Điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 174 - 196)

II. ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ Ở NHẬT BẢN TRONG THỜI GIAN TỚI

3. Điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp

Một trong những đòi hỏi của điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp là làm thế nào để phát huy được tính năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp, khôi phục lại sức sống cho các doanh nghiệp nhằm tạo đủ khả năng và điều kiện để tham gia vào quá trình cạnh tranh đang diễn ra gay gắt trên thế giới. Quá trình điều chỉnh này chủ yếu thông qua các chương trình cơ bản: cải cách doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoá, cải cách cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh quy mô và hình thức quản lý công ty. Đây là một trong những nội dung chủ yếu của Chương trình cải cách cơ cấu kinh tế của Bộ Công thương Nhật Bản ban hành năm 1999 và Chương trình kinh tế trọn gói khẩn cấp của Chính phủ ban hành năm 2001.

a. Vấn đề phát triển doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoá

Nền kinh tế Nhật Bản dựa chủ yếu vào sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, bảo hiểm

nhân thọ, tài chính công cộng. Những hậu quả của suy thoái kinh tế trong thập kỷ 90 buộc người Nhật phải có sự nhìn nhận, đánh giá lại khu vực doanh nghiệp của họ và đưa ra những biện pháp điều chỉnh thích hợp để cải cách cơ cấu doanh nghiệp, nhằm củng cố vị thế cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, năm 2001 chính phủ đã đưa ra Chương trình Tái thiết và sắp xếp hợp lý cho các công ty thuộc khu vực công cộng. Chương trình này đã tiến hành giảm trợ cấp mạnh mẽ của chính phủ cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mạmh mẽ tư nhân hoá, nỗ lực mở rộng phạm vi và tạo cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển. Chính phủ dự tính sẽ tư nhân hoá bốn công ty: Công ty Quốc lộ công, Công ty Phát triển đô thị; Công ty Cho thuê nhà đất quốc doanh và Công ty Đầu tư quốc gia Nhật Bản. Chính phủ cũng có kế hoạch sẽ tư nhân hoá lĩnh vực kinh doanh bưu điện bao gồm: bưu chính; tiết kiệm và bảo hiểm nhân thọ và xem xét kỹ vai trò của khu vực tài chính công cộng. Để tăng thêm tính hiệu quả cho nền kinh tế, cơ chế thị trường tự do cũng sẽ được áp dụng trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc dưỡng lão phúc lọi xã hội và đầu tư. Các biện pháp quản lý tư nhân bao gồm tư nhân hoá hoạt động của các trường đại học quốc gia Nhật Bản cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

Đối với một số doanh nghiệp nhà nước chưa tư nhân hoá, chính phủ sẽ tiến hành xem xét kỹ càng việc quản lý các hoạt động của các doanh nghiệp để giảm những chi phí tài chính cho khu vực này. Chính phủ thực hiện Chương trình Cải cách có điều chỉnh trong 6 lĩnh vực công cộng được ưu tiên, đó là các lĩnh vực chăm sóc y tế, phúc lợi và chăm sóc trẻ em, nguồn nhân lực, giáo dục, môi trường và phục hưng thành thị. Chẳng hạn chính phủ đẩy mạnh việc thầu khoán tư nhân trong các trung tâm nhà trẻ theo mô hình PFI (cơ sở do nhà nước xây dựng nhưng do tư nhân điều hành); sửa đổi hợp đồng lao động nghiên cứu những cách tiếp

cận mới đối với việc quản lý trường học; dự án nhà nước trong phát triển khu đô thị, khu cao ốc chịu lửa. Nhìn chung đối với khu vực công cộng, biện pháp của chính phủ trong thời gian tới là nâng cấp công nghệ, tăng cường đầu tư và ưu tiên cho quản lý tư nhân.

b. Đẩy mạnh tái cơ cấu công ty

Để hoạt động doanh nghiệp mang tính hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các biện pháp điều chỉnh của chính phủ đưa ra là:

Thứ nhất, hướng dẫn tái cơ cấu cho những công ty đang gặp những khó khăn về tài chính và miễn nợ trong quá trình tái cơ cấu.

