Tuy nhiên, hầu hết các nước có ngành kinh tế thủy sản phát triển điều nhận thấy rằng: số lượng và chủng loại các loài thủy sản ngày càng có xu hướng cạn kiệt dần. Số lượng tàu cá ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng sản lượng khai thác ngày càng có xu hướng giảm dần. Ðể khắc phục tình trạng này và để đảm bảo an ninh thực phẩm cho quốc gia, nhiều khối liên kết kinh tế, nhiều quốc gia khai thác hải sản đã có hàng loạt các biện pháp kiên quyết và đồng bộ nhằm ngăn chặn nạn suy giảm và cạn kiệt nguồn lợi. Sau đây tác giả xin nêu một số rất ít các biện pháp của các quốc gia có ngành thủy sản phát triển chủ yếu về lĩnh vực khai thác và đây cũng là ngành gây tác động mạnh nhất đến sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua.
* EU: Nghề cá giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách an ninh thực phẩm của EU nên từ lâu họ đã biết rằng nguồn lợi của họ rất hạn chế, trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao. Việc nguồn lợi hải sản của EU cạn kiệt nhanh trong thập kỷ 90 vừa qua buộc họ phải thi hành ngay các biện pháp quyết liệt.
Biện pháp cấp “quota” cho từng nước thành viên được thi hành đầu tiên, nhưng kết quả thu được bị hạn chế vì để phục vụ cho lợi ích riêng, nhiều quốc gia thành viên không theo đúng các hạn mức cho phép. Tiếp theo EU tiến hành thông qua Uỷ ban Nghề cá EU cấp quota theo từng đối tượng riêng biệt cho từng vùng biển và từng quốc gia, tuy nhiên kết quả vẫn hạn chế vì EU không có khả năng kiểm tra được việc thi hành của tàu cá các nước trên biển và ở các cảng cá của cả khối.
Gần đây EU đưa ra chính sách mới là cắt giảm hạm tàu cá đi 30% sau 6 năm và chia thành 2 bước: 1999 – 2002 cắt giảm 15%, từ 2002 – 2005 cắt tiếp 15%. Bên cạnh đó họ rất chặt chẽ trong việc cấp giấy phép đóng tàu cá mới, kiên quyết loại bỏ các tàu cũ, lạc hậu.
Ngoài ra họ còn tích cực trợ giúp tài chính cho công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trước sức ép của dư luận, EU tuyên bố sẽ loại bỏ hẳn nghề lưới rê từ năm 2005. Ðây là việc làm rất khó khăn cho EU vì lưới rê cá thu và rê cá tuyết là các nghề quan trọng cho sản lượng lớn.
* Trung Quốc: Tuy sản lượng khai thác tăng rất nhanh và đạt con số rất lớn, nhưng Trung Quốc cảm nhận khá sớm về tình trạng nguồn lợi ven bờ bị cạn kiệt nhanh chóng. Biểu hiện là nguồn lợi cá đáy và tôm he ở các vùng biển phía Bắc bị cạn kiệt nhanh chóng.
Các biện pháp chủ yếu là: Loại bỏ hẳn nghề lưới kéo đáy sát bờ (từ 3 hải lý trở vào), đưa nghề lưới kéo đáy ra khơi, ra viễn dương và sang vùng biển các nước; cấm hẳn việc khai thác trong 2 tháng liền vào mùa sinh sản của hải sản ở từng vùng biển riêng; cải tổ triệt để và hiện đại hoá hạm tàu cá; tích cực thả con giống vào biển và đã thành công ngoài mong đợi về việc khôi phục và tăng nhanh nguồn lợi tôm he và nghề khai thác đối tượng này (sản lượng
tôm khai thác tăng nhanh tới 1 triệu tấn/năm); tăng cường pháp chế và quản lý nghề cá; giữ mức tăng sản lượng khai thác thuỷ sản bằng O.
* Canada: Vào đầu thập kỷ 90 vừa qua, đứng trước tình trạng nguồn lợi cá đáy, tôm hùm là 2 đối tượng khai thác quan trọng nhất bị suy giảm và có nguy cơ cạn kiệt nhanh, Canada đã thi hành chính sách kiên quyết nhất trong lịch sử khai thác hải sản thế giới. Họ cấm hẳn nghề khai thác cá tuyết trong 2 năm liền. Ðây là quyết định rất khó khăn vì sẽ giảm sản lượng đi gần 50%, giảm xuất khẩu hơn 50% và làm cho hàng vạn ngư dân thành thất nghiệp. Tuy nhiên, các khó khăn lớn đều được khắc phục. Nguồn lợi cá tuyết, tôm hùm được khôi phục rất nhanh chóng. Năm 1995 việc khai thác theo “quota” được khôi phục và đến nay sản lượng của họ đã gần được như trước khi có việc cấm khai thác.
