
Tóm lại, vấn đề giống trên địa bàn tỉnh hiện nay tuy có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên cũng còn gặp rất nhiều vấn đề bất cập như thiếu một số loại giống thủy sản chủ lực, con giống không đảm bảo chất lượng,… nên cũng cần phải tổ chức lại khâu sản xuất và cung ứng con giống chất lượng, sạch bệnh đồng thời giá rẻ cho người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
* Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất
Đa số hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất thủy sản quy mô nhỏ, nhưng trong thời gian gần đây nhờ sự hướng dẫn và chuyển giao công nghệ của các cán bộ khuyến ngư cấp cơ sở kết hợp với khả năng ham học hỏi của người nuôi nên kỹ thuật nuôi thủy sản của nhiều hộ nuôi đã có những bước phát triển đáng kể, không ít hộ nuôi đã thành công nhờ những mô hình nuôi cải tiến của mình.
Khi nền kinh tế tỉnh bước sang giai đoạn kinh tế thị trường với những cạnh tranh khốc liệt, để thích ứng được thì người nuôi cũng cần phải chuyển sang hình thức nuôi công nghiệp hoặc nuôi quảng canh cải tiến. Do đó, cũng cần có sự giúp đỡ hơn nữa của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để các hộ nuôi đủ khả năng thích ứng với môi trường cạnh tranh như hiện nay.
* Cơ sở chế biến thức ăn
Tuy tỉnh có một tiềm năng khá lớn về nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thức ăn trong NTTS như bột tấm cám, các loại cá tạp, các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp,… đây là những sản phẩm rẽ tiền từ đó giảm chi phí đầu tư nhưng chất lượng cũng không thua kém nhiều so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng các loại thức ăn này chỉ thích hợp với đa phần các hộ nuôi thủy sản quy mô nhỏ hoặc nuôi dưới hình thức quảng canh. Đứng trước những nhu cầu mới, để đáp ứng hình thức nuôi thâm canh công nghiệp, thì nếu chỉ dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên không thì chưa đủ, nên cũng cần có sự hổ trợ đắt lực từ sản phẩm thức ăn công nghiệp.
Nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ cho NTTS của tỉnh hiện nay là rất lớn, ước tính dựa trên diện tích nuôi như hiện nay thì nhu cầu về thức ăn công nghiệp lên tới khoảng 100.000 tấn thức ăn mỗi năm.
Thị trường thức ăn đáp ứng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp hiện không thiếu, chủ yếu là nhập từ bên ngoài chính vì thế giá thành khá cao và lại có sự biến đổi thất thường về giá. Chẳng hạn như việc giá thức ăn tăng cao trong thời gian gần đây, nó đã có những tác động bất lợi khá lớn đến nhiều hộ nuôi. Vì thế, giải quyết tốt vấn đề thức ăn cho NTTS, đảm bảo sự yên tâm cho người nuôi cũng là một vấn đề cũng nên cần chú trọng đến trong giai đoạn hiện nay.
* Cơ sở chế biến thủy sản
Thủy sản Bến Tre là một ngành kinh tế mới phát triển mạnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên đến nay toàn tỉnh đã có 9 nhà máy chuyên về lĩnh vực sản xuất kinh doanh mặt hàng thủy sản, trong đó có 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP được phép xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thủy sản sang thị trường Châu Âu. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn rất nhiều các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủy sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa như: sản xuất khô mực, cá khô các loại, nước mắm, mắm,… tuy nhiên hầu hết các cơ sở này chưa có thương hiệu mạnh trên thi trường. Trong tương lai để nâng cao tính cạnh tranh cho các mặt hàng thủy sản tỉnh thì tất yếu cần phải tích cực phấn đấu thành lập nên các thương hiệu, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể dể dàng tiếp cận được sản phẩm thủy sản của tỉnh.
* Dịch vụ thủy sản
Chính nhờ các sự phát triển của các dịch vụ thủy sản trong thời gian gần đây đã tạo tiền đề, một động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của ngành thủy sản. Bến Tre xác định ngành thủy sản là một trong những ngành quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của tỉnh sau cây dừa và cây ăn trái. Dịch vụ thủy sản bao gồm các dịch vụ cung cấp thức ăn cho NTTS như tấm cám, cá biển, thức ăn chế biến từ công nghiệp, dịch vụ cung cấp thú y cho thủy sản, dịch vụ phổ biến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ trong việc NTTS, các dịch vụ vận tải phục vụ cho thủy sản,… Hoạt động thủy sản của tỉnh chỉ mới xuất hiện và phổ biến rộng rãi trong thời gian gần đây nhưng đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, giá trịđóng góp của nó không ngừng cải thiện và từng bước tăng lên đáng kể trong tổng giá trị của ngành thủy sản. Tuy giá trị sản xuất ngành dịch vụ thủy sản tăng liên tục qua các năm nhưng tốc độ phát triển chưa thật sự ổn định, nó phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường, chưa đủ lực để chi phối đối với các lĩnh vực khác của ngành.
Bảng 2.2. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ thủy sản Bến Tre qua các năm. Năm Tổng số Dịch vụ thủy sản Giá trị sản xuất (triệu đồng) % so với tổng ngành thủy sản Tốc độ tăng trưởng (%) 2001 1741518 183 0.011 3.4 2003 2096307 12022 0.573 4209 2004 2828319 13189 0.466 9.7 2005 3162744 33827 1.070 156.5 2007 4350716 39106 0.899 -42.8 2008 5848546 62309 1.065 59.3
Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bến Tre.
* Tàu thuyền đánh bắt
Tính đến thời điểm năm 2008 toàn tỉnh đã có 4.191 số tàu thuyền cơ giới tham gia trực tiếp vào việc đánh bắt thủy sản, với công suất đánh bắt bình quân là 96,4 CV/chiếc, trong đó có đến 1.167 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, trung bình mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất 305,2 Cv/chiếc, với tổng sản lượng khai thác khoảng 78.000tấn/năm. Nhìn chung thì tổng số tàu đánh bắt thủy sản trong những năm qua có sự biến động theo chiều hướng tăng nhưng tốc độ tăng không đáng kể, nhưng một điều đáng quan tâm là số lượng tàu đánh bắt sử dụng động cơ nhỏ đã có chiều hướng giảm đi đáng kể, thay vào đó là đội ngũ tàu có công suất lớn và khả năng đánh bắt xa bờ, tốc độ tăng của số lượng và công suất tàu đánh bắt xa bờ là rất đáng kể. chẳng hạn như vào năm 2000 toàn tỉnh chỉ có 355 tàu đánh bắt xa bờ với công suất trung bình là 111,9 Cv/chiếc, đến năm 2008 thì con số tàu đánh bắt xa bờ đã lên đến 1.167 chiếc với công suất trung bình là 305,2 Cv/ chiếc tăng khoảng 3,3 lần về số lượng và khoảng 2,7 lần về công suất.