Thứ hai, chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cải cách cơ cấu doanh nghiệp thông qua việc sử dụng hiệu quả Luật về các biện pháp đặc biệt để khôi phục ngành công nghiệp, làm rõ những tiêu chuẩn để được chấp thuận những kế hoạch cải cách cơ cấu kinh doanh, trong đó có chính sách miễn nợ của ngân hàng. Chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích tái cơ cấu khu vực xây dựng.

Thứ ba, chính phủ sẽ sửa đổi Luật Tái cơ cấu công ty và Luật Tái cơ cấu nhân sự nhằm mang lại tính hợp lý hơn cho khu vực công ty.

Nội dung chủ yếu của tái cơ cấu công ty sẽ là như sau:

+ Phân loại các lĩnh vực hoạt động của công ty, ưu tiên phát triển các ngành nghề kinh doanh sản xuất, đặc biệt coi trọng sự hình thành và tồn tại của các công ty phần mềm và thông tin.

+ Coi trọng sự phát triển của các công nghiệp vừa và nhỏ. Ưu thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở chỗ: cơ cấu tổ chức gọn nhẹ nên dễ dàng và nhanh chóng có được những quyết định đầu tư đúng đắn, có sự linh hoạt và năng động để tồn tại trong môi trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.

+ Thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp theo hướng: đề ra cách thức tổ chức quyết định từ trên xuống, đơn giản hoá cơ cấu tổ chức và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động kinh doanh ở cấp cơ sở với hoạt động thanh quyết toán. Sự thay đổi cơ cấu này sẽ khắc phục những điểm yếu của "Cơ cấu tổ chức xí nghiệp của Nhật Bản". Những điểm yếu đó bao gồm: (1) Những vấn đề quan trọng liên quan đến phương hướng kinh doanh, dự án đầu tư, đều được quyết định theo hình thức từ dưới lên; (2) Cơ cấu tổ chức quá nhiều tầng và (3) Sự liên kết giữa hoạt động kinh doanh ở cấp cơ sở với tính độc lập trong thanh, quyết toán yếu. Sự thay đổi này cũng sẽ tạo ra những trách nhiệm rõ ràng trong các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả cao trong hoạt động của doanh nghiệp, giảm tính quan liêu trì trệ và khó thay đổi cơ cấu kinh doanh mà các doanh nghiệp Nhật Bản thường gặp phải trong thời gian qua. Dự tính chương trình này sẽ thực hiện trong vòng 5 năm kể từ cuối năm 1999.

+ Thay đổi chế độ tuyển dụng suốt đời và tuyển dụng theo thâm niên, chuyển sang chế độ tuyển dụng theo năng suất và hiệu quả công việc, đơn giản hoá cơ cấu tổ chức và tạo ra sự linh hoạt trên thị trường lao động. Chính phủ sẽ tiến hành xem xét lại chế độ thuế đối với người lao động và có chế độ hỗ trợ nhất định đối với các công ty tuyển dụng, xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho chế độ tuyển dụng mới, chẳng như tăng cường sự hỗ trợ cho việc nâng cao khả năng nghề nghiệp, mở rộng và tổ chức giới thiệu việc làm, giảm bớt sự ràng buộc về thời hạn trong hợp đồng tuyển dụng. Trong thời gian tới chính phủ sẽ ban hành Chế độ Tiền lương mới theo năng lực của người lao động nhằm phá huy "tính cá nhân" của người lao động trong công ty; chế độ nghỉ hưu sẽ được cải cách, chế độ phúc lợi sẽ được hình thành theo cơ chế của "chủ nghĩa năng lực".

+ Mở rộng việc áp dụng công nghệ thông tin cho hoạt động của các doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, và có sự phối hợp

giữa sản xuất và nghiên cứu sản phẩm mới trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn và các xí nghiệp vừa và nhỏ.

c. Quy mô công ty Nhật Bản trong thế kỷ XXI

Sang thế kỷ XXI, ở Nhật Bản sẽ diễn ra sự điều chỉnh "đau đớn" về quy mô công ty. Đó là thời đại chấm dứt sự sản xuất tập trung, quy mô lớn của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, hình thành các công ty nhỏ với khả năng chuyên môn hoá và hiện đại hoá cao. Nguyên nhân của sự điều chỉnh là ở chỗ: các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ có khả năng thích ứng với thời đại cách mạng khoa học - công nghệ thay đổi từng ngày, khi một sản phẩm sản xuất ra bằng kỹ thuật cao và mới có thể đem lại những hiệu ích kinh tế và xã hội ngay tại thời điểm đó. Trong khi đó các doanh nghiệp quy mô lớn thường vận động rất khó khăn, không thể thích ứng nhanh với nhu cầu của tình hình khách quan phát triển nhanh chóng của công nghệ cao và mới.