* Hoa Kỳ: Tuy có nguồn lợi hải sản rất lớn và phong phú, nhưng Hoa Kỳ coi công tác bảo vệ và xử dụng hợp lý nguồn lợi này là một trong những chính sách lớn về an ninh thực phẩm quốc gia.
Trước hết, họ loại bỏ dần dần và cuối cùng là hoàn toàn đối với tàu cá nước ngoài vào khai thác ở vùng biển 200 hải lý của Hoa Kỳ (trước đây có rất nhiều tàu cá nước ngoài vào đánh bắt).
Tiếp theo, họ tiến hành cải tổ triệt để hạm tàu cá với việc siết chặt việc đăng ký và cấp giấy phép; loại bỏ tàu nhỏ cũ nát và làm các nghề tiêu diệt nguồn lợi; trợ giúp tài chính cho ngư dân đóng tàu cá mới hiện đại; xây dựng hạm tàu lưới kéo cỡ lớn để khai thác cá tuyết ở biển Alasca; xây dựng hạm tàu lưới vây cá ngừ rất lớn và hiện tại để khai thác chủ yếu ở biển quốc tế; giảm dần dần sản lượng khai thác hải sản qua từng năm. Nhờ có các chính sách và biện pháp đó mà sản lượng khai thác của Hoa Kỳ ổn định.
* Các nước Ðông Nam Á: Theo đánh giá của FAO, mặc dù sản lượng khai thác của các quốc gia Ðông Nam Á có sự tăng trưởng, nhưng tình hình nguồn lợi không có gì sáng sủa. Phần lớn các đối tượng khai thác quan trọng đã bị khai thác tới giới hạn, nguồn lợi ven bờ bị cạn kiệt, chỉ còn khả năng tăng sản lượng ở ngoài khơi với một số đối tượng nhất định như mực, một số loài cá ngừ.
Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản được ASEAN rất quan tâm. Nhiều hội thảo, hội nghị, nghị quyết, biên bản đã được tiến hành và được công bố. Có sự nhất trí cao trong các nước thành viên và công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp còn hạn chế và hiệu quả chưa cao.
Chỉ có Malaysia làm tốt hơn cả công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Hệ thống cập nhật số liệu và thông tin về tình trạng nguồn lợi, về sản lượng khai thác của từng tàu cá, từng
bang, từng cảng cá, sự hoạt động của từng tàu cá đều được theo dõi chặt chẽ, được thống kê đầy đủ. Các số liệu thu thập đều được xử lý nhanh chóng và tập trung. Ngoài ra, họ còn quản lý rất chặt chẽ tàu cá, quy định chỉ được sử dụng 23 loại công cụ khai thác, chuyển dần nghề khai thác từ bờ Tây sang bờ Ðông Indonesia đã cấm hẳn nghề lưới kéo đáy từ năm 1985 để bảo vệ hệ sinh thái rất giàu có và phong phú quanh hàng trăm hòn đảo. Họ quy định cho ngư dân chỉ được sử dụng 17 loại công cụ khai thác. Tuy nhiên, gần đây do khó khăn về kinh tế nên công tác bảo vệ nguồn lợi này thực hiện rất khó khăn.
Nguồn lợi ven bờ của Thái Lan đã bị cạn kiệt từ lâu, nên họ cũng rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ hệ sinh thái ven bờ, gần đây họ đã cấm hẳn việc khai thác ven bờ trong thời hạn ngắn ở từng địa phương, cấm khai thác từng đối tượng riêng lẻ (như cá chỉ vàng ở vịnh Thái Lan), tích cực đưa hạm tàu cá ra vùng biển quốc tế ở Ấn Ðộ Dương, Thái Bình Dương, liên doanh với các nước để vào khai thác.
Nhìn chung, các biện pháp được thực thi để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản một cách hiệu quả hiện nay gồm:
Cấp quota cho từng quốc gia, cấp quota cho từng loài, cắt giảm hạm tàu cá theo kế hoạch (EU).
Cấp quota cho từng loài quan trọng (Hoa Kỳ, Canada, Peru, Chile, Nauy, Nhật Bản).
Mô hình hoá hạm tàu cá và hiện đại hoá hạm tàu cá (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, EU).
Cấm khai thác từng thời gian, từng địa điểm (Trung Quốc, Peru, Chile, Thái Lan).
Phát triển nuôi nhân tạo các loài quý hiếm bị cạn kiệt để thay thế dần việc khai thác (Nauy, Nhật Bản, Ðài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Chile).
Thả con giống nhân tạo vào biển để duy trì và phát triển nguồn lợi, khôi phục lại nghề khai thác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga).