Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện Việt-Hàn

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (Trang 55 - 56)

VII- QUAN HỆ VỚI VIỆT NA M:

Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện Việt-Hàn

(TTXVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Lee Hae- Chan và Phu nhân sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/4.

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Lee Hae-Chan, diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Roh Moo-Hyun hồi tháng 10 năm ngoái, thể hiện sự coi trọng của Hàn Quốc đối với việc chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Trên cơ sở tương đồng về văn hóa, lại cùng nằm trong khu vực châu Á, Việt Nam và Hàn Quốc đã quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Các chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và quyết tâm của cả hai bên trong việc tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên. Cùng với sự ra đời của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam- Hàn Quốc (năm 1993), hai bên cũng đã thiết lập cơ chế trao đổi thường niên cấp vụ giữa hai Bộ Ngoại giao, cũng như cơ chế hợp tác trực tiếp giữa nhiều bộ, ngành của hai nước. Việt Nam và Hàn Quốc còn phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN, ARF, ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn quốc đã phát triển nhanh chóng, tốt đẹp và hiệu quả trên hầu khắp các lĩnh vực. Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng của nhau. Cho đến nay Chính phủ Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam các khoản tín dụng ưu đãi từ Quỹ Viện trợ phát triển (EDCF) tổng cộng 169 triệu USD và 54 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại. Từ nguồn vốn này, nhiều dự án nâng cấp đường giao thông, xây dựng các nhà máy nước, nhiệt điện, sản xuất thuốc đã được thực hiện, góp phần vào sự phát triển nhiều mặt của Việt Nam.

Đến tháng 9/2004, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 729 dự án với tổng số vốn 4,7 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng trong những năm qua, từ 2,75 tỷ USD năm 2002 lên hơn 3,9 tỷ USD năm 2004. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hải sản, hàng dệt may, dầu thô, giày dép, cà phê, cao su và nhập khẩu từ Hàn Quốc các nguyên phụ liệu dệt may, da, máy móc thiết bị, sắt thép, linh kiện điện tử và vi tính, phân bón, ô tô, xăng dầu.

Tuy nhiên, Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Hàn Quốc (năm 2002 là 1,8 tỷ USD; năm 2003 là hơn 2,1 tỷ USD và năm 2004 là 2,6 tỷ USD), chiếm gần 1/2 tổng nhập siêu của Việt Nam và là mức nhập siêu lớn nhất so với các nước khác. Việt Nam đang tích cực vận động để tăng cường xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Hàn Quốc nhằm giảm bớt sự mất cân bằng thương mại này. Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng phát triển tốt đẹp. Đến nay, Việt Nam có 25.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng trung bình 30%/năm. Nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác về du lịch đang được mở ra sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc có thời gian lưu trú dưới 15 ngày (từ ngày 1/7/2004).

Hợp tác văn hóa-giáo dục giữa hai nước cũng tiến triển mạnh, với nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Chính phủ Hàn Quốc cũng cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam./.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (Trang 55 - 56)