Cho đến nay, xí nghiệp vừa và nhỏ đang tăng dần vai trò trụ cột của mình trong việc phát triển kinh tế. Tính đến cuối thập kỷ 90, ở Nhật Bản có tổng cộng 6.544.700 xí nghiệp, trong đó có 57.000 xí nghiệp lớn, chiếm 0,9% tổng số xí nghiệp và có 6.484.300 xí nghiệp nhỏ, chiếm 99,1% tổng số. Trong ngành chế tạo, xí nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99,5% tổng số với số lượng là 852.300 xí nghiệp. Tháng 3 năm 2000 chính phủ đã thông qua Luật Cơ bản liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ có sửa đổi một phần. Luật sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với 3 mục tiêu chính là: (1) Cải cách phương thức kinh doanh và thúc đẩy sự hình thành doanh nghiệp mới; (2) Tăng cường cơ sở hạ tầng cho kinh doanh; và (3) Tạo dựng một cơ cấu mới dễ dàng thích nghi với sự biến đổi thị trường. Sáu tháng sau khi luật này được công bố, đã có 65 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký thành lập (năm 1998 là 62 doanh nghiệp, năm 1999 là 73 doanh nghiệp). Điều này

cho thấy xu hướng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản trong thập kỷ tới sẽ ngày càng tăng, và dự tính sẽ tăng khoảng 20% trong vòng 5 năm đầu thế kỷ XXI.

Để phù hợp với xu thế phát triển loại hình xí nghiệp quy mô nhỏ, chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ cho việc thành lập và đổi mới kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn tốt bằng việc cải cách chế độ thuế chuyển nhượng, hoàn chỉnh chế độ thuế khấu trừ trong dịch vụ cho thuê nhà, thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, khai thác và phát triển phần mềm. Nhằm tránh sự phá sản dây chuyền và hỗ trợ đổi mới kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn có lãi, cơ chế hệ thống an toàn sẽ được tăng cường, bao gồm việc tạo ra các biện pháp tài chính mới và các điều kiện thuận lợi cho xí nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt đảm bảo các khoản vay bằng cách sử dụng bán tín dụng cũng như chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tái cơ cấu.

Với các chính sách và biện pháp nêu trên, hy vọng rằng trong tương lai xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ khắc phục được những nhược điểm của "nền kinh tế quy mô" mà các tập đoàn công ty lớn gặp phải. Cuộc cách mạng tin học sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển của loại hình xí nghiệp này, đem lại sự thích ứng linh hoạt cho nền kinh tế dựa vào quần thể xí nghiệp quy mô nhỏ, hạn chế sự trì trệ nặng nề khi ứng dụng các công nghệ tiên tiến ở các xí nghiệp quy mô lớn. Xí nghiệp quy mô nhỏ sẽ là nơi ứng dụng linh hoạt công nghệ mới, sản xuất một cách năng động; tạo ra lợi nhuận lớn hơn do tiết kiệm chi phí và dễ dàng hội nhập hơn với xu thế biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay.

d. Mô hình quản lý xí nghiệp trong thế kỷ XI

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp mới như phần trên đã đề cập sẽ đem lại mô hình quản lý xí nghiệp hoàn toàn mới cho các công ty Nhật Bản

trong thế kỷ XXI. Cơ cấu này đòi hỏi người quản lý xí nghiệp phải có vai trò lớn hơn, linh hoạt hơn khi điều hành công ty. Nó xoá bỏ phong cách quản lý xí nghiệp theo tầng lớp, xoá bỏ phương thức phân công quản lý theo chức năng và thay vào đó là phân công theo chu trình sản xuất. Người quản lý xí nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc xác định ưu thế trọng tâm của xí nghiệp để tập trung phát triển ưu thế đó. Trong xu thế của thời đại tin học và viễn thông phát triển rầm rộ, cơ chế này giúp người quản lý xí nghiệp giữ được tính cơ động cao độ, kịp thời chuẩn bị chuyển dịch và tìm tòi những điều kiện có lợi nhất cho phát triển doanh nghiệp. Nói cách khác, người quản lý xí nghiệp sẽ phải luôn định vị lại vị trí cho xí nghiệp, tạo ra thị trường mới và thay đổi quy tắc trò chơi cho xí nghiệp.

Đối với người làm công ăn lương, mô hình quản lý xí nghiệp mới sẽ phát huy được tính sáng tạo cá nhân trong công việc cùng với tinh thần tự chịu trách nhiệm trong công việc, điều mà trước đây không được coi trọng. Điều có cũng có nghĩa là xí nghiệp phải thừa nhận nguồn tài nguyên quan trọng nhất của họ chính là con người. Xí nghiệp nào quản lý tốt loại hình tài nguyên này thì sẽ trở thành xí nghiệp phát triển thành công trong tương lai. Cần phải ghi nhớ rằng nếu như trước đây công việc đào tạo tay nghề cho nhân viên là một trong những công việc bắt buộc của xí nghiệp thì hiện nay để tồn tại trong cạnh tranh, từng cá nhân sẽ phải tự học hỏi, tìm hiểu để nâng cao khả năng, năng lực của mình, và xí nghiệp chỉ có trách nhiệm hỗ trợ về cơ hội mà thôi. Nói tóm lại, mô hình quản lý xí nghiệp ở Nhật Bản trong vài thập kỷ tới sẽ mang những đặc điểm sau:

- Sản xuất tinh giản với giá thành thấp: Nhật Bản sẽ tiếp tục chinh phục thế giới về hiệu quả quản lý và uy lực quản lý theo kiểu Nhật. Sản phẩm có tính chất tượng trưng nhất cho kiểu quản lý này là ô tô. Hệ thống sản xuất tinh giản đã mang lại cho giới doanh nghiệp ô tô Nhật một ưu

thế vô cùng to lớn mà không một doanh nghiệp nước ngoài nào có thể cạnh tranh được. Cái gọi là sản xuất tinh giản chính là sự thu nhỏ có hiệu quả nhất của việc quản lý kiểu Nhật, nó thể hiện việc mở mang với tốc độ cao những sản phẩm khác, việc quản lý các hàng bán lẻ tồn kho; coi trọng việc quản lý sản phẩm; điều chỉnh mạnh giá thành và không ngừng cải thiện các loại sản phẩm. Nhưng kiểu quản lý này cũng sẽ được phổ biến rộng rãi. Ở các nước Mỹ, Tây Âu, châu Á trong thế kỷ XXI, do đó Nhật Bản cần phải có những hình thức cải biến linh hoạt để duy trì ưu thế của họ trên thị trường thế giới.

- Cá nhân hoá máy tính: Cuộc cách mạng thông tin trong tương lai không chỉ giúp cho hoạt động sản xuất buôn bán của xí nghiệp được tiến hành thuận lợi mà còn giúp con người tự động hoá các công tác quản lý xí nghiệp, kiểm soát hoạt động của xí nghiệp trên thị trường trong nước và toàn cầu. Thời đại tin học hoá xí nghiệp sẽ làm thay đổi về chất trong phương thức quản lý để nhanh chóng hội nhập toàn cầu.

- Quản lý theo kiểu sáng tạo: coi khách hàng là trên hết, coi trọng hơn các thị trường cá nhân bên cạnh các thị trường tiêu thụ đại chúng, huấn luyện kỹ năng để có thể tạo ra nguồn vốn nhân lực có sức cạnh tranh cao, có khả năng thích ứng trong việc thay đổi sản phẩm xuất khẩu và nhạy bén với nhu cầu của thị trường quốc tế.

Với xu hướng điều chỉnh mô hình quản lý xí nghiệp như trên, các xí nghiệp Nhật Bản sẽ khắc phục được những nhược điểm của hệ thống ra quyết định tập thể từ dưới lên, và của hệ thống quản lý lao động theo chế độ làm việc suốt đời và chế độ thâm niên đặc trưng. Mô hình này cùng

Một phần của tài liệu Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 174 - 196)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w